Chúng tôi sẽ làm việc lại với chủ đầu tư trong việc xây dựng chợ tạm bợ trái phép, nếu họ không tuân thủ đúng chủ trương đã phê duyệt, cố tình gây cản trở thì chính quyền sẽ tiến hành tháo dỡ”- ông Đặng Tiến Út, Bí thư Huyện ủy Phước Long cho biết.
Trước đó, Báo Công lý đã phản ánh về tình trạng ô nhiễm môi trường, mất an ninh trật tự tại khu chợ tạm ấp Phước Thành, xã Phước Long, huyện Phước Long (Bạc Liêu) do bà Khương Thị Thu Thủy đang quản lý. Khu đất mà hàng chục người dân đang buôn bán tạm bợ hiện nay trước đây thuộc dự án quy hoạch xây dựng khu đô thị Phó Sinh, huyện Phước Long.
Tình trạng buôn bán lộn xộn tại chợ tạm
Trong bản đề án xin đấu thầu, bà Thuỷ cũng đã cam kết sẽ triển khai xây dựng theo đúng qui định phê duyệt. Thậm chí, thời điểm sau khi trúng thầu, bà Thủy cam kết thực hiện việc xây dựng trên phần đất này đúng theo quy hoạch xây dựng nhà phố thương mại phân lô. Tuy nhiên sau đó, bà Thuỷ lại tiến hành đầu tư xây dựng ki-ốt, quầy sạp cho tiểu thương thuê, lập chợ buôn bán.
Trao đổi với chúng tôi, ông Đặng Tiến Út, Bí thư Huyện ủy Phước Long (Bạc Liêu) cho biết: “Sau khi trúng đấu giá quyền sử dụng đất tại vị trí nêu trên, bà Thủy không thực hiện đúng theo cam kết và phương án đã phê duyệt mà lại tiến hành dựng lều tạm cho thuê để lập chợ buôn bán với giá từ 800.000 - 1.200.000 đồng/tháng, là không đúng với mục đích sử dụng đất. Bên cạnh sử dụng sai mục đích đất, việc dựng lều tạm để lập chợ của bà Thủy không phù hợp với các điều kiện về phòng cháy chữa cháy, vệ sinh môi trường và gây mất cảnh quan đô thị và mất trật tự công cộng”.
Để giải quyết vấn đề này, ông Út đưa ra phương án giải quyết trước mắt là yêu cầu bà Thuỷ phải chấp hành đúng qui định đã được phê duyệt trước đó. Đồng thời, chính quyền cũng sẽ đề nghị các tiểu thương đang buôn bán tại chợ tạm phải tháo gỡ, chấp hành theo đúng chủ trương xây dựng nhà phố và thực hiện Nghị quyết 03 của BCH Đảng bộ huyện.
Không chỉ chính quyền địa phương đang rốt ráo xử lý trường hợp vi phạm nghiêm trọng việc xây dựng chợ tạm trái phép mà nhiều người dân khi trò chuyện với chúng tôi cũng tỏ ra bức xúc. Lý do từ lúc có chợ tạm, cuộc sống của họ liên tục bị đảo lộn, môi trường mỹ quan sống bị xấu đi.
Bà T.T.Y bày tỏ: “Tôi năm nay đã 49 tuổi, hơn 40 năm ở chợ này. Từ khi có chợ tạm, cuộc sống ở đây không còn như trước. Bởi các chất thải từ mùi tôm, cá, rác thải của người dân thải ra không qua xử lý khiến môi trường sống như bị “bóp nghẹt”. Người dân chúng tôi đã nhiều lần kiến nghị chính quyền di dời các tiểu thương vào trong trung tâm chợ mới xây dựng nhưng đến nay vẫn chưa có tiến triển. Sắp tới tôi hy vọng với sự quyết tâm của lãnh đạo huyện Phước Long, khu chợ này sẽ bị dẹp bỏ hoàn toàn”.