Tuần lễ Hoa Dã Quỳ - Núi lửa Chư Đang Ya năm 2024 dự kiến sẽ diễn ra từ ngày 6-12/11. Trong đó, hình ảnh Hoa Dã Quỳ gắn với Núi lửa Chư Đang Ya, đã được Tổ chức kỷ lục Việt Nam Vietking bình chọn top 10 điểm đến hấp dẫn nhất Gia Lai. Đặc biệt, Chư Đang Ya được công nhận là 1 trong 10 miệng Núi lửa đẹp nhất thế giới của tạp chí Anh quốc bình chọn (năm 2018).
Ban tổ chức lễ hội tỉnh Gia Lai, xác định đây là một trong những hoạt động lớn của tỉnh nhằm chào mừng các sự kiện chính trị của đất nước và tỉnh năm 2024.
Tuần lễ Hoa Dã Quỳ - Núi lửa Chư Đang Ya cũng là sự kiện giới thiệu danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử văn hóa, các điểm trải nghiệm, quảng bá hình ảnh quê hương và con người Gia Lai đến với du khách; qua đó kêu gọi đầu tư, từng bước phát triển các loại hình du lịch; góp phần bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa của các dân tộc trong tỉnh.
Thời gian dự kiến diễn ra Lễ hội từ ngày 06-12/11; trọng điểm trong 03 ngày: Từ ngày 08 đến ngày 10/11/2024. Địa điểm diễn ra các chương trình lễ hội gồm: Khu vực sân nhà rông làng Ia Gri, khu vực Núi lửa xã Chư Đang Ya, khu vực xã Nghĩa Hưng, huyện Chư Păh; khu vực Biển Hồ, TP. Pleiku.
Đến với lễ hội, du khách sẽ được đắm mình vào các hoạt động văn hóa văn nghệ, trò chơi dân gian mang đậm bản sắc “Đất và con người Gia Lai”.
Trong đó, phải kể đến một số sự kiện như: Trình diễn cồng chiêng, múa dân gian; Không gian trình diễn nghệ thuật đan lát, tạc tượng, dệt thổ cẩm, chế tác nhạc cụ dân tộc, tượng gỗ dân gian, nhạc cụ dân tộc truyền thống và trưng bày giới thiệu sản phẩm văn hóa đặc trưng truyền thống các dân tộc thiểu số; phục dựng nghi lễ Mừng lúa mới của người Jrai; trình diễn giã gạo chày đôi.
Đan xem là các hoạt động thể thao như đẩy gậy, chạy cà kheo, kéo co, nhảy bao bố; hội thi chinh phục đỉnh Núi lửa Chư Đang Ya; trò chơi dân gian với các trò chơi cho du khách trải nghiệm như bịt mắt đập niêu, bịt mắt bắt vịt, nhảy bao bố… Tổ chức cho du khách tham gia các hoạt động: Đi cà kheo, đẩy gậy, kéo co, đi xe đạp chậm…
Cùng với đó, tại Tuần lễ hội này, còn có các chương trình giao lưu nghệ thuật, trình diễn các nhạc cụ dân tộc truyền thống Tây Nguyên của một số câu lạc bộ, các ban nhạc, nhóm nhạc, các đơn vị nghệ thuật trong và ngoài tỉnh.
Đến với Lễ hội, du khách còn được thưởng thức các món ẩm thực đặc sản địa phương, như cơm lam, gà nướng, rượu ghè, lá mì… hay mua các sản phẩm, mặt hàng mang đậm bản sắc Gia Lai để làm quà tặng cho người thân, bạn bè như gùi; túi xách (có quai, cầm tay); bình hoa (đựng hoa khô); mẹt để trang trí.
Đặc biệt, Lễ hội còn trình diễn trang phục truyền thống ngày thường, lễ hội, lễ cưới… của các dân tộc trên địa bàn huyện Chư Păh (Kinh, Jrai, Bahnar, Xê đăng, Tày, Nùng); tổ chức thả Khinh khí cầu; Giải Half Marathon 2024 “Đánh thức vùng quê Chư Păh - Hành trình kết nối Núi và Hoa” với đường chạy đi qua hàng thông trăm tuổi đầy thơ mộng.
Chương trình diễn ra Lễ khai mạc dự kiến vào khoảng 8h ngày 08/11, tại Khu vực sân nhà rông làng Ia Gri, xã Chư Đang Ya, huyện Chư Păh. Tại đây, sẽ có phần trao nhận Kỷ lục Việt Nam về “Chương trình đồng diễn cồng chiêng Tây Nguyên có số lượng nghệ nhân, diễn viên học sinh tham gia đông nhất Việt Nam”.