Âm nhạc - Phim

Chuyển thể tác phẩm văn học: Sáng tạo phải tôn trọng giá trị gốc

Phương Trang 06/05/2025 - 17:39

Những năm gần đây, điện ảnh Việt Nam chứng kiến sự nở rộ của các dự án chuyển thể tác phẩm văn học nổi tiếng: Đất rừng phương Nam (2023), Kính Vạn Hoa (2024), Số Đỏ (2025),… sự trở lại của các giá trị văn chương kinh điển trên màn ảnh cho thấy nỗ lực đưa văn học đến gần hơn với công chúng hiện đại. Tuy nhiên, cũng từ đây, đặt ra bài toán lớn: Làm thế nào để dung hòa giữa sáng tạo nghệ thuật và sự trung thành với tinh thần nguyên tác?

Khi ký ức văn học bước ra đời sống điện ảnh

Không khó để nhận ra rằng, mỗi lần một bộ phim chuyển thể ra mắt, đi kèm với sự háo hức mong đợi là những băn khoăn, tranh luận kéo dài. Khán giả không chỉ đến rạp để tìm kiếm sự giải trí, mà còn để gặp lại những ký ức, những giá trị đã neo đậu trong tâm thức qua trang sách. Khi sự cách tân sáng tạo quá đà, làm xô lệch hoặc làm nhạt nhòa bản sắc tác phẩm gốc, phản ứng của công chúng cũng trở nên gay gắt hơn.

Trường hợp Đất rừng phương Nam là một minh chứng. Dù được đầu tư công phu, bộ phim vẫn gây nhiều tranh luận khi thay đổi tính cách nhân vật và đưa vào những chi tiết xa rời tinh thần nguyên tác. Không ít khán giả lớn tuổi, những người từng thuộc nằm lòng thế giới miền Nam nhân hậu, hào sảng qua ngòi bút Đoàn Giỏi, bày tỏ sự tiếc nuối khi bước ra khỏi rạp. Một sự tiếc nuối không phải vì kỹ thuật điện ảnh, mà vì cái hồn, cái cốt lõi của tác phẩm dường như đã bị phai nhạt.

Chia sẻ cảm nhận sau khi xem phim, anh Trần Anh Tấn (48 tuổi, Hà Nội) bày tỏ: “Tôi mong đợi một bộ phim thấm đẫm chất Nam Bộ như trong trang sách xưa. Nhưng ra khỏi rạp, tôi cảm thấy hơi buồn vì những nét đẹp giản dị, hồn hậu ấy đã không còn nguyên vẹn.”

Không chỉ những người lớn tuổi, ngay cả lớp khán giả trẻ cũng thể hiện sự tỉnh táo khi đánh giá các tác phẩm chuyển thể.Trần Khánh Linh (19 tuổi, sinh viên Học viện Bưu chính Viễn thông, Hà Nội) chia sẻ sau khi xem Kính Vạn Hoa: Bắt đền con ma (2024): “Mình hiểu rằng phải đổi mới để phù hợp với thời đại. Nhưng nếu thay đổi quá nhiều, để rồi nhân vật chỉ còn cái tên mà mất đi tính cách, thì còn đâu là “Kính Vạn Hoa” mình từng yêu thích?”

316-202505061737072.png
Cảnh trong phim “Kính Vạn Hoa”. (Ảnh: Nhà sản xuất cung cấp)

Những tâm sự ấy không chỉ là nỗi thất vọng nhất thời, mà là tiếng nói chân thành, đòi hỏi ở người làm nghệ thuật một thái độ nghiêm cẩn hơn với di sản văn hóa dân tộc.

Trong khi đó, dự án Số Đỏ (2025) đang thu hút sự chú ý đặc biệt. Đây là thách thức lớn cho điện ảnh Việt Nam khi lần đầu tiên đưa một trong những tác phẩm trào phúng sắc sảo bậc nhất của Vũ Trọng Phụng lên màn ảnh rộng. Với đặc trưng ngôn ngữ giàu tính châm biếm, sâu cay, việc chuyển thể Số Đỏ đòi hỏi nhà làm phim không chỉ giỏi về kỹ thuật dàn dựng mà còn phải am hiểu bối cảnh xã hội đương thời và ý vị ngầm ẩn trong từng con chữ. Nếu chạy theo thị hiếu dễ dãi, đánh mất tinh thần phản biện của nguyên tác, thì cái giá phải trả sẽ rất đắt, không chỉ cho bộ phim mà còn cho uy tín của điện ảnh Việt Nam.

