Một cuốn du ký “Bên kia ranh giới – Cánh cửa nào cần mở với chìa khóa giáo dục?” sẽ được Tôn Nữ Tường Vy cô gái sinh năm 1990 giới thiệu đến bạn đọc.
"Bên kia ranh giới – Cánh cửa nào cần mở với chìa khóa giáo dục?" là tập hợp những ghi chép về hành trình học hỏi ngoài “vùng an toàn” của cô gái ốc tiêu – Tôn Nữ Tường Vy. Những thảo luận về giáo dục, lịch sử, môi trường và trải nghiệm thực tế của tác giả trẻ qua các quốc gia với một giọng văn sắc sảo, đầy sự trẻ trung, tươi mới của Tôn Nữ Tường Vy mang đến cho bạn đọc nhiều bất ngờ thú vị khi thưởng thức quyển sách du ký này.
Tường Vy từng là đại diện sinh viên Việt Nam duy nhất trong nhiều chương trình quốc tế như Trường hè của Liên Hợp Quốc tại New York, Mỹ, Hội nghị Thượng đỉnh Đổi mới Giáo dục Quốc tế tại Qatar. Cô là một trong những người trẻ Việt Nam đầu tiên khởi đầu cho xu hướng “du học ngắn hạn” bằng các chương trình được đài thọ như trường hè, tình nguyện, hội thảo, tập huấn quốc tế, nâng cao khả năng hội nhập của giới trẻ Việt.
Sách Bên kia ranh giới sẽ được ra mắt độc giả Hà Nội vào ngày 14/1 tới đây.
Tường Vy có niềm đam mê đặc biệt đối với giáo dục, cô đã dành trọn tâm huyết của mình cùng các thành viên khác đồng sáng lập Câu lạc bộ Học thuật lan tỏa và hiện là giáo viên tại Friends English Center (Sài Gòn).
Du ký "Bên kia ranh giới – Cánh cửa nào cần mở với chìa khóa giáo dục?" đề cập đến các hình thức giáo dục thay thế mà cô đã trải nghiệm trong hành trình qua nhiều quốc gia bằng du lịch bụi và các chương trình ngắn hạn được đài thọ toàn phần (trường hè, tập huấn, tình nguyện). Cuốn sách còn phân tích những vấn đề xã hội gây tranh cãi như giáo dục, môi trường, văn hóa và lịch sử.
Mạnh dạn bước qua những giới hạn của mình để có được những trải nghiệm đặc biệt, cô gái bé nhỏ này đã dùng chính sự thay đổi của bản thân mình để góp phần nêu lên những tiếng nói thiểu số trong xã hội. Đó là chiếc mặt nạ loang lổ màu máu từ một cậu bạn Philippines từng là lính trẻ em của một nhóm quân nổi dậy Hồi giáo, là đền đài Angkor thì thầm kể về cuộc huy hoàng và diệt vong của nó do cuồng vọng của con người, là dòng Mekong đang kêu cứu vì đập thủy điện, một cô bé Cambodia không có tiền đi học, một gia đình Malaysia dạy con tại gia, hay những dự án sáng tạo âm thầm của giới trẻ Việt giúp mọi người yêu lịch sử hơn.
Bạn đọc có thể tìm thấy chính mình ở đâu đó trong những câu chuyện của Vy, như một tuổi thơ ám ảnh khiếp sợ những kì thi và điểm số, sự khủng hoảng khi chợt nhận ra tư duy và kỹ năng của mình còn quá kém cỏi so với bạn bè quốc tế, xem lại ảo tưởng to tát về tình nguyện, hay bài toán cân bằng giữa công việc, gia đình và “xách ba lô lên và đi” để tìm tòi cái mới mà lại đầy bất trắc.
“Nhưng điều quan trọng hơn mà cô hướng tới là trau dồi tri thức và kỹ năng hoạt động xã hội trong lĩnh vực canh tân giáo dục, để tự hoàn thiện bản thân, hướng tới những việc làm có ích cho cộng đồng, cho cuộc đời” (Chu Hảo – Giám đốc Nhà xuất bản Tri Thức).
Hiện Tường Vy đang viết tiếp quyển du ký thứ 2, về chủ đề hòa bình và xung đột, với những trải nghiệm thực tế của cô về người tị nạn, chủ nghĩa dân tộc và xung đột tôn giáo - văn hóa ở những vùng đất cô đã đi qua.