Thời buổi kinh tế khủng hoảng, Tết kéo theo những khoản chi tiêu tốn kém mà “không thể bỏ qua” đã khiến cho không ít người thành ra… sợ Tết.
Tất cả cho một cái tết tươm tất
Những ngày cận Tết, ai cũng bận rộn để hoàn thành các công việc cuối năm theo kế hoạch cơ quan. Đặc biệt, Tết cũng là dịp mọi người hối hả lo toan, dọn dẹp nhà cửa, mua mới bỏ cũ trang hoàng nhà cửa để chào đón năm mới.
Những người quê xa thì lo gói ghém tiền bạc, công nợ trở về sum họp với gia đình họ hàng. Một năm qua đi, mỗi người đều đã làm được những điều ý nghĩa cho bản thân và gia đình. Nếu không được như vậy thì cũng là khép lại năm cũ xui xẻo, để đón một năm mới tới với những điều may mắn hơn. Vì thế, nhà cửa cũng được trang hoàng đẹp hơn, mọi người ăn mặc chỉn chu hơn và khi gặp nhau, mọi người nói những điều chúc vui vẻ, tốt lành hơn.
Nói vậy thôi chứ cũng chẳng giản đơn chút nào. Để có được những điều ấy trong ba ngày Tết, thì mỗi người đã phải “chạy đua” cả tháng trước đó. Điều khiến các gia đình, đặc biệt là “ông chủ” gia đình hay các bà nội trợ “đau đầu” nhất vẫn là, làm sao để kiếm đủ tiền lo cho gia đình một cái Tết tươm tất.
“Tiền tiêu Tết” gói gọn ba từ ấy thôi, nhưng với mỗi gia đình thì đó là những phép tính không hề dễ tìm lời giải. Đối với những gia đình khá giả, thì khỏi cần bàn nhiều. Tiền chi tiêu Tết không kể được, bởi lẽ các thành viên trong gia đình đều có "của ăn của để", hoặc kiếm tiền “dễ như chơi”, họ chỉ cần “tặc lưỡi” Tết nhất mà! rồi phóng tay tiêu tiền.
Còn những gia đình thuộc dạng “kiếm cả năm, phải lo 3 ngày tết cho tử tế” thì tính đến tiền chục triệu, hay cả trăm triệu đổ về. Đau đầu nhất vẫn là các gia đình thu nhập thấp như cán bộ, nhân viên và người lao động phổ thông thì tiền triệu, tiền trăm cũng phải căn từng đồng.
Tết lo chi tiêu gì?
Nói về kế hoạch chi tiêu trong dịp Tết, anh Sơn (quận Cầu Giấy), “ông chủ” của gia đình 4 người chia sẻ: "Tết nhất tôi lo lắm. Nhà tôi đây, tiêu Tết nhẹ nhàng cũng phải tầm 40-50 triệu rồi, đang lo kiếm tiền đâu ra cho đủ đây".
Mỗi dịp xuân về là chị em lại "đau đầu" tính toán, chi tiêu cho 3 ngày Tết được tươm tất (Ảnh mih họa)
Gia đình anh Sơn thuộc diện khá ổn định, có nhà riêng ở Hà Nội, ông bà hai bên nội ngoại cũng ở ngay Hà Nội, không phải quê xe nên cũng đỡ tốn kém khoản đi lại.
Theo dự tính, số tiền dự kiến chi cho Tết hàng năm của vợ chồng anh gồm: Tiền biếu nhà nội và ngoại hai bên là 8 triệu; tiền thực phẩm (đặt mua và sắm tại chợ siêu thị) khoảng 10 triệu; tiền mừng tuổi 10 triệu; tiền mua đồ trang trí nhà cửa, quần áo cho vợ chồng và 2 con: 5 triệu; quà biếu sếp của vợ chồng 4 triệu; xăng xe đi lại mấy ngày Tết cho 4 bánh: 2 triệu. Vậy là, nhẹ nhàng gia đình anh cũng phải mất gần 40 triệu.
Đối với những gia đình ở xa cả năm có mỗi dịp Tết về thăm bố mẹ, không lo nhiều khoản mua sắm, thực phẩm 3 ngày tết, thì các khoản không thể thiếu mà một gia đình phải lo vẫn là tiền biếu bố mẹ (vợ, chồng), tiền quà cáp, tiền lì xì, mua vé tầu xe, hoặc máy bay.