Sáng tạo nghệ thuật cần gắn với sự trung thành với tinh thần nguyên tác

Việc chuyển thể một tác phẩm văn học sang ngôn ngữ điện ảnh luôn đòi hỏi sự sáng tạo để phù hợp với cách kể chuyện của màn ảnh. Tuy nhiên, sáng tạo không đồng nghĩa với việc tùy tiện cắt xén hoặc thay đổi quá mức. Một tác phẩm văn học có sức sống lâu dài không chỉ nhờ cốt truyện mà còn nhờ vào tinh thần và giá trị mà tác giả đã gửi gắm. Nếu thay đổi quá nhiều, bản chuyển thể có thể trở thành một tác phẩm hoàn toàn khác, không còn giữ được giá trị ban đầu.

Nhà phê bình điện ảnh Lê Hồng Lâm từng nhận xét:“Chuyển thể không có nghĩa là sao chép nguyên xi tác phẩm gốc, nhưng cũng không thể biến nó thành một câu chuyện xa lạ chỉ để phục vụ thị hiếu khán giả. Một bộ phim thành công không chỉ dựa vào yếu tố thương mại mà quan trọng hơn là có giữ được linh hồn của nguyên tác hay không.”

Thực tiễn cho thấy, khi nhà làm phim tiếp cận tác phẩm văn học bằng sự thấu hiểu và trân trọng, chuyển thể không những không làm mất đi giá trị nguyên bản mà còn làm sáng rõ hơn những thông điệp vốn đã vẹn nguyên trong văn chương. Thành công của Mắt Biếc là minh chứng. Bộ phim đã làm mới cách kể chuyện, song vẫn giữ trọn vẹn được mạch cảm xúc trong trẻo, bâng khuâng, đầy dư âm của Nguyễn Nhật Ánh.

316-202505061737073.jpg
Bộ phim Mắt Biếc của Nguyễn Nhật Ánh khiến người xem thích thú. (Ảnh: đoàn phim).

Điều đáng mừng là, ngày càng nhiều khán giả, đặc biệt là khán giả trẻ, không còn dễ dàng chấp nhận những bộ phim chuyển thể nửa vời. Họ đòi hỏi ở tác phẩm một sự chân thành văn hóa, một sự chỉn chu trong sáng tạo và một thái độ trung thực đối với di sản. Sự đòi hỏi đó không phải là “khó tính”, mà là biểu hiện của sự trưởng thành văn hóa, của lòng yêu quý thực sự đối với những giá trị Việt Nam.

Chuyển thể tác phẩm văn học không đơn thuần là "kể lại câu chuyện cũ bằng ngôn ngữ mới” mà là một cơ hội lớn để làm mới văn hóa dân tộc trong bối cảnh hội nhập. Nhưng cơ hội ấy chỉ trở thành thành tựu khi nhà làm phim nhận thức rõ rằng: sáng tạo không thể tách rời trách nhiệm. Trách nhiệm giữ gìn linh hồn nguyên tác, trách nhiệm chuyển tải những giá trị nhân văn sâu sắc, trách nhiệm với lịch sử văn hóa dân tộc và với chính công chúng hôm nay.

Điện ảnh Việt Nam chỉ thực sự khẳng định được vị thế khi biết lấy sáng tạo làm động lực, lấy văn hóa làm nền tảng và lấy khán giả làm trung tâm. Và những bộ phim chuyển thể thành công sẽ không chỉ là những tác phẩm nghệ thuật, mà còn là những nhịp cầu đưa văn hóa Việt đi xa hơn trên hành trình hội nhập với thế giới.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chuyển thể tác phẩm văn học: Sáng tạo phải tôn trọng giá trị gốc