Phóng sự - Ghi chép

Chuyện 20 năm người Xuân Khao lập nghiệp ở biên giới Ia Lốp

Chu Phương 02/09/2024 - 09:21

Không chỉ có nhân dân, mà hầu hết bộ máy chính trị của xã Xuân Khao (huyện Thường Xuân, Thanh Hóa) lúc bấy giờ như Đảng ủy, HĐND, UBND, UBMTTQ Việt Nam xã và các đoàn thể quần chúng được di dời toàn bộ vào nơi tái định cư, kể cả tên gọi của 6 thôn gồm thôn Đừng, thôn Nhạp, thôn Chiềng, thôn Lầu Nàng, thôn Đai Thôn và thôn Đóng cũng được giữ nguyên để đặt tên ở quê hương mới tại Tây Nguyên.

1....jpg
Người dân trên cánh đồng lúa xanh ngát

Đây có thể nói là một sự thay đổi lớn chưa từng có trong lịch sử đối với cán bộ và Nhân dân xã Xuân Khao... Đó là những tâm sự của ông Hà Văn Thanh, nguyên Bí thư Đảng xã Xuân Khao khi kể về cuộc hành trình di dân, tái định cư dự án lòng hồ Cửa Đạt.

Năm 2004, thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước về xây dựng công trình trọng điểm quốc gia hồ Cửa Đạt. Để thực thi dự án này, hơn 2.000 hộ dân phải di dời, tái định cư. Trong đó, 375 hộ dân với 1.861 nhân khẩu của xã Xuân Khao, huyện Thường Xuân, tỉnh Thanh Hóa đã bỏ lại quê hương, rời bỏ nơi chôn nhau cắt rốn, hy sinh mảnh đất đã gắn bó bao đời đến với vùng kinh tế mới tại xã biên giới Ia Lốp, huyện Ea Súp, tỉnh Đắk Lắk lập nghiệp.

Ngày 16/7/2004, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đã ký Quyết định số 2248 về việc giao kế hoạch di dân xã Xuân Khao, huyện Thường Xuân, tỉnh Thanh Hóa thuộc vùng ngập lòng hồ Cửa Đạt vào xã Ia Lốp, huyện Ea Súp, tỉnh Đắk Lắk, thuộc dự án kinh tế quốc phòng Binh đoàn 16 (Bộ Quốc phòng).

Ông Hà Văn Thanh, nguyên Bí thư Đảng ủy xã Xuân Khao (huyện Thường Xuân), cho biết: “Công tác di dân, tái định cư dự án lòng hồ Cửa Đạt lấy bấy giờ được Đảng, Quốc hội, Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương; chính quyền địa phương tỉnh Thanh Hóa và huyện Thường Xuân rất sát sao quan tâm và chỉ đạo. Với sự quyết tâm của chính quyền và sự đoàn kết, đồng lòng của Nhân dân, trong thời gian 1 tháng, từ ngày 2/7 đến ngày 2/8/2004, 357 hộ với 1.861 nhân khẩu của xã Xuân Khao, huyện Thường Xuân, tỉnh Thanh Hóa chính thức tạm biệt, rời xa quê hương chuyển vào xã Ia Lốp huyện Ea Súp, tỉnh Đắk Lắk lập nghiệp.

Công tác tái định cư đã góp phần quan trọng cùng Đảng, Nhà nước xây dựng và hoàn thành công trình đập thủy điện, thủy lợi hồ Cửa Đạt đúng tiến độ, cung cấp điện năng và nước tưới tiêu cho vùng hạ du; góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hoá và hiện đại hoá đất nước”.

2........jpg

Những ngày đầu đặt chân trên quê hương mới, Nhân dân Xuân Khao gặp không ít khó khăn, khí hậu thổ nhưỡng biên giới khắc nghiệt, đường xá, giao thông đi lại khó khăn, bà con chưa thích nghi được cách thức sản xuất nông nghiệp đã khiến một số hộ dân có ý định trở về quê hương cũ.

