Cơ quan điều tra tiếp nhận nhiều đơn tố cáo Nông Thị Phượng có hành vi lừa đảo

Nhóm PV| 02/07/2021 12:28
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Như chúng tôi đã thông tin, vừa qua Báo Công lý nhận được đơn của nhiều người dân tỉnh Cao Bằng, Lào Cai tố cáo họ bị một cá nhân dùng chiêu thức vay "nóng" và hứa trả lãi cao số tiền hàng chục tỷ đồng, nhưng sau đó không thực hiện trả nợ như cam kết.

giay-vay-tien.jpg
Số tiền người dân cho Phượng vay  "nóng"  chỉ trong thời gian ngắn đã lên đến hơn 50 tỷ đồng.

Hàng chục lá đơn tố cáo đều chỉ đích danh đối tượng lừa đảo là Nông Thị Phượng (SN 1978, tại TP Cao Bằng, tỉnh Cao Bằng) .Phượng từng là cán bộ công tác tại BHXH tỉnh Cao Bằng.

Mới đây, chúng tôi tiếp nhận thêm đơn tố cáo Phượng của bà Nông Thị Thúy Điển (trú tại Thành phố Cao Bằng). Bà Điển cho biết, năm 2018, Nông Thị Phượng nói cần tiền và đề nghị vay “nóng” bà Điển tổng số tiền hơn 4,1 tỷ đồng để làm đáo hạn ngân hàng. Tuy nhiên, Phượng không thực hiện việc trả nợ như đã cam kết. Sau nhiều lần khất nợ, nhưng đến nay vẫn chưa trả và tỏ thái độ bất hợp tác.

Các bà Nguyễn Thị Nga, Hoàng Thị Dung (cùng trú tại TP Cao Bằng) cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự. Từ mối quan hệ quen biết nhau, Phượng đã vay tiền của bà Nga; rồi thông qua bà Nga, Phượng vay của bà Dung số tiền lên đến gần 10 tỷ đồng. Khi thấy Phượng không trả đúng hạn như đã hứa nên ngày 24/12/2019, bà Nga yêu cầu Phượng làm hợp đồng vay. Tuy nhiên, hết hạn hợp đồng Phượng không trả nợ mà có hành vi lẩn tránh không thực hiện nghĩa vụ như đã cam kết.

Không chỉ những trường hợp nêu trên mà còn có hàng chục trường hợp khác cũng trong hoàn cảnh tương tự. Những khoản vay “nóng” hàng tỷ, thậm chí cả chục tỷ đồng với chữ ký và cam kết trả của Phượng cũng chỉ bằng tờ giấy viết tay mà không có tài sản thế chấp; như trường hợp bà Hứa Thị Liễu, Hà Thị Vân, Vũ Quyền Anh, Hà Thị Thắm, Hà Thị Thơm, Hà Thị Thanh, Hoàng Văn Tuân, Nông Thị Điển… với tổng số tiền lên đến gần 50 tỷ đồng.

Ngoài ra, chúng tôi còn tiếp nhận thông tin qua điện thoại một số trường hợp khác liên quan đến việc cho Phượng vay “nóng” tiền nhưng đến nay không dòi được; nhiều trường hợp cho vay bằng hình thức chuyển khoản nhưng không có giấy vay nhận nợ…

CQĐT đang tiếp tục điều tra vụ việc

Để làm rõ những nội dung nêu trên, chúng tôi đã có buổi làm việc với Đại tá Vũ Hồng Quang, Giám đốc Công an tỉnh Cao Bằng, ông Quang cho biết, CQĐT công an tỉnh Cao Bằng cũng đã nhận được rất nhiều đơn tố cáo Nông Thị Phượng có hành vi lừa đảo, lạm dụng tín nhiệm để chiếm đoạt tài sản bằng hình thức vay tiền.

vu-hong-qaung.jpg
Đại tá Vũ Hồng Quang, Giám đốc Công an tỉnh Cao Bằng.

Trong số những đơn tố cáo gửi đến, hiện nay Công an tỉnh Cao Bằng đã tiến hành xác minh 3 đơn (Đó là đơn của ông Bùi Văn Tùng, Nguyễn Huy Tân tố cáo một cán bộ thuộc Công an tỉnh Cao Bằng và Nông Thị Phượng; đơn của bà Hoàng Thị Xuyến tố cáo Nông Thị Phượng).

Với những trường hợp nêu trên, bước đầu, CQĐT xác định không có dấu hiệu hình sự, phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, mà là hành vi giao dịch dân sự giữa các cá nhân. CQĐT đã trả lời đơn và ban hành quyết định không khởi tố vụ án hình sự. Nội dung này cũng đã được VKSND tỉnh Cao Bằng đồng ý và phê chuẩn quyết định không khởi tố vụ án.

Liên quan đến trường hợp một cán bộ công an bị tố cáo liên quan đến việc vay tiền của Nông Thị Phượng, ông Vũ Hồng Quang cho biết đó là trường hợp anh Bùi Sỹ Công, là cán bộ đang công tác tại Công an tỉnh Cao Bằng. Qua điều tra vụ việc thể hiện anh Công là người giới thiệu để Nông Thị Phượng vay tiền một số trường hợp. Quá trình điều tra, 2 trường hợp cụ thể mà anh Công đã giới thiệu vay tiền, CQĐT đã xác định đó là quan hệ dân sự, thì người giới thiệu cho vay cũng không phạm tội hình sự mà đó là quan hệ vay mượn dân sự.

Về góc độ quản lý cán bộ, CQĐT sẽ xem xét trách nhiệm của anh Bùi Sỹ Công theo quy định của ngành Công an.

