Không còn bó hẹp trong những sân khấu quen thuộc, những câu quan họ, điệu chèo, lời hát xẩm nay len lỏi vào thị trường nhạc số, hòa quyện cùng rap, EDM, pop, tạo nên những bản hit triệu view. “Bắc Bling”, “See Tình”, “Rap Chèo”… không chỉ đơn thuần là sự pha trộn mà còn là minh chứng cho một làn sóng mới: Khi thế hệ nghệ sĩ trẻ chủ động tiếp cận di sản, làm sống lại những giai điệu tưởng chừng đã bị lãng quên.
Những cú chạm hiện đại vào âm nhạc truyền thống
Không phải ngẫu nhiên mà “Bắc Bling” của Hòa Minzy lại trở thành một hiện tượng âm nhạc. Với cách kết hợp khéo léo giữa quan họ Bắc Ninh, rap và beat nhạc điện tử, ca khúc này đã tạo ra một diện mạo hoàn toàn mới cho dòng nhạc dân gian. Đặc biệt, sự xuất hiện của nghệ sĩ gạo cội Xuân Hinh với phần rap mang âm hưởng chèo đã mang lại sự kết nối giữa thế hệ cũ và mới, giữa truyền thống và hiện đại.
Đây không phải lần đầu tiên nhạc dân gian bước vào thế giới nhạc pop theo cách đầy sáng tạo. Hoàng Thùy Linh - một trong những nghệ sĩ tiên phong trong việc kết hợp nhạc dân gian với hiện đại đã từng làm dậy sóng với “Bánh Trôi Nước”,“See Tình”, “Bo Xì Bo”. Ở những ca khúc này, cô không chỉ lấy cảm hứng từ âm nhạc mà còn lồng ghép văn hóa dân gian vào cả hình ảnh, trang phục, ngôn ngữ, giúp giới trẻ tiếp cận di sản một cách tự nhiên.
Không chỉ nhạc pop, rap/hip-hop - dòng nhạc mang đậm tinh thần đường phố cũng đang có những thử nghiệm thú vị với nhạc dân gian. “Rap Chèo” của Đinh Long là một ví dụ khi đưa những câu hát chèo truyền thống vào rap freestyle. GDucky - gương mặt nổi bật của “Rap Việt” từng làm sống lại chất liệu dân gian Bắc Bộ trong ca khúc “Tiền nhiều để làm gì”. Những sự kết hợp này không chỉ giúp nhạc dân gian đến gần hơn với công chúng trẻ mà còn chứng tỏ rằng di sản này vẫn có thể tồn tại mạnh mẽ trong đời sống hiện đại.
Nguyễn Phương Thảo (22 tuổi, Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương) chia sẻ: “Mình học dân ca, nhưng lần đầu tiên thấy âm nhạc dân gian được xuất hiện ngầu như vậy. Nhìn cách họ mang cả rap, EDM vào mà vẫn giữ cái hồn dân ca, mới thấy âm nhạc truyền thống không hề lỗi thời, chỉ là trước nay chưa ai chịu kể nó theo cách tụi trẻ tụi mình dễ hiểu hơn thôi."
Tuy nhiên, không phải ai cũng dễ dàng chấp nhận sự kết hợp này. Việc pha trộn nhạc dân gian với hip-hop, EDM hay pop luôn đặt ra câu hỏi: Đây là sự sáng tạo hay chỉ là cách “mượn” chất liệu dân gian để tạo hit?
Một số khán giả cho rằng những ca khúc như Bắc Bling hay See Tình tuy sử dụng yếu tố dân gian nhưng chưa đủ chiều sâu, dễ khiến người trẻ hiểu sai về dòng nhạc này.
Nguyễn Mai Linh (25 tuổi, nhân viên marketing, Hà Nội) bày tỏ: “Tôi thấy Bắc Bling rất bắt tai, nhưng đôi lúc giai điệu dân gian trong bài chỉ như phông nền trang trí. Cảm giác người nghe chỉ tiếp xúc với vẻ bề ngoài, còn tinh thần gốc của quan họ thì không còn nữa.”
Phải thừa nhận rằng, âm nhạc dân gian vốn có những đặc trưng rất riêng biệt, từ những quy tắc trình diễn nghiêm ngặt của quan họ Bắc Ninh đến những giá trị sâu sắc của chèo hay ca trù. Khi nhạc dân gian bị cắt rời khỏi bối cảnh gốc, liệu có thể duy trì được tính chân thực và tinh túy của nó? Đây là câu hỏi mà bất kỳ nghệ sĩ nào cũng cần phải cân nhắc kỹ lưỡng khi mang âm nhạc truyền thống vào không gian hiện đại.
Làm gì để nhạc dân gian thực sự sống?
Nhà nghiên cứu âm nhạc Nguyễn Quang Long từng chia sẻ: “Việc đưa nhạc dân gian vào dòng chảy hiện đại là điều đáng mừng, nhưng quan trọng là cách làm phải có trách nhiệm. Không thể coi nhạc dân gian như một “gia vị” để làm mới sản phẩm âm nhạc, mà cần tôn trọng bản sắc của nó.”
Nhìn từ sự thành công của “Bắc Bling”, “See Tình”, “Rap Chèo”,… có thể thấy nhạc dân gian vẫn có sức sống mạnh mẽ trong bối cảnh đương đại. Nhưng để dòng nhạc này không chỉ là một “trend” nhất thời mà thực sự lan toả vào đời sống âm nhạc, cần có những chiến lược dài hơi hơn.
Đầu tiên, nghệ sĩ trẻ cần có sự hiểu biết sâu sắc hơn về nhạc dân gian. Sự sáng tạo chỉ thực sự giá trị khi nó dựa trên một nền tảng vững chắc. Nếu không hiểu rõ bản chất của quan họ, chèo, ca trù, thì việc “cách tân” rất dễ trở thành sự biến dạng.
Thứ hai, cần có nhiều sân khấu chuyên biệt để nhạc dân gian có không gian phát triển. Nếu chỉ dừng lại ở các MV trên YouTube, các bài hát trên TikTok, thì nhạc dân gian sẽ chỉ tồn tại như một xu hướng giải trí chứ không trở thành một phần bền vững của đời sống. Các chương trình âm nhạc như “Sao Mai Điểm Hẹn”, “Làng cười” từng là bệ phóng cho dòng nhạc này, nhưng hiện nay đang thiếu vắng những sân chơi tương tự.
Cuối cùng, giáo dục về âm nhạc dân gian cần được đẩy mạnh. Nếu học sinh được tiếp cận với những làn điệu dân gian ngay từ nhỏ, họ sẽ không chỉ nghe nhạc dân gian theo trào lưu mà còn thực sự hiểu và trân trọng nó. Một số trường học ở Bắc Ninh đã đưa quan họ vào giảng dạy, hay tại Huế, nhã nhạc cung đình đã được đưa vào chương trình nghệ thuật. Đây là những mô hình cần nhân rộng.
Hành trình hồi sinh âm nhạc dân gian vẫn đang tiếp diễn. Những sản phẩm âm nhạc nổi bật gần đây cho thấy nhạc dân gian hoàn toàn có thể phát triển trong môi trường âm nhạc hiện đại nếu có cách tiếp cận phù hợp. Điều quan trọng là chúng ta không chỉ “mượn” nhạc dân gian để tạo hit, mà phải thực sự hiểu, trân trọng và gìn giữ nó.
Nhạc dân gian không chỉ thuộc về quá khứ. Nó vẫn đang sống, đang biến đổi và có thể trở thành tương lai nếu chúng ta biết cách kể chuyện về nó theo ngôn ngữ của thời đại.