Mỗi bài ca cách mạng ở hoàn cảnh này là một nén nhang, thắp lên rồi sao lại giật xuống?”, ca sĩ Thanh Lam thắc mắc một câu nhói lòng khi ca khúc Màu hoa đỏ bị... "cấm" - theo văn bản "bị hiểu lầm" của Sở VHTTDL tỉnh Tiền Giang.
1. Mới đây, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) tỉnh Tiền Giang đã làm dậy sóng dư luận khi ra các văn bản “cấm/tạm dừng lưu hành ca khúc Màu hoa đỏ của cố nhạc sĩ Thuận Yến. Và theo lời giải thích của ông Giám đốc Sở, sở dĩ sự việc đi đến nước này là do “Bộ phận nghiệp vụ tham mưu của Sở nói không rõ ý đó nên mới hiểu nhầm. Còn danh mục các danh sách kèm theo là do cán bộ lấy trên mạng thiếu kiểm tra”.
“Hiểu lầm”, “nói không rõ ý” là lý do mà ông Nguyễn Đức Đảm - lãnh đạo Sở VHTTDL tỉnh Tiền Giang đưa ra khi đông đảo nghệ sĩ, công chúng yêu nhạc, cũng như các cơ quan có thẩm quyền vào cuộc yêu cầu Sở “báo cáo khẩn” về vụ việc. Vâng, lại là câu chuyện về từ ngữ, hay rộng ra là chuyện chữ nghĩa, chuyện “ý tại ngôn ngoại” như cách gọi bóng bẩy của nhiều nhà ngôn ngữ học.
Theo lời giải thích của Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Tiền Giang, sự việc có tên “cấm/tạm dừng lưu hành ca khúc Màu hoa đỏ” của cố nhạc sĩ Thuận Yến (Lời: thơ Nguyễn Đức Mậu) là một sự… hiểu lầm (!?).
“Phong ba bão táp không bằng ngữ pháp Việt Nam”. Tiếng Việt phong phú, đa ngữ nghĩa nên cũng khiến không ít người rơi vào tình cảnh dở khóc dở cười chỉ vì cách diễn đạt “khó hiểu”, chỉ vì dùng từ địa phương, hay chỉ vì… một dấu chấm, dấu phẩy đặt không đúng chỗ. Còn nhớ, cũng chỉ tại dấu phẩy mà vào năm 1872, Chính phủ Mỹ đã thiệt hại 2 triệu USD, sau khi một dấu phẩy “trời đánh” len lỏi vào giữa Bộ luật quy định Thuế xuất nhập khẩu của Mỹ. Bởi chuyện là, đáng ra phải là “fruit-plants” (cây ăn quả) thì thay vào đó, sự nhầm lẫn tai hại đã biến nó trở thành “fruit, plants” (cây và quả) được miễn thuế.
2. Quả thật, lời nói, chữ viết bên ngoài có công dụng diễn tả ý tưởng, tư tưởng bên trong. Khi tư tưởng đã biểu hiện thành văn bản rồi thì nhất định ngôn hành phải hợp nhất. Mà người xưa vẫn nói, bút sa gà chết, văn bản đã ban hành thì chỉ có... thực thi. Vậy nên, trên đã ban hành thì ở dưới "cứ theo đó mà làm" ắt cũng là điều dễ hiểu. Và rồi sau đó, để “giải thích cho rõ” văn bản ban đầu, Giám đốc Sở VHTTDL lại tiếp tục ban hành công văn thứ hai.
Ở văn bản “bổ sung” này cho biết lý do khiến ca khúc Màu hoa đỏ bị tạm dừng lưu hành là do “qua thực tế kiểm tra tại các cơ sở karaoke thì ca khúc này đã có một số người biểu diễn, nhà sản xuất bản ghi âm, ghi hình vi phạm Luật Sở hữu trí tuệ như: Không đóng tác quyền, không xin giấy phép biểu diễn…” nên “đề nghị xử lý vi phạm” (!?). Rồi thì, Giám đốc Đảm lại tiếp tục: nguyên nhân của việc cấm lưu hành và phổ biến “Mùa hoa đỏ” là bởi ca khúc này khi được sử dụng tại các điểm kinh doanh karaoke có phần hình ảnh thể hiện chưa phù hợp với nội dung (!?). Vậy nhưng những người từng đi hát karaoke hầu như đều biết rằng, phần lớn những ca khúc được sử dụng tại các điểm kinh doanh karaoke từ trước tới nay đều do chủ cơ sở mua lại từ các công ty sản xuất băng đĩa.
