Trong xu thế vận động cho quyền con người ngày nay, thì yếu tố bản dạng giới của mỗi cá nhân ngày càng được tôn trọng.
Xã hội ngày càng cởi mở và có cái nhìn nhân văn hơn với những người đồng tính. Những người thuộc cộng đồng LGBT (Lesbian - Gay - Bisexual -Transgender) được ví như một “xã hội thu nhỏ”, cũng có đủ mọi thành phần và mọi tầng lớp. Mặc dù vậy, những quan điểm, những suy nghĩ, những thành kiến miệt thị, chỉ trích vẫn luôn tồn tại song hành cùng sự cảm thông, chia sẻ với người đồng tính.
Nhân Ngày Quốc tế Nhân Quyền (10/12), chúng tôi đã có cuộc chia sẻ cởi mở với chuyên gia tâm lý, PGS-TS. Trịnh Hòa Bình xung quanh vấn đề LGBT - họ là ai, họ có những quyền gì, và nếu cha mẹ có con có xu hướng giới tính khác giới tính sinh học thì nên ứng xử như thế nào.
Chuyên gia tâm lý, PGS-TS. Trịnh Hòa Bình
PV: Làm thế nào để xác định “Tôi là ai?” trong một cộng đồng xã hội, thưa ông?
PGS-TS. Trịnh Hòa Bình: Điều này chắc chắn phải bắt đầu xem xét từ mối quan hệ Tôi với mọi người. Như chúng ta đã biết, xã hội luôn luôn vận động, không một cá nhân nào tồn tại một cách độc lập và riêng rẽ. Các cá nhân đều liên hệ với nhau dưới hình thức này hoặc hình thức khác, không phải cá nhân này thì cũng cá nhân khác. Con người tồn tại trong xã hội có sự vận động, tương tác với nhau và giá trị của mọi người cũng theo đó được nhìn nhận, làm rõ. Trong lĩnh vực tin học có dùng một từ gọi là “kích hoạt”, giá trị ấy được “kích hoạt” hay không cũng dựa trên cơ sở các mối quan hệ tương tác trong xã hội.
PV: Giới tính sinh học của mỗi giới được quy định như thế nào và nó có tác động như thế nào đến bản dạng giới, thưa ông?
PGS-TS. Trịnh Hòa Bình: Những kiến thức “sách vở” nằm lòng đều quy định cấu trúc ban đầu, hay gọi là giới tính sinh học ban đầu có quy định đến hệ thống ứng xử, các mối quan hệ xã hội, các hoạt động của mỗi cá nhân, mỗi thành tố trong mối quan hệ xã hội.
Trong truyền thống, người ta vẫn hay nhìn nhận chỉ có hai giới: giới nam và giới nữ. Và như vậy, nam giới sinh ra được “khu biệt” và được khẳng định là bởi có nữ giới, và ngược lại. Đây là một cách quy định rất nguyên tắc, rất logic và vẫn được mặc định từ xưa.
Theo đó, nam giới thì phải nam tính, bản dạng nam tính, thể hiện, xu hướng nam tính; và nữ giới thì cũng có những quy định tương tự. Và đây được gọi là “bản dạng” của từng giới theo quy định truyền thống. Bản dạng giới là cách một cá nhân hình dung về bản thân dưới góc độ giới, được phát triển dựa trên sở thích, trải nghiệm, mong muốn, và không cố định.
Nhưng “bỗng một ngày”, chúng ta “phát hiện” ra rằng thì ra không phải chỉ có hai giới, hay những câu chuyện về đồng tính trong hệ thống sĩ quan cao cấp của quân đội Hitler. Thực chất điều này tồn tại đã lâu nhưng nó không được thể hiện mạnh và rõ lắm. Như vậy, rõ ràng là không chỉ có hai giới như mặc định trong truyền thống ban đầu.
Giới tính sinh học gồm có nam, nữ và liên giới tính (inter-sex) thể hiện ở nhiều dạng như song tính, đồng tính… Giới tính sinh học và bản dạng giới của mỗi người có thể trùng hoặc không trùng với nhau. Vì thế, có những người không thể căn cứ vào giới tính sinh học là nam mà mặc nhiên cho họ là nam giới, và ngược lại… Và trong xu thế vận động cho quyền con người ngày nay, thì yếu tố bản dạng giới của mỗi cá nhân ngày càng được tôn trọng.
