Phóng sự - Ghi chép

Chung tay ngăn ngừa tội phạm

T.Thành 13/09/2024 - 07:01

Để ngăn ngừa tội phạm, trong những năm gần đây, Đảng và Nhà nước ta đặc biệt quan tâm đến việc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật đến với người dân, nhất là những địa phương có đông đảo đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống.

Rất nhiều hình thức tuyên truyền đã được triển khai với sự vào cuộc rốt ráo của nhiều cơ quan ban ngành đoàn thể. Trong công cuộc “gieo luật giữa sương mây” ấy, các cán bộ, công chức Tòa án đã và đang đóng góp rất nhiều công sức.

Tuyên truyền để ngăn ngừa tội phạm

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nói: “Xét xử tốt, nhưng nếu không phải xét xử thì càng tốt hơn”. Từ đó cho thấy quan điểm chủ đạo của Đảng và Nhà nước ta trong công cuộc đấu tranh phòng, chống tội phạm là giáo dục, phòng ngừa tội phạm là chính.

Vì khi công tác phòng ngừa tốt thì công tác chống tội phạm cũng đạt hiệu quả. Chính vì thế mà việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật thường xuyên đến đông đảo quần chúng nhân dân là một trong những phương pháp phòng ngừa tội phạm hiệu quả.

anh-bai-chung-tay-ngan-ngua-toi-pham-1.jpg
Thẩm phán Phạm Thanh Tùng trò chuyện với PV.

Trong những năm qua, các Tòa án, đặc biệt là các Tòa án vùng cao đã xây dựng nhiều kế hoạch, tích cực chủ động phối hợp với các cơ quan, đơn vị trên địa bàn để tổ chức giáo dục pháp luật bằng nhiều hình thức như giới thiệu các luật mới có hiệu lực pháp luật trên phương tiện thông tin đại chúng; tổ chức học tập tại các đơn vị cho từng đối tượng riêng theo chuyên đề...

Việc tuyên truyền, giáo dục pháp luật cũng được các đơn vị Tòa án không ngừng được đổi mới về nội dung, phương pháp trình bày như sử dụng phần mềm Powerpoint để trình chiếu minh họa; tổ chức các buổi nói chuyện, tọa đàm; đặc biệt là tổ chức xét xử lưu động, đưa các phiên tòa về từng xã, bản.

Thông thường thì những phiên tòa lưu động này thường được tổ chức tại sân vận động, trụ sở Ủy ban xã, nhà văn hóa..., những nơi có thể thu hút hàng trăm, thậm chí hàng ngàn người tham dự. Mỗi phiên tòa là một câu chuyện pháp luật, trực tiếp giáo dục pháp luật đến người dân một cách hiệu quả và thiết thực. Thế nhưng, để làm được điều đó, các cán bộ Tòa án đã phải bỏ ra rất nhiều công sức, mồ hôi và nước mắt...

Ám ảnh và khó khăn nhất trong các chuyến đi như thế có lẽ là chuyện giao thông, đi lại. Bởi, phần lớn những con đường ở miền núi đều hung hiểm, một bên vách đá dựng trời, một bên là vực sâu hun hút. Thậm chí có những đoạn dốc dác tới mức mà khi người ta nhìn từ phía dưới lên, đường cứ như được rót xuống từ chín tầng mây trắng.

Cũng trên những cung đường hoang thẳm, biền biệt ấy, các cán bộ Tòa án phải mang vác đủ thứ từ vành móng ngựa, cho đến loa đài, phông bạt để chuẩn bị cho một phiên xét xử. Đó là chưa kể đến những vụ án được tổ chức xét xử ở địa bàn quá xa, nhiều đoàn cán bộ phải mang theo cả... dầu gạo, mắm muối, lương thực để đủ ăn trong vài ngày.

“Ngoài giao thông đi lại, anh em trong các đơn vị Tòa án ở miền núi, đặc biệt là những địa phương có đông đảo đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, còn phải đối mặt với muôn vàn khó khăn, vất vả như mưa lũ, địa bàn phụ trách rộng, xa, dân cư thưa thớt. Đó là chưa kể đến chuyện không ai có thể lường trước những bất trắc đến từ rừng hoang núi thẳm... Nói ngay như chuyện tổ chức được một phiên tòa lưu động có khi chúng tôi phải chuẩn bị trước hàng tuần, thậm chí hàng tháng trời”, Thẩm phán Phạm Thanh Tùng, người từng có nhiều năm giữ cương vị Chánh án TAND huyện Nho Quan, Ninh Bình, chia sẻ.

Cũng theo anh Tùng thì trước khi tổ chức một được một phiên xét xử lưu động, TAND huyện phải họp với các cơ quan ban ngành trong huyện như VKS, Công an huyện... để thống nhất về lịch xét xử, địa điểm xét xử và các phương án chuyên chở bị cáo, bảo vệ phiên tòa.

Thông thường, trước ngày diễn ra phiên tòa, cán bộ tòa án phải vào tận xã để làm việc với chính quyền, chuẩn bị hội trường xét xử. Sau đó, họ lại phải phối kết hợp với các cán bộ thôn, bản ở xã đó đi tuyên truyền, vận động đồng bào đến tham dự. Do đặc thù dân cư thưa thớt, sống rải rác trên các triền núi cao nên nhiều khi để mang thông tin về phiên xét xử đến với đồng bào, các cán bộ phải đi bộ đến vài ngày.

