Phóng sự - Ghi chép

Chuyện về những người giữ rừng nơi biên cương Tổ quốc - Bài 3: Những 'người hùng' thầm lặng

Nguyễn Liên - Minh Quân 06/09/2024 - 09:52

Màu xanh thăm thẳm của những cánh rừng hôm nay có sự “thấm đẫm” mồ hôi và cả máu của cán bộ Kiểm lâm tỉnh Hà Giang. Những “người hùng” thầm lặng đã trải qua biết bao gian nan, thách thức, kể cả hy sinh tính mạng để bảo vệ màu xanh cho rừng.

Dù gặp nhiều khó khăn, các cán bộ Kiểm lâm vẫn kiên định bám trụ, không ngừng nỗ lực để bảo vệ rừng (BVR), duy trì sự cân bằng tự nhiên và bảo vệ môi trường cho tương lai. Điều này là minh chứng rõ ràng cho sự quả cảm, nhất quán và tận tụy của họ trong nhiệm vụ cao cả này.

1_20240519095616.jpg
Chi cục Kiểm lâm tỉnh Hà Giang ra quân trồng 1.000 cây sa mộc trên đỉnh Tây Côn Lĩnh. Ảnh: CTV

Mở đầu câu chuyện, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Hà Giang - Đào Duy Tuấn vẫn không quên nỗi buồn và niềm thương nhớ, xót xa mà ngành Kiểm lâm Hà Giang đã trải qua. Vụ cháy rừng trên núi Tây Côn Lĩnh xảy ra vào khoảng 2 giờ sáng ngày 26/4/2024. Ngọn lửa nhanh chóng lan ra khu rừng tại 3 xã Phương Tiến, Xín Chải, Lao Chải thuộc huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang. Để cứu rừng, ngành chức năng của tỉnh Hà Giang đã huy động khoảng hơn 2.000 người, gồm lực lượng kiểm lâm, quân sự; lực lượng chức năng của huyện Vị Xuyên và đông đảo bà con nhân dân các xã tham gia chữa cháy rừng.

Mặc dù đã tích cực triển khai phương châm “4 tại chỗ”, nhưng do khu vực cháy có địa hình phức tạp, núi cao, thực bì dày, lại đang cao điểm mùa khô, nên công tác chữa cháy rừng ở Hà Giang phải đối diện với nhiều khó khăn, thách thức. Hơn thế nữa, do địa điểm cháy trên núi cao sức gió lớn, đám cháy lan ra nhiều hướng khiến việc xác định phương hướng phát sinh nguy cơ lây lan đám cháy gặp nhiều khó khăn.

5_20240519095732.jpg
Cán bộ Kiểm lâm cùng người dân xã Phương Tiến, huyện Vị Xuyên tham gia trồng phủ xanh diện tích rừng bị cháy trên dãy Tây Côn Lĩnh. Ảnh: CTV

Sau gần 2 ngày huy động tối đa các lực lượng, đến chiều 27/4, ngọn lửa trên cánh rừng đặc dụng Tây Côn Lĩnh đã được dập tắt. Hậu quả 17 ha rừng nơi đây bị thiệt hại, đặc biệt đã có 2 cán bộ Kiểm lâm là Kiểm lâm viên Trần Văn Khiên, Hạt Kiểm lâm Vị Xuyên và Kiểm lâm viên Trương Thị Lan, Hạt Kiểm lâm rừng đặc dụng Phong Quang - Tây Côn Lĩnh đã hi sinh và mãi mãi nằm lại với rừng.

Nỗi đau mất đi những người đồng chí, đồng nghiệp vẫn chưa nguôi ngoai, nhưng đằng sau câu chuyện ấy, luôn có những niềm tự hào. Nỗi gian khó của cán bộ Kiểm lâm là cả một câu chuyện dài, trải qua biết bao thế hệ. Những cánh rừng được phân bố rộng khắp trên cả 193 xã, phường, thị trấn của tỉnh Hà Giang, một thời đã in hằn dấu chân của những người lính mang “quân hàm xanh”. Dải đất nơi biên cương của Tổ quốc khắc nghiệt như muốn thử thách ý chí của những người lính Kiểm lâm, nhưng họ đã vượt lên tất cả. Những vụ cháy rừng trên núi Tây Côn Lĩnh; những đợt dịch bệnh gây hại rừng; những vụ phá rừng lớn, nhỏ… đều có mặt những người lính kiểm lâm xung trận.