Tuy nhiên, cũng có thực tế là một tỉ lệ đáng kể những người có xu hướng ngộ nhận giới tính, có một phần “bắt chước”, và ai động chạm đến họ là họ “xù lông”. Nhóm “ngộ nhận” và “bắt chước” này chính là những nhóm tấn công, ném đá trở lại dữ dằn nhất đối với những nhận xét khắc nghiệt, kỳ thị và có những đánh giá khác biệt về họ... chứ không phải những người sinh ra đã có nhu cầu, có năng lực của người đồng tính hay song tính.
Tôi cho rằng với những định nghĩa thay đổi về giới, trong tương lai, nhưng không phải trong tương lai gần, những định nghĩa về gia đình cũng sẽ thay đổi.
PV: Những người LGBT hiện nay có những quyền gì và bị hạn chế những quyền gì đứng trên góc độ quan điểm xã hội và điều chỉnh của quy phạm pháp luật, thưa ông?
PGS-TS. Trịnh Hòa Bình: Nếu nói một cách sòng phẳng, xã hội chúng ta không tước bỏ một quyền nào của người đồng tính với tính cách một con người. Người đồng hay người dị tính thì cũng đều có quyền con người như nhau. Và xã hội vẫn chấp nhận như vậy.
Nhưng chúng ta cũng biết vẫn tồn tại một xu hướng kỳ thị những nhóm LGBT một cách dai dẳng, nếu không gọi là phổ biến. Điều này dẫn đến không chỉ những người dị tính kỳ thị những người LGBT, mà cả những người đồng tính mà yếu ớt, ủy mị, mặc cảm lớn cũng tự kỳ thị với chính mình, rằng mình như nhỏ yếu hơn, thua thiệt hơn, không thể hiện được đúng với chính mình, đặc biệt là những người không được rõ ràng giới tính ngay từ ban đầu. Họ phải xoay sở, loay hoay, tìm cách thể hiện đúng cái TÔI của mình.
Ảnh minh họa
Vậy họ những quyền gì? Xét về mặt nguyên tắc, họ không bị mất quyền gì của con người cả, bởi quyền con người là quyền lớn nhất. Nhưng trong thực tiễn đời sống, cho đến trước khi ra đời Luật Hôn nhân và Gia đình mới đây nhất, thì xu hướng bao vây, nhìn nhận một cách chật chội, hẹp hòi với người đồng tính và có gì đó như sự kỳ thị rất rõ.
Rõ ràng Luật Hôn nhân và Gia đình mới sửa đổi đã đưa ra một điều khoản không thừa nhận hôn nhân đồng giới nhưng không có điều khoản ngăn cấm và tẩy trừ. Dẫu sao đây cũng là một bước tiến mà nhiều học giả, nhiều nhà hoạt động xã hội, nhiều nhà hoạt động thực tiễn thừa nhận.
Bước tiến theo khía cạnh tổng thành xã hội của người đồng giới là không săn đuổi nữa, không tìm cách “tiêu diệt” với người đồng giới khi người ta khát khao đi kiếm tìm hạnh phúc gia đình, phối ngẫu lứa đôi.
Chúng ta thấy rằng họ thiệt thòi rất nhiều, như về khả năng sinh nở chẳng hạn. Nếu xã hội cởi mở hơn, họ có thể kiếm tìm khả năng sinh nở đó từ một hướng khác, từ một đối tác khác theo bất cứ một con đường nào, kể cả con đường phi sinh sản mà vẫn có con cái.
Mặc dù điều khoản đó là một bước tiến, nhưng với những người LGBT họ vẫn khá khao, vẫn tìm kiếm và chỉ điều mở đó thôi là chưa đủ. Họ vẫn đang tích cực đấu tranh để nhằm đạt được một điều là được ghi rõ ràng trong luật rằng thừa nhận hôn nhân giữa người đồng giới, như vậy, khái niệm về gia đình cũng sẽ biến đổi.
Khái niệm về gia đình được ghi là mối quan hệ giữa các thành viên kết hợp với nhau chịu sự điều chỉnh của pháp luật, và do sự kết hợp với nhau mà trở thành huyết thống. Mối quan hệ vợ chồng là mối quan hệ kỳ diệu, gắn kết và ràng buộc với nhau bằng mối quan hệ huyết thống hóa theo nghĩa một nhóm xã hội đặc biệt.
PV: Vừa qua tôi có tham gia một hội thảo về người LGBT. Có một trò chơi thế này, những người tham gia được phát một tờ giấy và ghi lại những đặc điểm, những sự kiện nổi bật trong cuộc đời con người ở từng giai đoạn: ấu thơ, niên thiếu, và trưởng thành. Sau đó, bạn dẫn đã tổng kết lại và nói rằng: “Trong đây có một sự kiện là CHẾT được ghi trong giai đoạn trưởng thành. Nhưng với những người LGBT như tôi, không phải chỉ CHẾT trong giai đoạn trưởng thành đâu. Chúng tôi có thể CHẾT ngay từ thuở ấu thơ”. Ông nghĩ gì về câu chuyện này?
