Chiêu lừa "con đang cấp cứu, chuyển tiền gấp" đã xuất hiện tại Hà Nội

Thảo Nguyên| 14/03/2023 10:24
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Ngày 14/3, nhiều trường học ở Hà Nội đồng loạt thông tin cho phụ huynh cảnh giác với màn kịch "con đang cấp cứu, chuyển tiền gấp".

Kể lại sự việc bị kẻ gian gọi điện lừa đảo, chị N.H. có con đang theo học tại trường THPT Chu Văn An cho biết, đã nhận được cuộc gọi thông báo về việc con chị đã bị ngã cầu thang bị hôn mê và phải phẫu thuật não gấp. Đối tượng yêu cầu chị chuyển tiền và ủy quyền để mổ.

"Rất may, đúng thời điểm này tôi đang nói chuyện với cháu qua mạng xã hội nên không mắc bẫy. Các đối tượng lừa đảo quá ác khi sẵn sàng đưa ra câu chuyện như thế", chị H. bức xúc.

Chiêu lừa

Thông tin về các cuộc gọi lừa đảo và cảnh báo của nhà trường. Ảnh chụp màn hình

Tương tự, nhận cuộc gọi từ đầu số 070.890.53xx, chị K.N., phụ huynh có con đang theo học tại Trường Phan Đình Phùng cho biết, thủ đoạn của những kẻ lừa đảo là thông tin rằng học sinh bị tai nạn và phải cấp cứu tại Bệnh viện 354. Chúng yêu cầu phải chuyển khoản tiền để làm các thủ tục điều trị. Thậm chí, các đối tượng còn dàn dựng cả tiếng còi hú xe cấp cứu, tiếng y tá, bác sĩ để tạo dựng lòng tin.

"Tôi rất hoảng nhưng vẫn thấy nghi ngờ vì bình thường các con bị làm sao thì giáo viên chủ nhiệm đều trực tiếp thông báo. Do đó, tôi gọi lại cho cô giáo thì biết con vẫn đang trong lớp. Các phụ huynh rơi vào tình trạng tương tự nên tỉnh táo để xác minh", vị phụ huynh này chia sẻ.

Cũng theo chị N., tâm lý phụ huynh khi nhận được cuộc gọi về các vấn đề của con, nhất là sức khỏe, thường sẽ bị rối và dễ bị cuốn theo. Tuy nhiên, phụ huynh nên trấn tĩnh sẽ thấy những điều không phù hợp, ví dụ như hôm nay là lịch thi của con chị, vì thế không thể có chuyện con bị ngã trong giờ thể dục.

Liên quan tình trạng lừa đảo nói trên, một loạt các trường học trên địa bàn Hà Nội đã lên tiếng cảnh báo.

Bà Nguyễn Thị Nhiếp - Hiệu trưởng trường THPT Chu Văn An (quận Tây Hồ) cho biết, mới đây, 2 phụ huynh có con học tại trường bị kẻ xấu mạo danh giáo viên, nhân viên y tế nhắn tin: "Con gặp tai nạn đang ở bệnh viện cấp cứu, cần chuyển tiền ngay để nhập viện". May mắn hai phụ huynh này khi nhận được cuộc gọi, tin nhắn đã cảnh giác, xác minh thông tin từ nhà trường, giáo viên chủ nhiệm nên không bị lừa.

Theo Hiệu trưởng trường THPT Chu Văn An, sau khi nhận được thông tin, nhà trường yêu cầu các giáo viên chủ nhiệm thông báo đến phụ huynh của tất cả các lớp trên toàn trường để tránh bị lừa.

Thông báo nêu rõ: "Kẻ xấu nắm rất rõ thông tin của học sinh và tên chính xác của giáo viên, kể cả môn dạy. Nếu cha mẹ học sinh nhận được tin nhắn, cuộc gọi tương tự thì liên hệ ngay với phó hiệu trưởng hoặc thầy cô chủ nhiệm để xác minh".

Trường THPT Phan Đình Phùng cũng thông tin cảnh báo hiện tượng lừa đảo qua điện thoại này tới các phụ huynh học sinh. "Gần đây, xảy ra hiện tượng phụ huynh nhận được cuộc gọi thông báo học sinh bị tai nạn đang nhập viện, yêu cầu chuyển tiền gấp vào tài khoản cá nhân người gọi để đóng viện phí. Kính đề nghị phụ huynh cảnh giác, liên hệ với giáo viên chủ nhiệm, nhà trường hoặc tổng đài của bệnh viện để xác thực thông tin. Trân trọng!", thông báo của trường này nêu.

Trường THCS Nguyễn Trường Tộ (quận Đống Đa, Hà Nội) cũng phát cảnh báo: "Hiện nay, có hiện tượng kẻ xấu mạo danh giáo viên trường gọi điện cho phụ huynh thông báo con bị tai nạn giao thông và yêu cầu phụ huynh chuyển tiền. Đề nghị quý phụ huynh cảnh giác và gọi điện cho thầy cô chủ nhiệm để kiểm chứng".

Trước đó, hàng loạt phụ huynh ở TP.HCM đã bị lừa hàng chục, thậm chí hàng trăm triệu đồng.

Trước thực trạng này, các chuyên gia công nghệ cũng lên tiếng cảnh báo về việc nguy cơ lộ, lọt thông tin về học sinh và khuyến cáo các trường học cần nâng cao bảo mật, tránh tình trạng có sơ hở để kẻ gian lợi dụng trục lợi.

Bên cạnh đó, giáo viên phải rà soát, điểm danh sĩ số đầu giờ, thông báo lên nhóm phụ huynh số lượng học sinh có mặt ở lớp hằng ngày; đồng thời thiết lập đường dây nóng khi cần thông báo các vụ việc khẩn đến phụ huynh học sinh và tiếp nhận thông tin khi có tình trạng khẩn cấp.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chiêu lừa "con đang cấp cứu, chuyển tiền gấp" đã xuất hiện tại Hà Nội