Hà Giang có diện đất quy hoạch cho lâm nghiệp là 577.052,1 ha, trong đó: Đất rừng đặc dụng: 59.525,8 ha, đất rừng phòng hộ: 233.339,2ha, đất rừng sản xuất: 284.187,1 ha, chiếm 72,8% tổng diện tích tự nhiên toàn tỉnh. Rừng phân bố ở tất cả các huyện, thành phố và gắn bó mật thiết với đời sống của nhân dân. Hà Giang có 7 khu rừng đặc dụng, bao gồm: 5 khu Bảo tồn thiên nhiên, 1 khu bảo vệ cảnh quan và 1 Vườn Quốc gia là nơi lưu trữ nguồn gen động, thực vật phong phú với nhiều loài quý, hiếm có giá trị về kinh tế và nghiên cứu khoa học.

thuan_hoa_1_20240408101244-1-.jpg
Nhiều cán bộ Kiểm lâm dành thời gian bên gia đình ít hơn thời gian bám rừng. Ảnh: CTV

Hiện nay, tổng số biên chế hiện có của Chi cục là 224 người, trong đó: Công chức 213 người và lao động hợp đồng 11 người. Mỗi một chiến sỹ Kiểm lâm phải chịu trách nhiệm quản lý, tuần tra hơn 2.576 ha rừng. Dù nắng hay mưa, họ phải làm việc không ngừng nghỉ, hòa mình vào không gian rừng mênh mông, để bảo vệ và giám sát mỗi góc khuất của rừng. Đây không chỉ là một công việc vất vả về thể chất, mà còn là một thử thách về tinh thần, yêu cầu sự quyết tâm và cam kết cao độ từ mỗi cán bộ Kiểm lâm.

Nhiều cán bộ Kiểm lâm dành thời gian bên gia đình ít hơn thời gian bám rừng, không ít cán bộ nhiều năm liên tiếp không được đón giao thừa, vui Tết trọn vẹn cùng gia đình. Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Đồng Văn - Hoàng Đình Giang từng có thời gian dài “chinh chiến”, canh giữ rừng, chia sẻ: “Lâm tặc thường lợi dụng những ngày Tết, thời tiết phức tạp để “hành động”. Bám cơ sở, trực chốt và tuần tra rừng trong những ngày Tết là chuyện thường đối với anh em Kiểm lâm. Hầu như không có cái Tết nào, anh em kiểm lâm được cùng với gia đình trọn vẹn”.

Dù gian khó, hiểm nguy nhưng rừng từng che chở họ qua bao thế hệ, cả trong chiến tranh. Với những người cán bộ Kiểm lâm, rừng được xem như ân nhân và nghĩa vụ của họ phải trả ơn bằng trách nhiệm nặng nề, kể cả hy sinh tính mạng để BVR.

dg4-1-.jpg
Lực lượng Kiểm lâm kiểm tra rừng khu vực huyện Bắc Mê. Ảnh: CTV

Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Hà Giang - Đào Duy Tuấn còn nhớ rất rõ một thời gian khó, nguồn lực cho công tác BVR rất thiếu thốn. Núi rừng hiểm trở, địa bàn rộng, địa hình phức tạp, diện tích rừng lớn khó khăn cho công tác tuần tra, BVR. Lực lượng BVR tại cơ sở còn quá mỏng; điều kiện, phương tiện, cơ sở vật chất phục vụ công tác BVR, PCCCR còn chưa đáp ứng được yêu cầu.

Các Ban quản lý rừng được Nhà nước giao rừng chưa thành lập được lực lượng chuyên trách BVR theo quy định, gây khó khăn cho công tác phối hợp trong tuần tra BVR. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát của một số cấp uỷ, chính quyền đối với lĩnh vực quản lý, BVR, các chính sách về lâm nghiệp, hoạt động của Tổ BVR tại các thôn, bản chưa thường xuyên.