PGS-TS. Trịnh Hòa Bình: Với những người LGBT phát biểu rằng “Tôi có thể CHÊT bất cứ lúc nào”, nói thực đấy là cái nhìn yếm thế của họ về đời sống. Họ cảm thấy mình không được phát triển một cách bình thường. Có những người khao khát muốn chứng tỏ, muốn bộc lộ giới tính thật của mình, có những người mang hình dáng, thần sắc của giới này nhưng lại khát khao bỏng cháy muốn chứng tỏ mình ở giới kia đều không được thể hiện và từ đó dẫn đến có xu hướng tuyệt vọng, yếm thế, và cảm thấy mình thua kém, thấp hèn… lắm khi họ cảm thấy mình rất gần cái chết.
PV: Trong trường hợp bố mẹ phát hiện ra con có xu hướng giới tính khác giới tính sinh học, hoặc khi con thừa nhận mình là một LGBT, cha mẹ nên làm gì, thưa ông?
PGS-TS. Trịnh Hòa Bình: Thực ra thì chúng ta cần phải xem xét vấn đề theo hai hướng: xu hướng ấy có thể khắc chế được không? hay nó là khôn cưỡng?
Đúng là có những trường hợp người ta đấu tranh với nó, người ta hướng dẫn nó xóa bỏ đi những ký ức, những vệt nào đó ảnh hưởng tới đứa trẻ khiến đứa trẻ dấn thân mạnh về xu hướng nào đấy. Nếu xóa được, gột được thì xã hội bình thường sẽ không trở nên phức tạp.
Tuy nhiên, với một đứa trẻ có xu hướng giới tính khác giới tính sinh học ngày càng mạnh, nó có quyền được bày tỏ giới tính, được quyền phát biểu chính kiến… thì trong trường hợp này không nên cưỡng bức bởi sẽ dẫn đến các trạng thái tâm lý tình cảm rất xấu. Có thể trầm cảm, xung đột, đoạn tuyệt với cuộc sống, đoạn tuyệt với cuộc sống của mình cũng như của người khác.
Với xu hướng ngày nay, truyền thông ngày càng cởi mở hơn, con người ta phát hiện ra những giá trị đích thực của mình thì thật khó có thể thực hiện được sự chế áp như trước.
Tôi dám chắc trước kia vẫn có những vấn đề đó nhưng nó ít hơn, thêm nữa sự lan tỏa, sự cộng cảm, mối dây liên hệ của các cá nhân trong xã hội không mạnh như giai đoạn này. Thế nên, thật khó khăn khi con người cố gắng chế áp, không thừa nhận quyền được thể hiện đúng xu hướng giới tính thật của mình, của người khác…
PV: Ông có cho rằng việc xã hội ngày càng cởi mở trong việc thừa nhận người LGBT thì có dẫn đến hiện trạng ngộ nhận về giới tính của mình không?
PGS-TS. Trịnh Hòa Bình: Tôi dám chắc là có xu hướng ngộ nhận. Song những nhà hoạt động cần hết sức thận trọng khi đưa ra những lời phát biểu về việc này. Những nhận xét mang tính phản đối, không khích lệ, thậm chí phủ nhận những người ngộ nhận giới tính thì sẽ bị cộng đồng LGBT nổi sóng phản đối.
Đặt ra vấn đề là phải chăng xã hội nhiều người đồng tính thì không phải là xã hội lành mạnh? Chúng ta không thể nói như vậy được. Bởi những người bẩm sinh, có xu hướng giới tính hết sức mạnh mẽ thì chúng ta không nên áp đặt ràng buộc họ.
Nhưng từ đây cũng đặt ra câu chuyện là xu hướng khắc phục tình trạng ngộ nhận về giới tính vẫn phải được thực hiện và chuyện này cần thực hiện từ gia đình tốt hơn là trên bình diện xã hội. Tại sao lại như vậy?
Trong xã hội hiện nay có những mối liên hệ trực tiếp với nhau không cần qua thiết chế nào cả, có hệ thống truyền thông và các phương tiện liên lạc như internet, facebook. Nếu những người có xu hướng ngộ nhận giới tính tìm đến nhau, chia sẻ với nhau thông qua các kênh tương tác khác thì cũng không thể nào cản họ được.
Xin cảm ơn ông!