“Nếu mượn được Hội trường của Ủy ban xã hay nhà văn hóa thôn, bản còn đỡ, chứ nhiều khi vì nhiệm vụ, anh em phải “mang cả phiên tòa vào bản”. Băng rôn, phông bạt, khẩu hiệu cuộn lại, vài anh cán bộ trẻ “cõng” qua rừng qua núi rồi kiếm một bãi đất trống, sau đó mới đào hố, chôn cột dựng lên thành “Hội trường xét xử”. Hôm nào trời quang mây tạnh còn đỡ, chứ nếu lỡ bão bùng, giông gió thì vất vả vô cùng”, anh Tùng tâm sự.

Đấu tranh xóa bỏ hủ tục

Bên cạnh việc tuyên truyền pháp luật, cán bộ các Tòa án còn tích cực vận động để xóa bỏ những phong tục, tập quán cổ hủ đã ăn sâu, bám rễ trong suy nghĩ của đồng bào. Bà Nguyễn Thị Lụa, nguyên Chánh án TAND tỉnh Lai Châu đã từng chia sẻ rằng, suốt mấy chục năm công tác trong ngành Tòa án, điều bà cảm thấy trăn trở và đau xót nhất chính là sự thiếu hiểu biết pháp luật của đồng bào. Nhiều khi họ phạm tội vì những lý do rất nhỏ nhặt và vụn vặt.

Vợ giận chồng mải rượu, vặt nắm lá ngón về sắc lên cho chồng uống để trả thù. Hoặc có trường hợp một cô vợ sau khi nghe lời ngon ngọt của bọn buôn người về một thế giới giàu sang, hào nhoáng phía bên kia biên giới, thị liền về nhà ủ mưu giết chồng cho kỳ được để rảnh rang sang nước bạn làm dâu. Những bữa ăn không mèn mén, những váy áo xênh xang đâu chả thấy, chồng chết, thị đi tù, mấy đứa con dại bơ vơ.

anh-bai-chung-tay-ngan-ngua-toi-pham-3(1).jpg
Một phiên xét xử lưu động của TAND tỉnh Nghệ An.

Hoặc có những anh chàng nghi hàng xóm nhà mình là ma chò, ma chài, hay bỏ bùa, bỏ bả làm cho gà, lợn nhà anh ta ốm đau, chết yểu. Mối hoài nghi ấy ngày càng lớn, cho đến một đêm mưa gió, sấm chớp ì oàng, anh ta đã vác súng kíp dí thẳng vào đầu hàng xóm rồi... bóp cò.

“Việc tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật để góp phần xóa đi những phong tục, tập quán, những suy nghĩ mê muội, tăm tối đã ăn sâu vào tiềm thức của đồng bào từ thuở hồng hoang là chuyện phải làm. Được tham dự phiên tòa xét xử lưu động, người dân sẽ được tiếp cận các quy định của pháp luật một cách chủ động, trực quan, dễ hiểu, dễ tiếp thu. Có như thế, núi cao rừng thẳm mới bớt đi những vụ án đau lòng”, bà Lụa tâm sự.

Thông thường thì mỗi một hình thức tuyên truyền đó đều có một tác dụng nhất định, tuy nhiên, công tác xét xử lưu động của Tòa án với những vụ án, con người cụ thể sẽ tác động trực tiếp đến nhận thức của đồng bào.

Bởi bên cạnh việc trừng phạt, răn đe cái ác đã xảy ra, những phiên tòa như thế còn góp phần rất lớn vào việc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục ý thức pháp luật cho nhân dân, góp phần đẩy lùi, ngăn chặn những cái ác sắp sửa nảy mầm. Cũng chính vì thế mà trong nhiều năm qua, dẫu còn thiếu khó trăm bề song các đơn vị Tòa án, nhất là các Tòa án đóng chân ở vùng cao vẫn cố gắng vượt đèo, leo dốc mang phiên tòa về bản.

Thẩm phán Nguyễn Quang Trung, TAND tỉnh Nghệ An, chia sẻ: “Mấy năm gần đây, TAND hai cấp tỉnh Nghệ An hết sức chú trọng đến công tác xét xử lưu động, nhất là những vụ án liên quan đến tội phạm về ma túy xảy ra ở những bản làng vùng sâu vùng xa, nơi tập trung đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống.

Những vụ án được lựa chọn để đưa ra xét xử lưu động đều là những vụ án điểm, có tính chất phức tạp, hoặc bị cáo trong vụ án đó là người địa phương. Chính vì những yếu tố ấy nên những phiên tòa lưu động này luôn thu hút được sự quan tâm của đồng bào, góp phần thiết thực trong việc nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, đấu tranh phòng ngừa các loại tội phạm”.

Cũng theo anh Trung thì có những người dân sau khi theo dõi phiên tòa đã chia sẻ rất thật, đại ý rằng: Trước đây, tôi không hề biết quy định của Nhà nước đối với tội phạm ma túy lại nặng như vậy. Từ nay, tôi sẽ khuyên bảo anh em trong nhà cũng như nhắc nhở, động viên dân bản phải chăm chỉ làm ăn, phát triển kinh tế, đừng mắc vào tệ nạn ma túy. Nếu không, cũng sẽ bị xét xử và nhận sự trừng phạt của pháp luật như bị cáo. Hy vọng trong thời gian sắp tới, Tòa án sẽ tổ chức nhiều phiên xét xử như thế, với những loại án khác nhau để người dân chúng tôi mở mang kiến thức…

Cứ thế, mỗi năm có đến hàng ngàn, hàng vạn vụ án được Tòa án các cấp đưa ra xét xử lưu động trên toàn quốc. Thật khó để đong đếm hết được những khó khăn, vất vả, nhọc nhằn mà những người cán bộ Tòa án đã phải vượt qua

Và, càng không thể đong đếm được đã có bao nhiêu mồ hôi và công sức của những người như thế đổ xuống để hướng đến một xã hội văn minh, bình đẳng và bác ái.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chung tay ngăn ngừa tội phạm