Nhận thức của một số người dân vùng cao, vùng sâu, vùng xa còn hạn chế; điều kiện kinh tế thiếu thốn, khó khăn; tập quán sản xuất nương rẫy của người dân sống gần rừng dẫn đến tình trạng cháy rừng, chặt phá rừng vẫn còn xảy ra.

Ông Đào Duy Tuấn nói: “Nếu không có ý chí, quyết tâm cao và yêu nghề thì những người các bộ Kiểm lâm sẽ không bao giờ trụ vững với nghề, khó hoàn thành nhiệm vụ”.

393c35d6bea519fb40b4.jpg
Các cán bộ kiểm lâm huyện Đồng Văn và người dân tuần tra rừng phòng hộ.

Bất chấp sự hiểm nguy luôn rình rập, các chiến sĩ Kiểm lâm vẫn ngày đêm bám địa bàn, bảo vệ màu xanh cho rừng. Không chỉ thiên tai, núi rừng hiểm trở, nạn lâm tặc hoành hành, manh động là mối lo, nguy hiểm tính mạng đối với cán bộ Kiểm lâm.

Tuần tra rừng là nhiệm vụ “như cơm bữa” đối với mỗi cán bộ Kiểm lâm. Nạn phá rừng, khai thác gỗ rừng trái phép, hay cháy rừng được ngăn chặn, hạn chế đều phụ thuộc vào những chuyến tuần tra, kiểm soát, song đây là nhiệm vụ không hề đơn giản.

Trong một lần trò chuyện với chúng tôi, anh Bùi Văn Quyết, Trạm trưởng trạm kiểm lâm Tả Lủng, Hạt kiểm lâm huyện Mèo Vạc (tỉnh Hà Giang) đã tâm sự về thực tế khó khăn mà các chiến sỹ Kiểm lâm phải đối mặt hàng ngày. Trước đây, nhiều vụ việc lâm tặc hành hung, chống đối lực lượng Kiểm lâm. Nhiều cán bộ Kiểm lâm đã từng đổ máu. Anh Quyết nhấn mạnh rằng, công việc của các anh đòi hỏi sự kiên nhẫn, can đảm và quyết tâm không ngừng.

Bất chấp những khó khăn, những rủi ro, các chiến sỹ Kiểm lâm vẫn kiên trì bám trụ, giữ vững lý tưởng của mình. Họ sống dựa vào rừng, hòa mình vào thiên nhiên và từng ngày vượt qua những thử thách với tinh thần lạc quan và quyết tâm.

91d4a9d32da08afed3b1.jpg
Lực lượng bảo vệ rừng thường xuyên tuần tra rừng. Ảnh: CTV

Hầu hết các Trạm Kiểm lâm nằm cách biệt giữa rừng sâu, nơi đó được xem là “nhà” của anh em Kiểm lâm dù thiếu thốn mọi bề, cả vật chất lẫn tinh thần, nhưng họ vẫn khắc phục, vượt qua mọi gian khó... Với cán bộ Kiểm lâm bây giờ, điều đáng mừng là nạn sốt rét rừng đã đẩy lùi, song vẫn còn đó đồi núi dựng đứng, suối thác hiểm trở.

Chỉ cần một chút bất cẩn, sơ sẩy sẽ nguy hiểm đến tính mạng bất cứ lúc nào, nhất là vào những ngày thời tiết mưa lạnh, gió lớn. Đã có nhiều cán bộ Kiểm lâm bị tai nạn, trượt ngã bị thương trong khi đi tuần tra. Hiểm nguy là thế, song nhờ tâm huyết với nghề, anh em Kiểm lâm đã vượt qua và hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Với sự hy sinh và cam kết không ngừng, các chiến sỹ Kiểm lâm là những “người hùng” thầm lặng, góp phần quan trọng vào việc bảo vệ rừng, giữ vững môi trường sống cho hàng triệu sinh linh và đảm bảo sự phát triển bền vững của đất nước.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chuyện về những người giữ rừng nơi biên cương Tổ quốc - Bài 3: Những 'người hùng' thầm lặng