Trả lời câu hỏi về việc hiện nay, những hợp đã được giải quyết vẫn có đơn cho rằng kết quả điều tra chưa khách quan, cơ quan điều tra chưa thu thập đầy đủ chứng cứ thì sẽ xử lý ra sao? Đại tá Vũ Hồng Quang cho hay, CQĐT có nhận được những đơn phản ánh trong quá trình điều tra, thu thập chứng cứ chưa đầy đủ nên dẫn đến kết quả chưa khách quan. Hiện đã giao thủ trưởng các cơ quan điều tra kiểm tra lại hồ sơ và báo cáo lại nội dung vụ việc với giám đốc Công an tỉnh. Các cán bộ điều tra khẳng định đã đảm bảo thu thập chứng cứ đầy đủ, khách quan vụ việc; quá trình điều tra cũng đã được VKS kiểm sát ngay từ đầu. Còn trong trường hợp, CQĐT đã kết luận không phạm tội hình sự và VKS đã có văn bản đồng ý mà người có đơn vẫn cho rằng kết quả điều tra chưa đúng, chưa khách quan thì thẩm quyền giải quyết tiếp theo thuộc VKSND tỉnh Cao Bằng.

Ông Quang cũng cho biết, ngoài 3 vụ việc đã giải quyết nêu trên, những đơn tiếp theo mà CQĐT đã nhận được, hiện đang tiến hành giải quyết.

Theo ông Quang, không phải tất cả các vụ việc đều giống nhau. Việc vay mượn người này có thể xác minh không có dấu hiệu tội phạm, nhưng đến những trường hợp khác cũng có thể là dấu hiệu tội phạm hình sự khi người vay đưa ra thông tin không đúng sự thật để vay tiền nhằm chiếm đoạt tài sản, sau đó sử dụng tiền không đúng cam kết nhằm chiếm đoạt. CQĐT sẽ căn cứ vào từng vụ việc cụ thể, thu thập tài liệu, chứng cứ liên quan để kết luận.

Nông Thị Phượng có dấu hiệu lừa đảo hay không?

Được biết, trước đó Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Cao Bằng có Thông báo kết quả giải quyết nguồn tin tội phạm đối với một số trường hợp, trong đó có các ông bà Hoàng Thị Xuyến, Bùi Văn Tùng và Nguyễn Huy Tân…

Với trường hợp ông Nguyễn Huy Tân và ông Bùi Văn Tùng, CQĐT kết luận hai người này đã cho Bùi Sỹ Công và Nông Thị Phượng vay tổng số tiền là 7 tỷ đồng và việc vay nợ này có trả lãi suất. Số tiền Phượng vay để đầu tư buôn hàng đông lạnh sang Trung Quốc và đầu tư vào công ty vệ sỹ và trả nợ… CQĐT cũng cho rằng hành vi của Phượng là huy động vốn, chấp nhận vay với lãi suất cao và dùng tiền của người vay trước để trả người vay sau…là quan hệ dân sự, không có dấu hiệu lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.

vay-dao-han.jpg
Tin nhắn thể hiện việc vay tiền để đáo hạn ngân hàng.

Tuy nhiên, những người có đơn đều khẳng định, Phượng đã đưa ra những thông tin không đúng sự thật, như vay để đảo nợ ngân hàng; thời hạn vay “nóng” 7-10 ngày cùng với lời hứa trả lãi cao để người dân tin tưởng cho vay tiền; không phải vay đầu tư làm ăn như Phượng đã khai với cơ quan điều tra và trong kết luận mà CQĐT và VKSND tỉnh Cao Bằng đã kết luận. Trong những thông tin trao đổi giữa Phượng và những người cho vay tiền tại thời điểm đó để thể hiện việc Phượng cần vay tiền để đáo hạn ngân hàng, chứ không phải để đầu tư như CQĐT nêu ra.

LS Lê Hồng Khanh, nguyên Chánh án Tòa án quân sự quân khu II nhận định, như thông tin mà những người được cho là bị hại tố cáo Nông Thị Phượng cho biết: để vay được tiền của họ, Phượng đã dùng nhiều cách (trực tiếp hoặc nhờ người quen) giới thiệu Phượng là cán bộ ngân hàng cần tiền đáo hạn cho khách nên có nhu cầu vay nóng số tiền lớn như vậy. Nhiều người vì có tiền nhàn rỗi và muốn hưởng lãi cao nên đã cho vay và gom tiền anh em họ hàng để cho Phượng vay… Đến hạn Phượng không trả, hoặc trả nhỏ giọt hoặc tìm lý do thoái thác việc trả nợ; thậm chí dùng những chiêu thức khác nhứ hứa hẹn trả nợ để vay thêm tiền…

tin-nhan.jpg

Với các hành vi như: có sự lừa dối, cố tình đưa ra những thông tin không đúng sự thật, gian dối để vay tiền; tiền vay được sử dụng vào mục đích cá nhân, không đúng mục đích đầu đưa ra; đến hạn không trả đúng cam kết hoặc trả một vài lần để tạo lòng tin rồi ngừng trả lãi, gốc…Đến nay nhiều người cho vay đòi nợ nhưng cố tình lẩn tránh không trả nợ. Như vậy người vay tiền có hành vi lừa dối để vay tiền của nhiều người với số tiền hàng chục tỷ đồng và không trả là dấu hiệu của tội phạm hình sự, “Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản” theo quy định tại Khoản 4, Điều 174 Bộ luật hình sự.



Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cơ quan điều tra tiếp nhận nhiều đơn tố cáo Nông Thị Phượng có hành vi lừa đảo