Với những gia đình con cái đi làm xa để tiếng “mát mặt” cho bố mẹ ở quê, thì về Tết cũng chi tiêu đến vài chục triệu là ít. Còn với những gia đình cán bộ viên chức thu nhập thấp, hay lao động đi làm ăn xa về ăn tết ở quê, dù ít tiền vẫn không thiếu được “đồng quà tấm bánh”, hay biếu bố mẹ dù chỉ là mấy trăm, hai bên gia đình cũng thành tiền triệu. Có thể không có thực phẩm ngon đặc sản nơi thành phố, thì cũng phải có chút tiền “góp Tết” cùng bố mẹ. Tính ra còn chưa đủ thì cũng phải vài triệu đồng.
Thu nhập của cán bộ bình thường Tết cũng “trọn gói” chỉ vài triệu. Thế bảo làm sao không lo được!
Nên “liệu cơm, gắp mắm”
Nói lo là vậy, nhưng thực tế chi tiêu Tết là: Tiền nhiều cũng hết, tiền ít cũng hết, rồi ai cũng hưởng xong một cái Tết vui buồn lẫn lộn. Rồi những người ở xa lại ngược xuôi trở về thành phố để tiếp tục công việc, cống hiến và mưu sinh và con trẻ lại tung tăng đến trường chuẩn bị hành trang cho một tương lai tốt đẹp hơn.
Hay như các cụ vẫn có câu “Khéo ăn thì no, khéo co thì ấm”. Nếu tư duy thoáng hơn về ngày Tết, các gia đình, đặc biệt là các bà nội trợ sẽ thấy nhẹ nhàng hơn khi tự mình “giải phóng” cho mình khỏi ba ngày Tết vẫn có tiếng là mệt mỏi vì chỉ có "sắm nhiều, bày vẽ nhiều" mà không ăn được bao nhiêu.
Xuân đến là dịp Tết cổ truyền của dân tộc, nhưng cổ truyền ngày nay không có nghĩa mọi nhà phải giống nhau, đĩa xôi con gà cúng tất niên và đêm giao thừa nhà nào cũng phải có, chuẩn bị những món quà biếu ông bà cha mẹ cũng là việc nên làm. Nhưng còn chuyện trang hoàng nhà cửa - đâu nhất thiết phải đào, mai chơi Tết khi mà có những cành lên đến tiền triệu.
Hãy tự nấu ăn cho gia đình, hơn là thuê cỗ để bớt chi phí cho khoản dịch vụ này. Phí đi lại nếu cần, hãy suy tính đến phương tiện đi lại để tiết kiệm chi phí hơn, hãy mua quần áo trong nước, thay cho hàng hiệu để diện Tết…
Có như thế, không chỉ giúp bạn giảm được chi phí từng khoản cụ thể, giảm áp lực chi tiêu, mà còn một điêu khá quan trọng là giúp bạn “đứng vững” trước những khoản chi tiêu sau Tết. Đó là khoản ngân sách không nhỏ cho dịp ra Giêng.
Không ít gia đình giật mình khi ăn Tết xong phải đối mặt với các khoản chi phí cũng đã đến thời gian phải có mà “không thể bỏ” đó là: Tiền học cho con; tiền điện, nước; tiền xăng xe đi lại, chi tiêu ở cơ quan, đấy là chưa kể có vài đám cưới của bạn bè, đồng nghiệp tổ chức vào mùa xuân, hay khoản dự phòng rủi ro nhỡ may con cái ốm bệnh…
Ai cũng mong muốn có một cái Tết thật vui vẻ và đầm ấm bên người thân. Và đặc biệt, giá như chúng ta được tiêu pha thoải mái, thích gì thì mua mà không cần phải suy nghĩ! Tuy nhiên, Tết “tươm tất”, hoành tráng đến đâu phải căn cứ vào tình hình ngân sách của mỗi gia đình và chính sự cân nhắc, tính toán khéo léo của chị em phụ nữ mới thực sự tạo nên một cái Tết ý nghĩa.