Nằm trong quần thể di tích lịch sử Lam Kinh (huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa) Chính điện Lam Kinh không chỉ là một công trình kiến trúc gỗ đồ sộ, mà còn là biểu tượng của sự uy nghiêm và giá trị văn hóa lịch sử to lớn.
Sau quá trình trùng tu và phục dựng, Chính điện Lam Kinh đã "khoác lên mình" vẻ đẹp nguy nga, tráng lệ, với nhiều chi tiết được dát vàng, thể hiện sự uy nghiêm của một Vương triều.
Chính điện Lam Kinh là công trình có quy mô kiến trúc bằng gỗ lim xanh lớn nhất Việt Nam hiện nay. Công trình có chiều dài 51m, rộng 31m, cao 25m, gồm 7 gian, 2 tầng, mái lợp ngói vảy. Bên trong nội thất được trang trí, chạm khắc tinh xảo, cầu kỳ. Điểm nhấn đặc biệt của công trình là lớp dát vàng tinh xảo trên các chi tiết như cột, kèo, trần, tường và các vật dụng thờ cúng. Tại gian giữa, nơi đặt ngai vàng của vua Lê Thái Tông được trang trí bằng nhiều họa tiết hình rồng phượng.
Khu vực cung cấm, nơi đặt long sàng cũng được bảo vệ nghiêm ngặt. Bộ long sàng được làm bằng khung gỗ, sơn son. Phía bên ngoài có nhiều chi tiết được điêu khắc công phu, dát vàng.
Chính điện Lam Kinh không chỉ là một công trình kiến trúc có giá trị lịch sử, văn hóa, mà còn là một tác phẩm nghệ thuật đặc sắc, thể hiện tinh hoa của nghệ thuật kiến trúc cổ truyền Việt Nam.
Theo sử sách, năm 1428, Lê Lợi lên ngôi hoàng đế (Lê Thái Tổ), lập nên vương triều Hậu Lê, đóng đô ở Thăng Long, lấy niên hiệu Thuận Thiên, đặt tên nước là Đại Việt.
Năm 1430, Lê Thái Tổ đổi tên vùng đất Lam Sơn thành Lam Kinh. Kể từ đó, các kiến trúc điện, miếu... cũng bắt đầu được xây dựng tại đây, gắn với hai chức năng chính là điểm nghỉ chân của các vua Lê khi về cúng bái tổ tiên; là nơi ở của quan lại và quân lính thường trực trông coi Lam Kinh và khu tập trung lăng mộ của tổ tiên, các vị vua, hoàng thái hậu nhà Lê và một số quan lại trong hoàng tộc.
Trải qua hàng trăm năm, những công trình kiến trúc Hậu Lê ở Lam Kinh gần như chỉ còn lại phế tích là những nền móng, lăng mộ. Tuy nhiên, đến nay nhiều hạng mục di tích đã được nghiên cứu, bảo tồn nguyên trạng…
Những hình ảnh về Chính điện Lam Kinh dát vàng: