Để đạt mục tiêu 3.000 km đường bộ cao tốc trong năm 2025, Thường trực Chính phủ yêu cầu các địa phương phải huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc để hoàn thành dứt điểm công tác giải phóng mặt bằng và cung cấp vật liệu, không để liên tục "trượt" tiến độ hoàn thành theo cam kết.
Vận dụng linh hoạt các chính sách, không để người dân thiệt thòi
Văn phòng Chính phủ vừa có Thông báo số 168/TB-VPCP kết luận của Thường trực Chính phủ về kết quả kiểm tra, đôn đốc của các Đoàn kiểm tra rà soát, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc liên quan đến các dự án giao thông trọng điểm có kế hoạch hoàn thành năm 2025 để đạt mục tiêu 3.000 km đường bộ cao tốc.
Theo đó, để đạt mục tiêu 3.000 km đường bộ cao tốc, Thủ tướng Chính phủ đã thành lập 7 Đoàn Kiểm tra rà soát, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc liên quan đến các dự án giao thông trọng điểm có kế hoạch hoàn thành năm 2025. Qua kết quả của 7 Đoàn kiểm tra của các Phó Thủ tướng Chính phủ, các dự án đã có chuyển biến tích cực hơn.
Thường trực Chính phủ yêu cầu Bộ Xây dựng và các bộ, ngành có liên quan cử 1 Thứ trưởng phụ trách từng dự án, chủ động, kịp thời đi kiểm tra, giải quyết các vướng mắc.
Các bộ, địa phương, nhà thầu xử lý ngay các ách tắc, có biện pháp giải quyết phù hợp; kịp thời báo cáo cấp có thẩm quyền giải quyết các vướng mắc vượt thẩm quyền; tất cả vì lợi ích quốc gia, dân tộc; coi trọng công tác chống lãng phí, tham nhũng, tiêu cực trong quá trình tổ chức thực hiện.
Các địa phương phải huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc để hoàn thành dứt điểm công tác giải phóng mặt bằng và cung cấp vật liệu, không để liên tục "trượt" tiến độ hoàn thành theo cam kết và xác định đây là tiêu chí để đánh giá cán bộ.
Khi thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cần vận dụng linh hoạt các chính sách không để người dân thiệt thòi, bảo đảm nơi ở mới phải tốt hơn hoặc bằng nơi ở cũ; quan tâm đến sinh kế của người dân; những đối tượng đặc biệt phải có chính sách đặc biệt; mục tiêu cuối cùng là bảo đảm cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho nhân dân theo đúng chủ trương của Đảng và nhà nước.
Xác định rõ đường "găng", tăng cường nhân lực, máy móc thiết bị thi công
Về nhóm các dự án còn gặp nhiều khó khăn, tiến độ chưa đáp ứng kế hoạch đề ra, Thường trực Chính phủ yêu cầu các địa phương, chủ đầu tư khẩn trương phối hợp xử lý các vướng mắc về công tác giải phóng mặt bằng, di dời hạ tầng kỹ thuật và nâng công suất mỏ vật liệu.
Các chủ đầu tư, tư vấn, các nhà thầu cập nhật lại tiến độ thi công, xác định rõ đường "găng" ; tăng cường nhân lực, máy móc thiết bị thi công, nguồn lực tài chính để tổ chức thi công 3 ca 4 kíp đảm bảo hoàn thành các dự án vào năm 2025 theo đúng kế hoạch đề ra, với các nhiệm vụ cụ thể sau:
Các tỉnh khối lượng GPMB còn nhiều như Đồng Nai (Biên Hòa - Vũng Tàu), Khánh Hòa (Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột), Tuyên Quang (Tuyên Quang - Hà Giang), Bình Dương (Vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh), Quảng Trị (Vạn Ninh - Cam Lộ) tập trung chỉ đạo hoàn thành trước ngày 15/4 và không được lùi tiến độ.
Các tỉnh Đồng Nai, Khánh Hòa, Đắk Lắk, Lạng Sơn, Bình Dương, Long An phối hợp với Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) để hoàn thành di dời đường điện cao thế, không làm ảnh hưởng đến tiến độ thi công.
Thành phố Đà Nẵng (dự án Hòa Liên - Túy Loan) và tỉnh Hà Giang (dự án Tuyên Quang - Hà Giang) đẩy nhanh thủ tục cấp phép, nâng công suất các mỏ đá, hoàn thành chậm nhất trước ngày 15/4.
Tỉnh Long An (Vành đai 3 thành phố Hồ Chí Minh) đẩy nhanh tiến độ triển khai nút giao với cao tốc Bến Lức - Long Thành để bảo đảm khai thác đồng bộ 20km dự án Bến Lức - Long Thành vào dịp 30/4/2025 (dự kiến ngày 19/4/2025).
Tỉnh Tuyên Quang, Hà Giang (dự án Tuyên Quang - Hà Giang), Đồng Tháp (dự án Cao Lãnh - An Hữu) chủ động phối hợp với Bộ Tài chính trong việc bổ sung nguồn vốn cho dự án để hoàn thành trong năm 2025.
Tỉnh Lạng Sơn (Hữu Nghị - Chi Lăng) và Cao Bằng (Đồng Đăng - Trà Lĩnh) chỉ đạo các nhà đầu tư, quyết liệt triển khai để bảo đảm hoàn thành trong năm 2025.
Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương (dự án Vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh), Đồng Tháp (An Hữu - Cao Lãnh), Tuyên Quang (Tuyên Quang - Hà Giang) rà soát lại tiến độ, chủ động về nguồn vật liệu, có các giải pháp xử lý kỹ thuật phù hợp, hiệu quả, không lùi tiến độ hoàn thành dự án; chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về kết quả thực hiện.
Các địa phương phối hợp với Chủ đầu tư xác nhận thực trạng hư hỏng của nhà dân do ảnh hưởng của thi công để chi trả bồi thường đảm bảo quyền lợi chính đáng của nhân dân, tuân thủ quy định, tránh để xảy ra khiếu nại, khiếu kiện gây mất an ninh trật tự khu vực. Bên cạnh đó, xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật đối với các đối tượng chống đối gây mất trật tự an ninh.