Chỉ vì chuyện đất đai mà những người ruột rà thân thuộc trở mặt, dứt tình thâm máu mủ khi phải kiện nhau ra tòa.
Đứng trước vành móng ngựa là bị cáo Võ Văn Kiệt, 47 tuổi, gương mặt khắc khổ, dáng còm nhom. Người bị hại là bà Tô Thị Lượm, 49 tuổi, chị dâu bị cáo. Người có nghĩa vụ và quyền lợi liên quan là ông Võ Văn Hùng, 54 tuổi, anh ruột bị cáo...
“Huynh đệ tương tàn” vì cái ranh đất
Theo cáo trạng, do chuyện ranh đất khiến Kiệt và vợ chồng ông Hùng xảy ra cự cãi. Hậu quả là bà Lượm bị Kiệt chọi đá vào trán gây thương tích 23%. Với hành vi trên, Kiệt bị TAND huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long đưa ra xét xử về tội “cố ý gây thương tích”.
Tại tòa, bị cáo Kiệt bào chữa: “Anh Hùng là anh Ba của bị cáo. Mâu thuẫn ranh đất giữa bị cáo và anh Ba kéo dài nhiều năm rồi. Hai bên không nhìn mặt, nói chuyện với nhau nên bị cáo xây bức tường dọc ranh đất để khỏi mắc công tranh chấp, nhưng anh Ba lại đổ đất dọc bức tường.
Do tường chưa tô nên bị cáo không đồng ý và nói với anh Ba đừng đổ đất nữa, nhưng ảnh vẫn đổ. Hôm đó bị cáo đi làm về có uống chút rượu nên mất tự chủ mới cự cãi với ảnh...”.
Ông Hùng cũng thừa nhận chỉ vì ranh đất mà anh em mâu thuẫn với nhau. Ông nói: “Nền sân hơi yếu nên tôi đổ đất nâng nền lên. Đất liền kề nên đổ sao mà không đụng bức tường được. Vậy mà nó kiếm chuyện chửi nên tôi mới phản ứng lại...”.
Một cuộc ẩu đả bùng nổ ngay sau đó. Ông Hùng thách thức em trai đánh nhau.
Hồi xưa, mấy anh em nó thương nhau lắm. Lúc nào cũng kè kè bên nhau, chia nhau từng miếng bánh, nhường nhau từng trái ổi, trái xoài... Vậy mà giờ đứa nào cũng già, sắp sửa có sui, lại thua hồi còn con nít, chỉ vì ranh đất mà tình anh em sứt mẻ. Tình cảnh anh em như vầy, cha mẹ khó mà ngậm cười nơi chín suối... Bà Võ Thị Loan (chị của bị cáo Kiệt) |
Người em cầm một đoạn gỗ thì bị vợ ngăn cản, giật cây gỗ lại và điện báo công an. Người chị dâu cầm đoạn sắt. Người anh cầm dao chặt nhiều cái vào tường rào của Kiệt, rồi dùng nạng thun bắn Kiệt nhưng không trúng. Kiệt lượm cục đá ném trả trúng vào đầu chị dâu phải đưa đi cấp cứu...
Nhắc đến việc đã gây ra đối với chị dâu, bị cáo hối hận: “Bị cáo chỉ liệng đại chứ không cố ý gây thương tích cho vợ chồng ảnh...”.
Có lẽ muốn anh em hòa giải với nhau nên chủ tọa, hội thẩm và kiểm sát viên đều lần lượt hỏi vợ chồng người anh có xin giảm án cho người em không bởi dẫu gì cũng thâm tình máu mủ.
“Hôm đó, do nó hăm giết nên vợ chồng tôi buộc cầm hung khí tự vệ. Giờ tôi không còn tình nghĩa gì với nó, tôi yêu cầu xử theo luật, không giảm nhẹ gì hết”.
Về trách nhiệm dân sự, người chị dâu nói bên bị cáo đã bồi thường 7 triệu đồng, giờ yêu cầu bồi thường thêm 10,5 triệu đồng nữa. Thái độ quyết liệt của vợ chồng người anh khiến gương mặt bị cáo nhăn nhúm đau đớn.
Tòa tuyên phạt người em 9 tháng tù. Hai vợ chồng người anh đi một mạch ra cửa rồi lên xe chạy thẳng. Những người còn lại vây quanh bị cáo. Người khóc, người không tiếc lời trách móc người anh.