Vậy nhưng cũng chính trong công văn “giải thích cho rõ” trước đó lại nêu: “Ca khúc Màu hoa đỏ của tác giả Thuận Yến là một ca khúc cách mạng nổi tiếng đương nhiên được phép lưu hành, phổ biến, không nằm trong danh mục những tác phẩm âm nhạc phải được cấp phép lưu hành phổ biến của Cục biểu diễn nghệ thuật”. Mệnh đề “mặc dù - nhưng" mà ông Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Tiền Giang dùng ở đây nghe chừng khó khiến người nghe thấy xuôi tai, mát lòng! Bởi, sự vụ còn khiến ngay chính ông Phạm Văn Trọng, Chánh Văn phòng UBND tỉnh Tiền Giang kiêm người phát ngôn của UBND tỉnh vô cùng bất ngờ.
3. Sự việc sau những ngày rầm rộ, dậy sóng cuối cùng được giải quyết cũng rất… nhanh chóng như chính quyết định thu hồi - được ban hành một cách chóng vánh và dường như rất… “vô tư” - của Sở VHTTDL tỉnh Tiền Giang đối với ca khúc từng một thời vào sinh ra tử với lớp lớp thế hệ cha anh. Ông Giám đốc Sở đã thành thật xin lỗi trên… mặt báo. Đơn vị này cũng đã có văn bản giải trình tới Cục NTBD (Bộ VHTTDL). Thế nhưng, trong những ngày dư luận xôn xao khi nhận được thông tin ca khúc Màu hoa đỏ bị… “cấm”, bị “tạm dừng lưu hành” thì đối với gia đình cố nhạc sĩ Thuận Yến, những ca sĩ từng tự hào đứng trước công chúng cất cao giọng ca hào sảng trong giai điệu tự hào của Màu hoa đỏ, với khán giả yêu nhạc, quyết định của Sở VHTTDL tỉnh Tiền Giang có khác chi một “án phạt”, một mũi dao đâm thấu tim một cách bất ngờ khiến chẳng ai biết trước mà tìm cách tránh né! Đau!!!
Trên VOV, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam thì cho rằng, quyết định của Sở VHTTDL Tiền Giang là… “không bình thường”. Còn ca sĩ Trọng Tấn, người từng thể hiện rất thành ca khúc này, ở “hầu hết là ở những sự kiện lớn mang tính chính trị, lịch sử, hay là hát vào đúng ngày Thương binh liệt sĩ” - như lời chia sẻ của anh trên Dân Việt. Theo anh, chẳng có lý do gì để “tạm lưu hành”; và rằng “Nếu chúng ta tạm dừng lưu hành thì không khác gì chúng ta đi ngược lại lịch sử, đánh mất giá trị, tinh thần cả về văn hóa và âm nhạc”…
Ông Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Tiền Giang cũng cho biết đã gửi lời xin lỗi đến gia đình cố nhạc sĩ Thuận Yến về sự việc đáng tiếc kể trên. Suy cho cùng, ở cương vị là người đứng đầu ngành Văn hóa ở một tỉnh, dám lên tiếng nhận trách nhiệm và nhận lỗi về mình ngay khi sự việc chưa đi quá xa, âu cũng là điều đáng mừng (!). Sai thì nhận. Sai thì sửa. Mà bằng chứng là Sở VHTTDL Tiền Giang đã rất chóng vánh ra các quyết định “sửa sai” cho văn bản “dễ gây hiểu lầm” ban đầu. Ít nhất, nói như một số người, ông Sở của tỉnh Tiền Giang “chẳng như bà Phó giám đốc Sở tỉnh nọ đã bẻ hoa để selfie cho đẹp mặt, lại còn ngoan cố… cãi cho bằng được”.
