Chính trị

Chánh án TANDTC: Xử tham nhũng, tiêu cực trong ngành Tòa án không có ngoại lệ

Mai Thoa 20/03/2023 11:33

Liên quan việc phòng chống tham nhũng, tiêu cực, Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình nêu rõ trong phiên chất vấn sáng 20/3, quan điểm của lãnh đạo TANDTC, tất cả các vi phạm đều phải xử lý nghiêm, không có ngoại lệ, điều này đã quán triệt trên toàn hệ thống Tòa án.

chanh-an-hoa-binh-557.jpeg
Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình trả lời chất vấn các ĐBQH. Ảnh: QH

Đại biểu Nguyễn Hữu Thông - Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Thuận chất vấn Chánh án TANDTC giải pháp nào nâng cao chất lượng xét xử. Hiện nay, các Thẩm phán có nhiều áp lực trong quá trình thực thi công vụ, kể cả mối đe dọa đến sức khỏe và tính mạng, trong khi đó chế độ đãi ngộ, bảo vệ chưa tương xứng. Chánh án TANDTC có giải pháp nào cho vấn đề này?

Đại biểu Nguyễn Tạo – Lâm Đồng cũng nêu rõ, trong những năm qua, mặc dù ngành Tòa án đã triển khai thực hiện nhiều quy định về phòng ngừa và xử lý tiêu cực, tham nhũng trong nội bộ ngành Tòa án. Tuy nhiên, thực tế cho thấy vẫn còn nhiều cán bộ, Thẩm phán vi phạm pháp luật. Theo báo cáo của TANDTC, từ năm 2021 đến nay có 106 trường hợp cán bộ, công chức ngành Tòa án đã bị xử lý kỷ luật, trong đó có 7 trường hợp tham nhũng và tiêu cực.

Đại biểu cũng chỉ ra thực trạng hiện nay, một bộ phận cán bộ, công chức, Thẩm phán ngành Tòa án nghỉ việc do áp lực công việc ngày càng tăng. Trong khi đó, công tác tuyển dụng biên chế ngành Tòa án còn gặp nhiều khó khăn và bất cập. Do đó, đại biểu đề nghị Chánh án cho biết, trách nhiệm của mình về các nội dung trên, đồng thời làm rõ những giải pháp căn cơ về công tác đấu tranh, phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực; các giải pháp đồng bộ để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đầu vào của ngành Tòa án trong thời gian tới?

Trước khi đi vào phần cụ thể đại biểu nêu, Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình cho biết: Về việc các vụ việc, vụ án quá thời hạn là do nguyên nhân chủ quan, nguyên nhân chủ quan là do áp lực công việc quá lớn, phải giải quyết khối lượng công việc gấp đôi quy định, làm ảnh hưởng đến tiến độ giải quyết các vụ án. Tuy nhiên, tình trạng này đang từng bước được khắc phục, giảm thiểu. Một số nguyên nhân chủ quan khác là về năng lực, trách nhiệm của các Thẩm phán, hoặc do các yếu tố chủ quan khác, ngành Tòa án sẽ tiếp tục khắc phục các nguyên nhân này trong thời gian tới.

Liên quan câu hỏi của đại biểu Tạo về phòng ngừa tiêu cực của cán bộ Tòa án thế nào, Chánh án Nguyễn Hòa Bình cho biết, từ năm 2021 đến nay, số lượng cán bộ Tòa án bị xử lý kỷ luật, cả xử lý hình sự là hơn 100 vụ.

Quan điểm của lãnh đạo TANDTC, tất cả các vi phạm đều phải xử lý nghiêm, không có ngoại lệ, điều này đã quán triệt trên toàn hệ thống Tòa án, không bao che.

Để phòng ngừa tình trạng này, TANDTC đã tăng cường kiểm tra thường xuyên, đây cũng là công việc hàng năm được thực hiện rất nghiêm túc. Cùng với đó là tăng cường giáo dục đạo đức công vụ cho Thẩm phán, cán bộ Tòa án. TANDTC đã ban hành Bộ quy tắc đạo đức Thẩm phán đã được giảng dạy trong Học viện Tòa án. Những trường hợp vi phạm bị phát hiện, chuyển cho cơ quan chức năng, thanh tra, điều tra xử lý theo quy định của pháp luật, không bao che, Chánh án Nguyễn Hòa Bình khẳng định.

200320230959-nguyen-tao-lam-dong.jpg
Đại biểu Nguyễn Tạo- Lâm Đồng chất vấn Chánh án TANDTC.

Chánh án Nguyễn Hòa Bình cũng cho hay, TANDTC cũng đã ban hành Quyết định số 120 về xử lý vi phạm của Thẩm phán với những quy định rất nghiêm khắc. Ví dụ như quy định Quốc hội cho phép hệ thống Tòa án được hủy sửa tỷ lệ 1,5%, nhưng quyết định 120 chỉ cho là 1,16%, thấp hơn Quốc hội cho phép. Nếu ai vượt quá cũng không được tái bổ nhiệm.

Để tăng cường kỷ luật, kỷ cương công vụ; phòng ngừa và xử lý tham nhũng tiêu cực, trong những năm qua, TANDTC đã ban hành và chỉ đạo triển khai thực hiện nhiều quy định về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong nội bộ. Công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, công tác thanh tra, kiểm tra việc thực thi công vụ của cán bộ, công chức được quan tâm, chỉ đạo thực hiện quyết liệt, thường xuyên, nghiêm túc theo quy định của pháp luật.

Việc xử lý các hành vi vi phạm của cán bộ, công chức đảm bảo kịp thời, nghiêm minh, nhất là những hành vi nhũng nhiễu, tham nhũng trong khi thi hành nhiệm vụ. Đổi mới, đa dạng hình thức và nội dung thanh tra, tập trung vào những lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực như: việc chấp hành pháp luật về tuyển dụng, điều động, luân chuyển, bổ nhiệm; việc công khai minh bạch tài chính, tinh thần thái độ phục vụ nhân dân...

TANDTC đã chỉ đạo nêu cao trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác bảo vệ người phát hiện, tố giác, người đấu tranh phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện nhiệm vụ của cấp dưới; đồng thời, phải chịu trách nhiệm nếu buông lỏng lãnh đạo, quản lý, không làm hết thẩm quyền, để xảy ra tình trạng tham nhũng tại đơn vị. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chánh án TANDTC: Xử tham nhũng, tiêu cực trong ngành Tòa án không có ngoại lệ