Chuyện chưa kể về chóp inox trên đỉnh Đông Dương

Hoàng Phương Thảo| 30/07/2019 06:32
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Với người Việt Nam, chóp tam giác bằng inox đánh dấu độ cao 3.143m (nay là 3.147,3m) của đỉnh Fansipan giống như một biểu tượng của sự chinh phục, niềm tự hào về non sông gấm vóc. Nhưng ít ai biết câu chuyện về những người đã “khai sinh” ra cột mốc này.

Ăn cơm nhà, vác tù và... lên núi

Sau rất nhiều lần hẹn, cuối cùng, chúng tôi đã gặp được anh Lê Hồng Quang, một trong những người cha đẻ của chiếc chóp inox hiện đang được đặt trên đỉnh Fansipan huyền thoại. Gợi nhắc chuyện cũ, anh bảo: Quyết định làm mới và đặt chóp lên nóc nhà Đông Dương đến khá tình cờ.

“Đầu năm 2008, trên Box Du lịch của Diễn đàn Trái tim Việt Nam online [Một trong những diễn đàn lớn nhất Việt Nam trong giai đoạn trước năm 2010-PV] xuất hiện topic cảnh báo: Đỉnh Fansipan tan hoang, chóp đá cũng đã bị phá vỡ,” anh Quang nhớ lại.

Dù chưa từng đặt chân lên nóc nhà Đông Dương nhưng hình ảnh về chóp đá hoa cương trên đỉnh trời với những vết nứt dài nham nhở không ngừng ám ảnh anh. Vài ngày sau đó anh mở topic: “Làm lại chóp mới cho đỉnh Fansipan”. “Lúc ấy, tôi chỉ nghĩ cột mốc trên độ cao 3.143m có ý nghĩa rất thiêng liêng,” anh chia sẻ.

Chuyện chưa kể về chóp inox trên đỉnh Đông Dương

Chóp inox trên đỉnh Fansipan

Ý tưởng “tái sinh” đỉnh chóp lập tức nhận được sự ủng hộ của rất nhiều thành viên trong Box Du lịch. Một kế hoạch chi tiết nhanh chóng được vạch ra.

“Chúng tôi một mặt viết thư trao đổi với ông Nguyễn Quốc Trị là Giám đốc Vườn Quốc gia Hoàng Liên lúc bấy giờ để xin phép được làm cột mốc mới bằng inox thay thế cho chóp đá bị vỡ; mặt khác kêu gọi anh em, bạn bè cùng góp tiền và lên ý tưởng cho dự án,” Quang nhớ lại.

Chưa đầy một tuần, nhóm đã quyên góp được 10 triệu đồng. “Tổ đặc nhiệm” bắt đầu định hình và khai sinh ra cột mốc sẽ đặt lên đỉnh trời.

“Đó thực sự là những ngày tháng mà anh em trong Box Du lịch làm việc quên mình. Việc nhà có khi còn phải gác lại nhường chỗ cho... Fansipan,” anh Quang kể.

Chuyện chưa kể về chóp inox trên đỉnh Đông Dương

Một thành viên của nhóm là kiến trúc sư nhận nhiệm vụ thiết kế. Cột mốc sẽ được làm dưới dạng hình chóp với 3 cạnh theo nguyên mẫu chóp đuy-ra đầu tiên từ những năm 1960 như một cách tôn trọng lịch sử.

Nhấp ngụm trà, anh Quang tiếp tục: “Lúc đó, chúng tôi muốn chóp khi đặt lên độ cao 3.143m sẽ phải chống chọi lại được với điều kiện khí hậu khắc nghiệt ở khu vực đỉnh. Có khá nhiều vật liệu được đưa ra.”

Tuấn “moctui” [moctui là nick dùng trong Box Du lịch – PV] – một kỹ sư luyện kim ban đầu muốn dùng titan để làm nhưng lại sợ sẽ bị... đánh cắp nên đã quyết định chuyển sang inox S303 – một trong những loại inox tốt và bền bậc nhất. Sau khi tạo hình xong, ba mặt của chóp tiếp tục được khắc bằng axit ăn mòn với hình ngôi sao năm cánh và dòng chữ FANSIPAN 3.143m.

Tuấn còn cẩn thận lựa chọn loại inox có mặt xước với cam kết “sớm muộn gì nó cũng nhẵn” (và quả nhiên đến bây giờ thì các mặt xước ban đầu đã nhẵn bóng). Ngoài ra, để tránh tình trạng nâng lên đặt xuống như với các đỉnh chóp trước đây, nhóm đã thiết kế ba chốt ốc để bắt xuống nền đá với những nguyên tắc phức tạp.

Sau 15 ngày, chóp tháp chính thức hoàn thành. Ngay hôm ấy, Quang và các bạn đã mang “đứa con tinh thần” ra chân tượng vua Lê ở hồ Hoàn Kiếm để làm một cái lễ nhỏ, trước khi bắt đầu hành trình gắn chóp lên đỉnh trời Sa Pa.

Chuyện chưa kể về chóp inox trên đỉnh Đông Dương

Gắn đỉnh cho nóc nhà Đông Dương

Ngày 26/1/2008, mang theo đỉnh chóp thiêng liêng, đoàn của Lê Hồng Quang lên đường. Xe vừa chạy tới thành phố Việt Trì, bất ngờ một chiếc mô tô chạy sát tới, chặn đầu và yêu cầu cả đoàn dừng lại.