Để bà con nhân dân sớm ổn định cuộc sống, Nhà nước đã hỗ trợ nhà ở, 1 hecta đất sản xuất cho mỗi hộ dân. Đặc biệt, trong thời gian 2 năm đầu, từ tháng 8/2004 đến tháng 8/2006, huyện Thường Xuân, tỉnh Thanh Hóa đã hỗ trợ thêm mỗi người dân Xuân Khao 40 nghìn đồng mỗi tháng. Ngoài ra, để tạo công ăn việc làm, Trung đoàn 725 và Trung đoàn 736 thuộc Binh đoàn 16 đã hỗ trợ bà con nhận giao khoán chăm sóc vườn điều để người dân có thêm nguồn thu nhập, từng bước ổn định cuộc sống.

Sau khi thành lập xã Ia Lốp, ông Hà Văn Thanh tiếp tục được bầu làm Bí thư Đảng ủy xã và bộ máy cấp ủy, chính quyền địa phương được kiện toàn. Từ đây, nhiều chủ trương, chính sách, an sinh xã hội được Đảng, Nhà nước quan tâm đầu tư như cấp thêm mỗi hộ dân 1 hecta đất sản xuất. Có 2 hecta đất sản xuất, bà con nhân dân đã có thêm điều kiện để phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo. Cùng với đó, sự quan tâm của các đơn vị quân đội như Bộ đội Biên phòng, Đoàn Kinh tế Quốc phòng 737 với nhiều mô hình, chương trình hiệu quả đã đồng hành, hỗ trợ tháo gỡ nhiều khó khăn cho người dân.

Những năm gần đây, với nhiều chương trình dự án quan trọng được đầu tư trên địa bàn như chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, chương trình 1719, đặc biệt, hệ thống kênh mương từ hồ chứa nước xã Ia Mơ, huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai đưa nước về xã Ia Lốp, huyện Ea Súp, tỉnh Đắk Lắk góp phần cung cấp nước cho khoảng 4.000 hecta đất sản xuất nông nghiệp cho người dân.

Trong niềm vui đón nước về ruộng lúa từ hệ thống kênh mương, bà Lang Thị Lý, Thôn Chiềng, xã Ia Lốp, vui mừng chia sẻ: Những năm trước đây, bà con làm lúa khô, lúa bãi thu nhập thất thường, nhiều khi còn bị thua lỗ. Từ cuối năm 2023 đến nay, có hệ thống kênh mương, người dân trên địa bàn cũng như bà con Xuân Khao có thể trồng lúa nước 2 vụ, bước đầu thu nhập bình quân của gia đình mỗi hecta từ 7 tấn đến 8 tấn, thu nhập từ đó cũng được tăng lên, đời sống người dân ngày một khấm khá hơn.

2.......jpg

So với năm 2004, nhân dân Xuân Khao có là 357 hộ với 1.861 nhân khẩu, thì đến nay đã có 622 hộ và 2.442 khẩu, tăng thêm 265 hộ và 581 nhân khẩu. Đời sống nhân dân từng bước được nâng lên, tính đến năm 2024, đã có thêm 139 căn nhà mới được xây dựng, có trên 350 cháu học sinh là con, em của người Xuân Khao đang theo học tại các bậc học trong và ngoài tỉnh, trong đó có trên 95 cháu đã tốt nghiệp Đại học, Cao đẳng. Mặt khác, những nét đẹp văn hóa truyền thống của người Xuân Khao như cồng Chiêng, Khua Luống, nhảy sạp, ném còn... vẫn tiếp tục được gìn giữ và tiếp nối từ thế hệ này sang thế hệ khác trên quê hương mới.

Ông Lang Văn Sơn, Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Ia Lốp, huyện Ea Súp, khẳng định: “Sau 20 năm di dân, tái định cư trên quê hương mới, nhiều hộ gia đình Xuân Khao xưa, từ các nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước và sự nỗ lực chịu thương chịu khó đã thoát nghèo và làm giàu chính đáng trên quê hương mới. Đặc biệt, trong công tác tham mưu và tham gia xây dựng, củng cố hệ thống chính trị cơ sở, phát triển kinh tế, xã hội tại địa phương, đã có 40 lượt cán bộ là người dân Xuân Khao được cấp ủy, chính quyền địa phương và Nhân dân tín nhiệm, giới thiệu đảm nhận nhiều chức vụ quan trọng tại địa phương. Đồng thời, bà con Xuân Khao đã đoàn kết cùng với đồng bào các dân tộc ở khu vực biên giới bám trụ, đồng hành với Bộ đội Biên phòng trong bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới của Tổ quốc…”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chuyện 20 năm người Xuân Khao lập nghiệp ở biên giới Ia Lốp