Thế nhưng, trong câu chuyện cấm - hủy lệnh cấm của Sở VHTTDL tỉnh Tiền Giang, điều đáng phải bàn và thực sự lo ngại ở đây chính là sự vận dụng một cách máy móc của một đội ngũ cán bộ mà theo lời chia sẻ, than thở, trách móc của nhiều, rất nhiều người dân là sao cứ… cứng nhắc, rập khuôn một cách máy móc đến vậy, sao cứ thích thà cấm… nhầm còn hơn bỏ sót thế v.v… và v.vv… Cách làm của ông Sở của tỉnh Tiền Giang, theo nhiều người, chẳng khác chi việc cứ “chiến dịch ra quân” là phải rầm rộ, cứ “đòi lại vỉa hè” là phải “chặt cho bằng sạch”, kể cả đó là cây cổ thụ không nằm trong “sổ đen” - như cách chính quyền xã Cẩm Yên (huyện Thạch Thất, Hà Nội) đã làm khi quyết tâm lập lại trật tự vỉa hè, lòng đường tại tuyến đường liên thôn.
4. Cùng với thói quen vận dụng chủ trương một cách máy móc (cứ theo quyết định mà làm, không cần nghĩ, không đắn đo (?), thì điều khiến người viết canh cánh và thấy xót xa ấy là… sự vô cảm - đến mức sẵn sàng có thể làm đau người khác (như trong câu chuyện “cấm ca khúc Màu hoa đỏ”).
Từ khi ra đời, ca khúc Màu hoa đỏ đã được nhiều nghệ sĩ tên tuổi thể hiện, được dàn dựng và phát sóng trên nhiều kênh phát thanh, truyền hình, vào các dịp lễ kỷ niệm truyền thống của cả nước.
Theo lời chia sẻ của NSƯT Thanh Hương thì bà chỉ biết việc ông Giám đốc Sở VHTTDL Tiền Giang “xin lỗi” qua báo chí; và bà cũng không cần lời xin lỗi ấy. Còn với ca sĩ Thanh Lam, cô con gái cưng của cố nhạc sĩ Thuận Yến, có lẽ hành động vô tình của Sở VHTTDL tỉnh Tiền Giang chẳng khác một chiếc cốc vô tình bị va đập mà rạn nứt. Trong những ngày đau đớn khi sự việc “cấm lưu hành ca khúc Màu hoa đỏ” diễn ra, chị đã trút nỗi lòng mình vào những dòng tâm thư ứa máu.
“Con biết thời gian rồi sẽ xoá nhoà tất cả, nhưng là phụ nữ con thấy đau, ba ạ. Đau trước sự tàn khốc của dòng đời làm đục dòng máu đỏ, đau trước sự vô tình làm tổn hại những mầm xanh, đau trước làn khói bụi làm cản những trong lành. Phải chăng mọi giá trị đều thật mong manh?". Nữ ca sĩ cũng cho biết, nếu nhạc sĩ Thuận Yến còn, ông sẽ cười điềm nhiêm rồi bỏ qua mọi sự vô minh. Nhưng là người con của cha, Thanh Lam vẫn thấy đau. “Mỗi bài ca cách mạng ở hoàn cảnh này là một nén nhang, thắp lên rồi sao lại giật xuống? Những giá trị đã trở thành di sản sao nỡ tàn bạo đập đi?”, chị thắc mắc một câu nhói lòng...
Người xưa vẫn có câu "Lời nói, đọi máu". Nếu lời nói có khả năng an ủi, giúp chia sẻ niềm vui nỗi buồn, giúp con người đang rơi vào hoàn cảnh khó khăn mà vượt qua và vươn lên thì trái lại, lời nói cũng có khả năng sát thương cực lớn. Chẳng phải chính Nguyễn Trãi - nhà quân sự lỗi lạc, nhà chính trị thiên tài với khả năng "đánh giặc bằng bút" thể hiện qua những bức thư dụ địch đầu hàng thành công - đã từng dùng lời nói như một dạng chiến tranh tâm lý đánh bại kẻ thù đó sao!