Mặc dù các chuyên gia, bác sĩ khuyến cáo việc giết mổ lợn và ăn tiết canh có thể bị ngộ độc gây tử vong nhưng nhiều người vẫn xem đây là một món "khoái khẩu" và không thể thiếu trong mâm cơm ngày Tết.
Thiệt hại kép vì món khoái khẩu
Có thể nói, tục "Đụng lợn" ngày Tết vốn là một trong những nét đẹp trong phong tục đón Tết Nguyên Đán của dân tộc ta. Mỗi khi Tết đến Xuân về, nhiều nhà cùng chung một con lợn đến chiều 28 hò nhau mổ và thịt đem chia năm sẻ bảy cùng đón Tết.
Sau khi chọc tiết lợn, nhiều người còn cầm sẵn cái bát để hứng huyết và uống tươi. Họ cho rằng, việc uống huyết tươi như vậy giúp bổ máu, giảm đau đầu và may mắn vì màu đỏ. Số huyết còn lại sẽ được đổ dồi và đánh tiết canh cùng lạc rang, lòng non, rau thơm. Những lúc như vậy, mọi người cùng quây quần, đàn ông mổ lợn, đàn bà đun nước và trẻ con tò mò xem. Ở một khía cạnh nào đó, những điều trên có thể là một dấu ấn trong tiềm thức của mỗi người khi nói về Tết.
Tuy nhiên, khi liên tiếp có các ca bệnh gây tử vong, hoại tử bị cắt chăn tay vì ăn tiết canh, nhiễm khuẩn liên cầu lợn thì thói quen này nên loại bỏ.
Thói quen ăn tiết canh có thể gây tử vòn - Ảnh: Internet
Theo thống kê của Trung tâm Y tế Dự phòng TP. HCM cho biết, trong năm 2016 số người mắc liên cầu lợn trên địa bàn thành phố tăng hơn 200% so với năm ngoái. Theo đó, có 15 ca mắc bệnh tại 12/24 quận huyện và đa số là nam giới từ 50 tuổi trở lên. Qua ghi nhận có gần 67% số người mắc bệnh nói trên bị điếc, giảm thính lực.
Còn tại Hà Nội, theo ông Nguyễn Nhật Cảm, Giám đốc Trung tâm Y tế Dự phòng Hà Nội, trong năm 2016 có 13 ca mắc liên cầu lợn trên địa bàn. Còn theo thống kê của chương trình quản lý kháng sinh (ÁM) của Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương cho thấy, gần 70% số ca viêm màng não mủ trong năm 2014 là do liên cầu lợn gây ra.
Theo bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, Phó khoa Cấp cứu, Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương cho biết, biết mỗi năm bệnh viện tiếp nhận khoảng 100 ca mắc liên cầu khuẩn trong đó phần lớn các ca liên quan đến ăn tiết canh hoặc tham gia giết mổ lợn. Khi người dân ăn thịt lợn bệnh chưa được nấu chín, ăn tiết canh hoặc tiếp xúc với máu, dịch tiết của lợn qua các vết thương ở da, đường hô hấp có thể nhiễm vi khuẩn liên cầu lợn. Liên cầu khuẩn gây bệnh còn có cả ở một số con lợn không bị ốm bệnh, chúng lưu trú ở vùng hầu họng.
Nguy cơ sau bát tiết canh
Theo thông tin của Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế), bệnh liên cầu khuẩn lợn do Streptococcus suis (S.suis) gây nên, bệnh xảy ra ở nhiều nơi trên thế giới và gây tổn thất lớn về kinh tế. Bệnh liên cầu lợn cũng có thể lây cho người. Đó là lý do mà bệnh liên cầu khuẩn lợn được xếp vào nhóm các bệnh chung của người và động vật.
Nhiễm S.suis ít gặp ở người nhưng con người có nguy cơ lây nhiễm và phát phát bệnh khi tiếp xúc với lợn bệnh hoặc các sản phẩm từ lợn bệnh. Các biểu hiện lâm sàng của bệnh là: viêm màng não, xuất huyết, viêm phổi, viêm cơ tim và viêm khớp. Trong trường hợp người bị bệnh nặng có thể tử vong do độc tố vi khuẩn gây sốc nhiễm khuẩn, viêm nội tâm mạc, suy đa phủ tạng, nhiễm khuẩn huyết... Tỷ lệ chết có thể tới 7%.
Nhiều người cho rằng, tiết canh do mình tự làm nên có thể yên tâm ăn mà không hề hấn gì. Tuy nhiên, tiết canh thực chất là máu sống, tiềm ẩn nhiều mầm bệnh nguy hiểm từ tiêu chảy, tả, lị, liên cầu khuẩn. Ngoài ra, trong quá trình cắt tiết, chế biến không đảm bảo vi khuẩn ở dưới da, lông con vật có thể dễ dàng xâm nhập vào máu người.
Một ca bệnh bị nhiễm liên cầu khuẩn - Ảnh: Internet
Đặc biệt, Tết Nguyên đán cũng là dịp nhu cầu sử dụng các sản phẩm thịt tăng cao, nhiều hộ gia đình sử dụng tiết canh, sản phẩm nem, chạo tươi sống nên nguy cơ mắc bệnh cao. Tuy nhiên, khoảng 80 % số bệnh nhân nhiễm các bệnh do liên cầu lợn nhập viện trong tình trạng bệnh nặng. Khi đó, bệnh nhân đã ở thể viêm màng não nặng, sốc, hoại tử, suy đa phủ tạng dẫn đến nguy cơ tử vong cao. Đáng tiếc, liên cầu khuẩn lợn không tạo ra miễn dịch vĩnh viễn, những trường hợp mắc rồi vẫn có thể mắc lại.
Về quan niệm ăn tiết canh giúp bổ huyết, một thầy thuốc Đông Y khẳng định, tiết canh không có tác dụng chữa bệnh mà ẩn chứa nguy cơ mắc bệnh gây nguy hiểm. Do đó, để đảm bảo sức khỏe người dân nên bỏ thói quen ăn tiết canh lấy may đầu tháng.
Để phòng bệnh, người dân tuyệt đối không sử dụng thịt lợn ốm, không rõ nguồn gốc và duy trì thói quen ăn chín uống sôi. Đặc biệt, tuyệt đối không nên ăn tiết canh và khi giết mổ phải có các thiết bị bảo hộ như khẩu trang, găng tay. Khi người thân có các dấu hiệu như sốt cao, đau đầu, nôn ói... cần chuyển tới bệnh viện kịp thời.