Chuyên gia nói về nguy cơ lây lan virus từ ca tái nhiễm SARS-CoV-2 tại Hà Nội

Thảo Nguyên| 07/09/2021 20:50
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Mặc dù tải lượng virus tại thời điểm phát hiện dương tính SARS-CoV-2 của nam bệnh nhân ở Hà Nội rất thấp, ít có khả năng lây bệnh nhưng chuyên gia cho rằng vẫn phải truy vết, xét nghiệm người liên quan.

Ngày 7/9, Sở Y tế Hà Nội thông tin về ca bệnh người đàn ông 53 tuổi (ở Cầu Giấy, Hà Nội) dương tính SARS-CoV-2 sau 10 tháng mắc bệnh. Người này từng mắc Covid-19 tại Nga vào 8/11/2020.

Theo ông Khổng Minh Tuấn - Phó Giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật Hà Nội, khi xét nghiệm phát hiện dương tính, tải lượng virus của người đàn ông này rất thấp (Ct value là 36). Vì vậy, nguy cơ lây lan của trường hợp này rất thấp nhưng vẫn phải truy vết, xét nghiệm những người liên quan.

Trước đó, ở ngõ 102 Nguyễn Đình Hoàn nơi ông này sinh sống, đã ghi nhận trường hợp mắc Covid-19 được công bố vào trưa 31/8. "Hiện tại, chúng tôi không có hồ sơ bệnh án cũ của bệnh nhân, do đó, chưa đủ căn cứ để xác định xem bệnh nhân nhiễm virus cũ hay mới", ông Khổng Minh Tuấn nói.

xn.jpeg
Nhân viên y tế làm thủ tục lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2

BS Nguyễn Trung Cấp - Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cũng cho rằng, tại thời điểm xác định nhiễm bệnh, kết quả xét nghiệm của người này cho thấy tải lượng virus rất thấp, nên nguy cơ lây lan bệnh cũng rất thấp.

Tuy nhiên, cũng chưa thể khẳng định trước đó tải lượng của người này cao hay không. Vì thế lực lượng chức năng vẫn phải truy vết, xét nghiệm những người liên quan.

Theo BS Cấp, tái nhiễm SARS-CoV-2 là tình trạng bệnh nhân từng mắc Covid-19 và đã khỏi bệnh, nhưng sau đó lại nhiễm lại.

Cơ sở chắc chắn nhất để khẳng định một bệnh nhân tái nhiễm virus SARS-CoV-2 là khi bệnh nhân đó từng mắc Covid-19 đã đủ tiêu chuẩn xác định khỏi bệnh, một thời gian dài sạch virus. Sau đó, bị nhiễm bệnh lại và nuôi cấy virus có mọc lại (virus hoạt động).

Tức là lần nhiễm sau bệnh nhân đó mang virus sống chứ không phải mảnh xác virus tồn lưu từ lần nhiễm trước. Tuy nhiên, có một số trường hợp có thời gian mang virus rất dài tới 174 ngày, nên cơ sở thứ 2 để khẳng định một người có tái nhiễm hay không vẫn phải căn cứ vào nuôi cấy virus, giải trình tự gene, nếu 2 lần nhiễm mà mắc 2 chủng khác hẳn nhau thì chắc chắn đó là tái nhiễm

BS Cấp cũng thông tin, kết quả nghiên cứu tại Anh cho thấy, người từng mắc Covid-19 thì nguy cơ nhiễm lại virus giảm tới 83% do với người chưa từng nhiễm trong ít nhất 5 tháng. Mặt khác, những người tái nhiễm cũng có diễn bệnh bệnh và tỷ lệ bệnh nặng không khác biệt so với lần đầu. 

“Cơ thể thường sinh ra kháng thể với virus sau khi khỏi bệnh. Nhưng cơ thể giữ được mức độ kháng thể giúp bảo vệ cơ thể lâu dài hay không còn tùy theo từng loại virus và từng người bệnh”, BS Cấp nhấn mạnh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chuyên gia nói về nguy cơ lây lan virus từ ca tái nhiễm SARS-CoV-2 tại Hà Nội