Cho ý kiến tại buổi thảo luận ở Tổ về dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi), Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã nhắc đến tầm quan trọng của ngành công nghiệp điện ảnh và nhấn mạnh luật pháp cần tạo ra hành lang pháp lý để tạo điều kiện cho điện ảnh phát triển.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục cho ý kiến về dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi). Trong phần trình bày tờ trình, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết, sau 14 năm thực hiện, bên cạnh những đóng góp tích cực, hiệu quả cho sự phát triển điện ảnh Việt Nam, Luật Điện ảnh đã bộc lộ những thiếu sót, bất cập cần sớm được sửa đổi, bổ sung.
Dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi) được nghiên cứu, soạn thảo theo đúng trình tự, thủ tục và đầy đủ hồ sơ theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật gồm 8 chương, 52 điều. Trong đó kế thừa, chỉnh lý, sửa đổi và bổ sung 25 điều, quy định mới 27 điều so với Luật Điện ảnh hiện hành.
“Dự thảo Luật phù hợp với 4 chính sách đề xuất trong đề nghị xây dựng Luật đã được Chính phủ thông qua bao gồm: Tạo điều kiện thuận lợi và khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động sản xuất phim; Hỗ trợ, khuyến khích phát hành, phổ biến phim Việt Nam; Khuyến khích, thu hút tổ chức, cá nhân tham gia xúc tiến, quảng bá điện ảnh trong và ngoài nước; Đổi mới công tác quản lý, áp dụng công nghệ tiên tiến trong bối cảnh phát triển của cách mạng khoa học kỹ thuật”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh.
Cho ý kiến tại buổi thảo luận ở Tổ về dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi), Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh tầm quan trọng của ngành công nghiệp điện ảnh.
“Như ở châu Á có Hàn Quốc với những bộ phim như Giày thủy tinh, Nàng Dae Jang-geum cách đây 18-20 năm, đường phố Hà Nội những buổi chiều Chủ nhật vắng tanh người là người ta ở nhà xem phim Hàn Quốc. Sự thu hút mạnh mẽ đến mức độ như vậy”, Chủ tịch nước lấy ví dụ.
Theo Chủ tịch nước, vai trò của điện ảnh đến sự phát triển là đất nước rất lớn, đây là tiền đề cho phát triển.
Từ điều này Chủ tịch nước cho rằng luật pháp phải tạo ra hành lang pháp lý để tạo điều kiện cho điện ảnh phát triển. Luật pháp không được cản trở hoặc làm hư hỏng những ngành nghệ thuật như điện ảnh, đây là vấn đề rất lớn chúng ta cần lưu ý.
Bên cạnh đó, chúng ta đang hội nhập quốc tế. Quy luật thị trường, quy luật giá trị đang chi phối rất lớn, vì vậy điện ảnh và văn hóa dân tộc giữ vai trò rất quan trọng trong kinh tế thị trường.
“Chúng ta phát triển điện ảnh, giữ gìn văn hóa dân tộc bởi khi hội nhập kinh tế thị trường thì điều làm nên khác biệt chính là văn hoá”, Chủ tịch nước nhấn mạnh
Chủ tịch nước cũng lưu ý việc phát triển điện ảnh cần tính toán xây dựng luật phải có tuổi thọ lâu dài. Nếu quá ngắn ngày sẽ ảnh hưởng đến quá trình phát triển.
“Tại sao Việt Nam phải chiếu quá nhiều phim của nước ngoài, tất nhiên hội nhập thì không thể không có phim nước ngoài nhưng không phải quá nhiều như vậy, trong khi chúng ta có thể xây dựng nền văn hóa dân tộc thông qua điện ảnh từ lịch sử kháng chiến, bảo vệ tổ quốc, văn hóa vật thể phi vật thể…”, Chủ tịch nước nói và khẳng định những tác phẩm về truyền thống lịch sử dân tộc giúp chúng ta yêu nước hơn.
Từ điều này, Chủ tịch nước yêu cầu Luật Điện ảnh cần góp phần để tạo ra nhiều tác phẩm tốt, phục vụ nhân dân, giữ gìn tổ quốc bên vững.
Về chính sách, theo Chủ tịch nước, mọi tổ chức cá nhân có thể được làm phim theo khung pháp lý để khuyến khích xã hội hoá. Chủ tịch nước cũng cho rằng nhà nước cũng nên đặt hàng kinh phí và hỗ trợ cần thiết cho những tác phẩm lịch sử, tư liệu, giới thiệu đất nước con người Việt Nam.
Đất nước có truyền thống hơn 4.000 năm lịch sử, có nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc, chúng ta phải giữ gìn nền văn hóa ấy mãi mãi đến đời sau.
Giữ gìn văn hóa ở đây không chỉ là giữ gìn trang phục, chữ viết, ẩm thực… mà còn là các loại hình văn hóa phi vật thể, nhưng di tích, đền đài.
Một vấn đề nữa được Chủ tịch nước nhấn mạnh đó là vai trò của Hội đồng thẩm định trong điện ảnh. Theo ông, hội đồng này giữ vị trí rất quan trọng, đó phải gồm những người có tầm nhìn, những nghệ sỹ tài năng, “đức cao đạo trọng”, “cây đa cây đề”.
“Vừa rồi nhiều bộ phim không tốt đã xuất hiện. Những bộ phim được công chiếu cho thấy vai trò của cơ quan pháp luật mờ nhạt đi. Tuy kết thúc có hậu những mấy chục tập phim chỉ toàn thấy cái ác”, Chủ tịch nước nói và yêu cầu phim ảnh phải có cơ cấu, bố cục phù hợp, không để cái ác, các xấu xâm nhập vào xã hội thông qua các bộ phim.