Kiệt buồn bã: “Chắc chấp hành án xong, vợ chồng em bán nhà đi nơi khác, chứ ở đây không biết chuyện gì xảy ra nữa...”.
Còn đâu “giọt máu đào”...
Theo hồ sơ, cha mẹ lần lượt qua đời để lại di chúc chia cho người em N.H.M. 7 công đất nằm phía ngoài, người anh N.H.Đ. 9 công đất phía trong. Anh em họ sử dụng đường nước chung từ mặt đập đi thẳng vào ruộng để canh tác. Đến năm 2014, người em đắp đất chặn đường nước ngay đầu phần đất của người anh.
Sau nhiều lần kêu em khai thông đường nước nhưng không được, người anh khởi kiện ra tòa. Phiên sơ thẩm tuyên chấp nhận đơn khởi kiện của người anh, buộc người em phải khai thông đường nước. Người em kháng cáo...
7g30, mưa lất phất rơi. Hai anh em họ có mặt trong phòng xử của TAND tỉnh Vĩnh Long từ rất sớm. Người anh ngồi dãy bên trái, còn người em ngồi dãy bên phải. Họ không nhìn nhau. Ánh sáng từ bóng đèn phòng xử hắt hai chiếc bóng đổ dài...
Trước khi đi vào phần xét xử, chủ tọa hỏi người em có muốn rút kháng cáo để anh em sống hòa thuận với nhau không. Người em không đồng ý với lý do anh ích kỷ, cậy thế làm anh lấn áp mình.
“Anh ấy có thể dẫn nước từ các ruộng kế bên nhưng không chịu mà cứ làm khó hoài, đòi tui khai thông đường nước. Trong khi tui đào hầm nuôi cá gần đường nước, nếu tui để đường nước, lỡ nước từ ruộng ảnh đầy phân bón, thuốc trừ sâu ngấm qua đường nước chết cá tui sao?” - người em nói.
Người anh phản bác: “Chú ấy có tới 7 công đất, đào hầm nuôi cá thì thiếu gì chỗ đào, cớ sao cứ nhất quyết phải đào ngay sát đoạn đầu phần dẫn nước của tui. Vả lại hiện chú ấy cũng đang trồng lúa đấy thôi.
Thật ra, sau khi cha mẹ qua đời, chú ấy kêu tui muốn sử dụng đường nước phải cho đứt chú một công đất, tui không chịu mới sinh ra chuyện. Từ ngày đường nước bị lấp, tui xin nhờ đường nước ruộng cạnh bên nhưng người ta không cho, tui buộc phải dùng nước ở mương phèn khiến lúa bị thất mùa hoài.
Nếu chú ấy cứ chặn đường nước, lúa thất hoài, tiền đâu tui nuôi con ăn học. Anh em ruột rà mà đành đoạn đối xử với tui như vậy. Sao chú ấy không nghĩ ngày xưa tui và cha mẹ cực khổ mới tậu được số đất như hôm nay, chú ấy lớn lên cơ ngơi đã có sẵn, không biết mang ơn anh mình mà còn trở mặt”.
Nghe tới đây, người em cự lại: “Tui là con út, lý ra con út phải được nhiều hơn hoặc chí ít cũng được chia ngang bằng, giàu út ăn nghèo út chịu mà. Đằng này, khi cha mẹ còn sống, anh đã tâu hót để cha mẹ di chúc cho anh hơn tôi đến 2 công, tham vừa thôi chứ, ăn mà không sợ mắc nghẹn à...”.
Tòa phân tích cho người em biết nếu sau này lỡ xảy ra chuyện cá chết như vậy thì ông có quyền khởi kiện một vụ án dân sự khác, chứ điều luật có quy định rõ ràng phải dành cho bất động sản liền kế lối dẫn nước thích hợp. Huống hồ đường nước đó là của cha mẹ để lại.
Vì lẽ đó, tòa bác kháng cáo, tuyên y án sơ thẩm. Hai bên lục tục bước xuống bậc tam cấp ra về.
Người em vừa đi vừa lớn tiếng: “Chưa xong đâu, tui sẽ chống án tới cùng. Là anh mà chỉ biết lợi ích của mình chứ không nghĩ đến em út”.
Người anh “hứ” một cái rồi bỏ đi, những bước chân giận dữ nện xuống nền ximăng của người anh giẫm mạnh lên bóng người em.
Rồi người em từ phía sau vượt lên đến bãi giữ xe, leo lên xe rồ máy, chiếc xe cán mạnh lên bóng người anh, chạy thẳng ra cửa...