Đó là câu khẳng định mà ông Joakim Parker, Giám đốc của UASID tại Việt Nam, khi trả lời phỏng vấn của phóng viên Báo Công lý tại buổi nói chuyện với sinh viên các trường đại học trên địa bàn TP.HCM vào cuối tuần qua.
PV: Trong khuôn khổ hợp tác và hỗ trợ của USAID cho Việt Nam, trong đó USAID đã dành nhiều dự án trong lĩnh vực giáo dục, nhất là ở bậc đại học. Vậy suy nghĩ của ông đầu tiên về sinh viên Việt Nam như thế nào?
Ông Joakim Parker: Tôi có thể nói một câu ngắn gọn, sinh viên Việt Nam của các bạn thông minh, chịu khó và rất ham học hỏi. Lý do tại sao tôi lại nói như vậy, rõ ràng đất nước các bạn đã trải qua nhiều biến cố lịch sử và ngày nay Việt Nam cũng đã có 40 năm xây dựng và phát triển, nhưng xuất phát điểm của các bạn quá nhiều khó khăn và thiếu thốn cả về vật chất và nguồn nhân lực.
Vậy mà tôi thấy sinh viên Việt Nam khi tham dự các kỳ thi Olympic khu vực hay quốc tế, hoặc các chương trình cho sinh viên, thì Việt Nam luôn đoạt những giải cao trong các cuộc thi đó. Và tôi cũng thấy nhiều ý tưởng khoa học do các bạn sinh viên đưa ra rất có ích cho cộng đồng và đó cũng chính là lý do mà tôi, cũng như tổ chức USAID và Chính phủ Hoa Kỳ dành cho sinh viên Việt Nam nhiều tình cảm. Nhưng tôi nghĩ đó cũng mới chỉ là những điểm “đủ”.
Ông Joakim Parker - Giám đốc của UASID tại Việt Nam
PV: Vậy theo ông điểm “cần” của sinh viên Việt Nam hiện nay là gì?
Ông Joakim Parker: Thanh niên trẻ là gia tài của quốc gia. Nên trong mỗi quốc gia, đặc biệt là thanh niên trí thức tại các trường đại học, cao đẳng chính là thành phần cốt lõi. Họ có thể phát triển kinh tế để thay đổi lịch sử, văn hóa và nhiều lĩnh vực khác. Vì vậy, sinh viên Việt Nam cũng giống như bao sinh viên các quốc gia khác mà chúng tôi đã đến và hợp tác. Tuy nhiên, muốn đế phát huy hết năng lực thì sinh viên Việt Nam còn thiếu điểm “cần”, đó là điều kiện hoc, là các giáo trình, là các vật chất phục vụ cho việc học và cả kinh phí cho việc triển khai các đề tài đã nghiên cứu hay phát triển những ý tưởng của mình. Đó cũng chính là lý do để chúng tôi tham gia hợp tác với Việt Nam trên tinh thần toàn diện.
Trong một buổi trao đổi nội dung các vấn đề liên quan đến giáo dục, công nghệ với giảng viên, giáo sư trường đại học tại Việt Nam của tổ chức USAID
PV: Hiện nay USAID đã có kế hoạch 4 năm (2014- 2018) cho nhiều dự án về giáo dục tại Việt Nam. Vậy cụ thể như thế nào thưa ông?
Ông Joakim Parker: Hiện nay, chúng tôi có nhiều dự án về giáo dục với Việt Nam. Trong đó có dự án liên quan đến chuyên ngành kỹ thuật, về xã hội. Trong giai đoạn 4 năm (2014-2018), chúng tôi cũng chưa có chương trình hỗ trợ trực tiếp cho sinh viên, mà chúng tôi tập trung chủ yếu về năng lực cũng như hỗ trợ cho các giảng viên, giáo sư tại các trường đại học và thông qua các chương trình này để có thể nâng cao được giáo trình dạy học sao cho phù hợp hơn với thực tế.
Ngoài ra, chúng tôi đã quan hệ hợp tác với nhiều doanh nghiệp, nhiều nhà đầu tư… Trong hợp tác này, họ cũng sẵn sàng hỗ trợ các trang thiết bị Công nghệ cao và thông qua chương trình hợp tác này, sinh viên cũng như nhà trường sẽ biết doanh nghiệp cần gì? Từ đó sẽ xác định và đưa ra những giáo trình giảng dạy phù hợp hơn, để sinh viên khi ra trường có đầy đủ kỹ năng và đáp ứng nhu cầu của xã hội. Chúng tôi hy vọng trong tương lai có thể mở rộng được phạm vi không chỉ cho giảng viên, giáo sư tại các trường đại học có trong chương trình được hưởng lợi mà còn cho các đề tài khoa học, có ích cho cộng đồng của sinh viên các trường đại học khác cũng như của học sinh các trường phổ thông trên cả Việt Nam nữa.
PV: Như vậy sinh viên Việt Nam sẽ có nhiều cơ hội hơn?
Ông Joakim Parker: Đúng vậy. Đây có thể là thời điểm quá sớm để đánh giá kết quả của chương trình, vì chương trình chỉ thực hiện 4 năm ( 2014-2018) và cũng chỉ dành cho việc nâng cao năng lực chuyên môn cho giảng viên, giáo sư của trường bậc đại học. Nhưng theo cảm nhận của tôi thì thông qua các chương trình này, nhất là tại các trường đại học mà UASID triển khai dự án, cũng đã có nhiều thành công bước đầu. Khi các em sinh viên có kỹ năng tốt hơn, các nhà tuyển dụng cũng bắt đầu cảm thấy hài lòng hơn về kỹ năng cũng như năng lực của các sinh viên mới ra trường.
Song song với các dự án cho giảng viên, giáo sư tại các trường đại học, mục tiêu của USAID là hổ trợ toàn diện cho Việt Nam trong giáo dục và thực hiện triển khai các đề tài khoa học. Vì vậy, chúng tôi hiện nay cũng đã triển khai nhiều cuộc thi về môi trường xanh, các vấn đề liên quan đến biến đổi khí hậu, khoa học công nghệ, kỹ thuật… dành cho sinh viên trên toàn lãnh thổ Việt Nam; Triển khai và hỗ trợ cho các ý tưởng về đề tài nghiên cứu khoa học, kỹ thuật, công nghệ cao của Việt Nam - Hoa Kỳ thông qua sự hợp tác, liên kết và chia sẻ những ý tưởng đó, để làm sao thực hiện và triển khai một cách hiệu quả nhất.
Năm 2015 là năm kỷ niệm quan hệ hợp tác ngoại giao giữa Việt Nam - Hoa Kỳ, sẽ có nhiều hoạt động dánh dấu cho sự kiện quan trọng này. Và để khẳng định mối quan hệ ngày càng bền chặt, tôi xin nhấn mạnh câu nói của Ngoại trưởng Mỹ John Kerry khi đến thăm và làm việc với Việt Nam năm 2012: “Các vấn đề liên quan đến hợp tác công nghệ và giáo dục đào tạo là nền tảng để Chính phủ hai nước tiến xa hơn nữa trong quan hệ hợp tác, để cùng nhau thay đổi lịch sử và cùng phát triển trong tương lai”.
PV: Xin cảm ơn ông.