Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình vừa có Báo cáo số 25 gửi đến UBTVQH về một số nội dung liên quan đến nhóm vấn đề chất vấn tại Phiên họp thứ 21 diễn ra tới đây.
Theo đó, có 04 nhóm vấn đề chất vấn và trả lời chất vấn được TANDTC gửi đến các đại biểu. Đây cũng là những nội dung mà cử tri và nhân dân quan tâm đối với hoạt động của Tòa án.
Gần 2,5 triệu vụ án được xét xử và 14 giải pháp “kim chỉ nam”
Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình cho biết, để tạo sự chuyển biến căn bản, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các Tòa án mà trọng tâm là công tác giải quyết, xét xử các loại vụ án, năm 2017, lần đầu tiên hệ thống TAND tổ chức hội nghị chuyên đề về nâng cao chất lượng xét xử với thành phần tham dự bao gồm Chánh án TAND, Tòa án quân sự các cấp để thảo luận và thống nhất thông qua 14 giải pháp đột phá để nâng cao chất lượng xét xử.
Các giải pháp đột phá được đánh giá là “kim chỉ nam” để các Tòa án áp dụng trong quá trình giải quyết các vụ án như: Tăng cường công tác bảo đảm áp dụng thống nhất pháp luật; Đổi mới tổ chức phiên tòa theo tinh thần cải cách tư pháp; Nâng cao chất lượng bản án, quyết định của Tòa án; Công khai bản án, quyết định của Tòa án trên Cổng thông tin điện tử TAND; Nâng cao hiệu quả công tác hòa giải trong giải quyết các vụ án dân sự...
Từ những giải pháp quyết liệt đó, sau 5 năm, từ năm 2018 đến nay, các Tòa án đã giải quyết được gần 2.500.000 vụ án các loại. So với cùng kỳ 5 năm trước, số lượng án mà các Tòa án phải giải quyết và đã giải quyết được tăng 487.903 vụ.
Mặc dù số lượng các loại vụ án phải thụ lý giải quyết tăng nhiều và có tính chất ngày càng phức tạp nhưng theo đánh giá của TANDTC, để có kết quả đó các Tòa án đã chủ động triển khai thực hiện tốt 14 giải pháp đột phá để nâng cao chất lượng xét xử nêu trên. Đặc biệt, năm 2022, số lượng các loại vụ việc thụ lý tăng 29.944 vụ so với năm trước nhưng các Tòa án đã giải quyết đạt tỷ lệ 88,9%, cao hơn năm trước 7,7%. Hầu hết các vụ việc được giải quyết trong thời hạn quy định của pháp luật.
Chất lượng giải quyết, xét xử các vụ án tiếp tục được nâng lên, tỷ lệ các bản án quyết định bị hủy, sửa do nguyên nhân chủ quan được hạn chế ở mức thấp (dưới 1,5%), đáp ứng được yêu cầu mà Nghị quyết Quốc hội đề ra.
Công tác xét xử các vụ án hành chính cũng rất khả quan. Với việc triển khai đồng bộ nhiều giải pháp đột phá, nên năm 2022 các Tòa án xét xử vượt 12,6% so với chỉ tiêu theo Nghị quyết Quốc hội.
Cũng trong 5 năm qua có 12.244 vụ án hình sự về kinh tế, tham nhũng được đưa ra xét xử, riêng năm 2022 là 2.926 vụ. Việc giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm trong năm 2022 cũng đạt tỷ lệ 62,4%; vượt 2,4% so với chỉ tiêu theo yêu cầu của Quốc hội.
Các Tòa án đã áp dụng hình phạt nghiêm khắc đối với người chủ mưu, cầm đầu, lợi dụng chức vụ chiếm đoạt tài sản lớn của Nhà nước; đồng thời, chú trọng quyết định tịch thu tài sản do phạm tội mà có, áp dụng các biện pháp kê biên tài sản, các biện pháp tư pháp và các hình phạt bổ sung nhằm đảm bảo thu hồi tài sản của Nhà nước đã bị chiếm đoạt hoặc thiệt hại.
Đã xử lý nghiêm các vụ án, nhất là những vụ án gây ra thiệt hại đặc biệt lớn, được dư luận xã hội rất quan tâm; đồng thời chú trọng tuyên thu hồi tiền, tài sản đối với các bị cáo trong các vụ án kinh tế, tham nhũng.