Lúc ấy, ai cũng lo lắng không hiểu chuyện gì. Chỉ tới khi bạn trẻ đi xe gắn máy nói muốn được ôm chiếc chóp một lần, anh em mới thở phào nhẹ nhõm.

Chạm địa phận Yên Bái, chiếc ôtô đưa đoàn đi bất ngờ... dở chứng. Khi ấy đã nửa đêm, không còn gara nào mở cửa, trong khi sáng hôm sau đã phải bàn giao chóp cho Ban quản lý Rừng Quốc gia Hoàng Liên. Quang quyết định ôm chóp, một mình bắt tàu về Lào Cai.

Biết anh Quang mang chóp tháp để gắn lên đỉnh trời, hai hành khách trẻ măng cùng khoang đã tình nguyện ôm “cột mốc” nặng gần 30kg suốt hành trình, nhất định không để xuống sàn. “Thật xúc động khi thấy được tình yêu và cả sự trân trọng đong đầy dành cho đỉnh núi lớn”, anh Quang nhớ lại.

Đúng sáng 26/1, chóp tháp được nhóm trao cho Ban quản lý Vườn Quốc gia Hoàng Liên. Ban Giám đốc Vườn đề nghị nhóm đặt chóp lên đỉnh trước Tết Nguyên đán nên nhóm quyết định sẽ leo Fansipan ngay để thực hiện nốt công đoạn cuối cùng.

Bất chấp cái rét cắt da cắt thịt của đợt lạnh kỷ lục kéo dài đến hơn 1 tháng, Tuấn “moctui” cùng 4 người khác của Ban quản lý Vườn Quốc gia hăm hở cõng theo “khối inox” nặng tới 27kg vượt núi lên đường. Phải mất 2 ngày, đoàn mới lên được tới đỉnh. Mưa rất lớn, gió từ sườn Lai Châu hồng hộc lùa về, ràn rạt tạt vào mặt những gã trai đã ướt đầm và đang run cầm cập.

Đích đến ngay trước mắt rồi. Phải gắn chóp bằng mọi giá. Cả đoàn chia nhau khoan đá, bắn vít, đổ xi măng, gắn chóp, cẩn thận tính toán để góc nhọn của hộp tam giác quay về hướng Bắc, mặt bằng quay về phía Nam. Ngoài ý nghĩa về tâm linh, vào những ngày nắng đẹp, trời quang, từ thị trấn Sa Pa có thể nhìn thấy ánh nắng phản chiếu qua mặt inox từ đỉnh núi hùng vĩ. Loay hoay gần 2 tiếng, chóp inox cũng đã “đứng vững” trên Nóc nhà Đông Dương.

Nhớ lại khoảnh khắc đặc biệt ấy, Lê Hồng Quang kể: “Như có trời phù hộ, ngay khi chóp được gắn trên mỏm đá, trời đang xám xịt bỗng hửng sáng độ... 30 giây. Tuấn ‘moctui’ nhanh tay chụp đúng 3 kiểu ảnh thì trời lại tối mịt. Ngay khi có nắng, nhìn thấy ánh sáng lóe lên từ phía đỉnh, chúng tôi biết chóp tháp ấy đã ngự trị trên đỉnh trời.”

2 tháng sau, dịp sinh nhật lần thứ 35 của mình, Lê Hồng Quang đã thực hiện chuyến leo Fan đầu tiên. Lúc ấy, anh mới chính thức được nhìn thấy đứa con tinh thần trên nóc nhà Đông Dương. Quang bảo: Cả đời anh sẽ không thể quên được ngày sinh nhật đặc biệt ấy khi “niềm vui, hạnh phúc và cả tình yêu với non sông, xứ sở cứ căng tràn lồng ngực.”

“Giờ đây, thay vì phải leo 2 ngày, du khách ở mọi lứa tuổi đã có thể ngồi trên cáp treo lên tận đỉnh, có thể chạm tay vào cột mốc ngày nào chúng tôi dựng nên. Nhìn hình ảnh những cụ già tóc bạc trắng, những em nhỏ còn được ẵm bồng tươi cười bên chóp, anh em chúng tôi cũng tự hào”, anh Quang chia sẻ.

Chóp inox do nhóm anh Lê Hồng Quang dựng đặt trên đỉnh Fansipan có kích thước đáy 60x60x60cm, chiều cao 90cm và nặng 27kg, chân đế có bắt vít. Trên 3 mặt của mốc được khắc chìm biểu tượng quốc kỳ Việt Nam và dòng chữ lớn FANSIPAN 3.143m.

Đây cũng là đỉnh chóp thứ 5 được đặt trên nóc nhà Đông Dương. Trước đó, khoảng năm 1960, 3 nhà địa chất người Ba Lan đầu tiên đặt chân lên đây đã mang theo ba tấm đuy-ra để làm mốc đánh dấu. Năm 1984, những nhà địa chất Liên Xô cũ cũng tạo ra một đỉnh mốc khác bằng inox 4 cạnh. Gần 20 năm sau, năm 2003, một chóp núi bằng bê tông cốt thép được xây dựng. Tiếp đó, khoảng từ năm 2003 – 2007, chóp bê tông được làm mới bằng cách ốp đá bên ngoài khối bê tông cũ.

Tới giờ, chóp inox do nhóm anh Lê Hồng Quang gắn trên đỉnh Fansipan đã tồn tại hơn 10 năm và đang được SunWorld Fansipan Legend bảo vệ, gìn giữ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chuyện chưa kể về chóp inox trên đỉnh Đông Dương