Để nâng cao chất lượng giải quyết các vụ án hơn nữa, Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình cho biết, bên cạnh 14 giải pháp nêu trên; các Tòa án cần tập trung khắc phục bằng được các tồn tại, hạn chế đã được chỉ ra; giải quyết kịp thời các khó khăn, vướng mắc phát sinh trong thực tiễn hoạt động; đồng thời phát triển, hoàn thiện theo hướng nâng cao yêu cầu, chất lượng đối với một số giải pháp cho phù hợp với tình hình mới. TANDTC bổ sung thêm 03 giải pháp để các Tòa án thực hiện trong thời gian tới, gồm:
Triển khai thực hiện nghiêm túc các nhiệm vụ về Cải cách Tư pháp theo Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 9/11/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới; Triển khai thi hành có hiệu quả Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án, góp phần làm giảm áp lực về công việc cho các Tòa án; Tăng cường kỷ cương, kỷ luật; nâng cao đạo đức công vụ của cán bộ, công chức, người lao động Tòa án.
Bồi dưỡng nâng cao chất lượng cán bộ và siết chặt kỷ cương công vụ
Nhóm vấn đề thứ 2 được Chánh án TANDTC đề cập đến trong báo cáo gửi đến phiên chất vấn là công tác cán bộ của Tòa án và giải pháp nâng cao năng lực, trình độ, bản lĩnh, trách nhiệm của Thẩm phán.
Theo đó, thời gian qua, Ban cán sự đảng TANDTC đặc biệt quan tâm đến chất lượng đội ngũ cán bộ trong hệ thống Tòa án. Đội ngũ cán bộ, công chức, nhất là công chức có chức danh tư pháp tiếp tục được kiện toàn, bổ sung về số lượng và nâng cao về chất lượng.
Tính đến 31/12/2022, hệ thống Tòa án có 13.339 người. Trình độ chuyên môn, có 4 Phó giáo sư; 54 Tiến sỹ, 2.494 Thạc sỹ, 10.567 cử nhân và 220 trình độ khác.
Có 2.329 người có trình độ cao cấp hoặc cử nhân, 4.272 người có trình độ trung cấp chính trị. Công tác cán bộ được tuân thủ đúng quy định, nguyên tắc của Đảng, pháp luật của Nhà nước; thể chế hóa kịp thời các quy định mới của Trung ương về công tác cán bộ.
Ban cán sự đảng TANDTC cũng đã ban hành một số quy định, quy chế về công tác cán bộ để thực hiện trong toàn hệ thống TAND.
Để tăng cường kỷ luật, kỷ cương công vụ; phòng ngừa và xử lý tham nhũng tiêu cực, trong những năm qua, TANDTC đã ban hành và chỉ đạo triển khai thưc hiện nhiều quy định về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong nội bộ.
Công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, công tác thanh tra, kiểm tra việc thực thi công vụ của cán bộ, công chức được quan tâm, chỉ đạo thực hiện quyết liệt, thường xuyên, nghiêm túc theo quy định của pháp luật; việc xử lý các hành vi vi phạm của cán bộ, công chức đảm bảo kịp thời, nghiêm minh, nhất là những hành vi nhũng nhiễu, tham nhũng trong khi thi hành nhiệm vụ.
Đặc biệt, TANDTC đã chỉ đạo nêu cao trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác bảo vệ người phát hiện, tố giác, người đấu tranh phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện nhiệm vụ của cấp dưới; đồng thời, phải chịu trách nhiệm nếu buông lỏng lãnh đạo, quản lý, không làm hết thẩm quyền để xảy ra tình trạng tham nhũng tại đơn vị.
Trong thời gian tới, bên cạnh việc tăng cường kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng, siết chặt kỷ luật, kỷ cương; xây dựng đội ngũ cán bộ có đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ trong tình hình mới; Tiếp tục kiện toàn tổ chức bộ máy, cán bộ, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của các cơ quan, đơn vị có chức năng phòng, chống tham nhũng.
TANDTC cũng đề ra nhóm các giải pháp đặc thù trong Tòa án, đó là: đẩy mạnh, nâng cao hiệu quả công tác giáo dục, nâng cao nhận thức, trách nhiệm, kiên trì xây dựng văn hóa tiết kiệm, liêm chính, không tham nhũng, tiêu cực trong đội ngũ cán bộ. Đề cao sự gương mẫu của người đứng đầu và tập thể lãnh đạo TAND các cấp trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Cùng với đó là tăng cường kiểm tra, giám sát, siết chặt kỷ luật, kỷ cương; chú trọng kiểm tra, giám sát cán bộ có biểu hiện tham nhũng, dư luận xã hội phản ánh, tố cáo; xử lý nghiêm đối với công chức có hành vi tham nhũng, tiêu cực.
5.404 vụ án được xét xử trực tuyến
Nhóm vấn đề thứ 3 mà Chánh án TANDTC gửi đến phiên chất vấn là báo cáo về tình hình triển khai thi hành Nghị quyết số 33/2021/QH15 của Quốc hội về tổ chức phiên tòa trực tuyến.
Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình cho biết, ngay sau khi Quốc hội thông qua Nghị quyết số 33/2021/QH15, TANDTC đã chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan ban hành Thông tư liên tịch số 05/2021/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BCA-BQP-BTP để phối hợp thực hiện, và ban hành các văn bản hướng dẫn, tổ chức thực hiện.
Tính đến hết tháng 2/2023, có tổng cộng 647 Tòa án (3 TAND cấp cao; 63 TAND cấp tỉnh và 581 TAND cấp huyện) đã tổ chức xét xử trực tuyến đối với 5.404 vụ án các loại.
Việc triển khai thực hiện nghị quyết của Quốc hội, bước đầu đạt kết quả khả quan. Tuy nhiên, công tác này hiện nay gặp không ít các khó khăn do TAND chưa được đầu tư, lắp đặt trang thiết bị phục vụ xét xử trực tuyến đồng bộ.
Các thiết bị đang sử dụng phục vụ cho xét xử trực tuyến chủ yếu tận dụng các trang thiết bị họp trực tuyến để phục vụ xét xử nên chất lượng hình ảnh, âm thanh và phần hiển thị hình ảnh chưa đạt yêu cầu theo quy định; một số Tòa án thuê thiết bị để phục vụ xét xử rất tốn kém, trong khi đó kinh phí cho nội dung này không được bố trí nguồn.
Bên cạnh đó, mặc dù các đơn vị liên quan đã tích cực phối hợp với các Tòa án trong việc tổ chức các phiên tòa trực tuyến, tuy nhiên, phần lớn các cơ sở giam giữ chưa được cơ quan chủ quản trang bị, lắp đặt thiết bị xét xử trực tuyến nên khi tổ chức xét xử trực tuyến các vụ án hình sự Tòa án cũng phải chủ động phối hợp với cơ sở giam giữ mượn hoặc thuê thiết bị phục vụ xét xử trực tuyến.
Về lâu dài, để bảo đảm hoạt động xét xử trực tuyến chuyên nghiệp, thực sự mang lại lợi ích cho Tòa án và xã hội, TANDTC cũng đề nghị Quốc hội, UBTVQH quan tâm đến việc đầu tư nguồn lực, trang thiết bị cho công tác này.
Một số kết quả xây dựng Luật, Pháp lệnh
Nhóm vấn đề cuối cùng mà Chánh án TANDTC báo cáo UBTVQH là nội dung về công tác tổng kết thực tiễn xét xử; hướng dẫn áp dụng thống nhất pháp luật và phát triển án lệ.
Kết quả công tác cho thấy, thời gian qua việc tổng kết thực tiễn xét xử tiếp tục được tăng cường cả về phương thức thực hiện cũng như chất lượng. Cùng với việc triển khai nhiều giải pháp, công tác tổng kết thực tiễn xét xử đã đạt được nhiều kết quả tích cực.
TANDTC đổi mới, đa dạng hình thức tiếp nhận phản ánh của các Tòa án về vướng mắc trong thực tiễn xét xử, gồm: thông qua thư điện tử; ghi nhận, tổng hợp các vướng mắc trong xét xử của các Tòa án.
Thông qua đó, đã nghiên cứu, giải đáp được nhiều vướng mắc bằng nhiều hình thức như: giải đáp nghiệp vụ trực tuyến; tổ chức các lớp tập huấn; tăng cường tổ chức các buổi đối thoại của Hội đồng Thẩm phán TANDTC với Thẩm phán Tòa án các cấp.
TANDTC cũng rất chú trọng đến công tác xây dựng pháp luật và hướng dẫn áp dụng thống nhất pháp luật.
Theo đó, TANDTC chủ trì nghiên cứu xây dựng và trình Quốc hội thông qua 1 Bộ luật; 3 Luật; trình UBTVQH thông qua 1 Nghị quyết và 3 Pháp lệnh.
Hội đồng Thẩm phán TANDTC đã ban hành 32 Nghị quyết hướng dẫn. TANDTC chủ trì và phối hợp với các cơ quan liên ngành ban hành 39 Thông tư và Thông tư liên tịch.
Cùng với đó, để giải đáp vướng mắc chuyên môn nghiệp vụ, TANDTC đã ban hành hơn 500 câu giải đáp các vướng mắc về hình sự, hành chính, dân sự trong thực tiễn xét xử và nhiều Công văn trao đổi về nghiệp vụ. Học viện Tòa án đã tổ chức hàng trăm khóa bồi dưỡng nghiệp vụ cho Thẩm phán Tòa án các cấp.
Hàng tháng, TANDTC đều tổ chức các buổi tập huấn trực tuyến cho các Thẩm phán, Thư ký, cán bộ Tòa án trong toàn hệ thống để nâng cao kỹ năng xét xử, giải quyết các vụ việc. Giảng viên sẽ là các Thẩm phán TANDTC, các chuyên gia trong nước và quốc tế về một số lĩnh vực pháp luật cụ thể.