Chính trị

Chánh án TANDTC: Cân nhắc việc đưa hết các khiếu kiện đất đai sang Tòa án 

Mai Thoa 20/03/2023 10:32

Trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn UBTVQH sáng nay (20/3), Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình đề nghị cân nhắc, không đưa hết các khiếu kiện đất đai sang Tòa án trong dự án Luật Đất đai (sửa đổi).

200320230816-z4195743455940_c7a1819790d63041f4cfc0da205896b3.jpg

Quang cảnh phiên chất vấn, trả lời chất vấn sáng 20/3

Mở đầu phiên chất vấn, Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình cho biết, thời gian qua, hệ thống Tòa án các cấp đã thực hiện nghiêm túc và hiệu quả các Nghị quyết của Quốc hội, Nghị quyết, kết luận của UBTVQH về công tác tư pháp. Điều này đã được thể hiện đầy đủ trong báo cáo Quốc hội hàng năm của TANDTC, và đã được Quốc hội thẩm định, thảo luận nhiều lần.

Với tinh thần cầu thị, tiếp thu ý kiến của cử tri, ý kiến chất vấn của ĐBQH, các Tòa án liên tục đổi mới, đề ra nhiều giải pháp quyết liệt và đột phá để thực hiện nhiệm vụ chính trị, kế hoạch, chương trình công tác, nên công tác của các Tòa án trong những năm gần đây đã có nhiều chuyển biến rất tích cực.

Thực hiện Kế hoạch số 249 ngày 3/3/2022 của UBTVQH về hoạt động chất vấn tại phiên họp thứ 21, Chánh án TANDTC đã có Báo cáo số 25/BC-TA gửi tới ĐBQH. Theo đó, báo cáo nêu rõ những kết quả đạt được, các tồn tại, hạn chế, giải pháp khắc phục theo 4 nội dung yêu cầu chất vấn Chủ tịch Quốc hội đã quán triệt.

Thay mặt lãnh đạo Hội đồng Thẩm phán TANDTC, Chánh án Nguyễn Hòa Bình mong muốn tiếp tục nhận được nhiều hơn nữa những đóng góp ý kiến của các ĐBQH, Đoàn ĐBQH, cử tri cả nước đối với công tác Tòa án, để giúp tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động trong thời gian tới.

Trả lời câu hỏi của đại biểu về nguyên nhân tỷ lệ án hành chính xét xử không cao, bị hủy sửa nhiều, Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình cho biết: Vẫn còn một số tình trạng như án hành chính chưa được thực thi, hoặc thực thi không nghiêm túc, vẫn còn tình trạng nể nang…, nhưng số lượng không nhiều. Chánh án Nguyễn Hòa Bình nhấn mạnh: Đại đa số các Thẩm phán trong ngành đều chấp hành nghiêm, xử lý đúng theo các quy định pháp luật.

Theo Chánh án, một số tồn tại, hạn chế như các đại biểu đã nêu xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau, như việc chuẩn bị tài liệu của các bên không đủ, làm ảnh hưởng đến chất lượng xét xử. Luật quy định UBND các cấp phải cung cấp tài liệu, tuy nhiên trong thực tế, việc cung cấp tài liệu này không đủ, không đảm bảo. Một nguyên nhân khác là sự tham gia của chính quyền các cấp trong các phiên tòa hành chính còn rất hạn chế.

Chánh án TANDTC cho biết, việc nể nang không phải nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này, mà do sự tham gia chính quyền các cấp vào các phiên tòa rất hạn chế. Tỷ lệ án hành chính bị hủy, sửa còn cao do các tranh chấp phát sinh có xu hướng tăng về số lượng và chủ yếu liên quan đến đất đai rất phức tạp. Việc đánh giá chứng cứ, áp dụng pháp luật trong một số vụ án gặp nhiều khó khăn, vướng mắc.

Vẫn còn tình trạng UBND, Chủ tịch UBND (hoặc người đại diện) không chấp hành nghiêm quy định của Luật Tố tụng hành chính, nhiều vụ án UBND, Chủ tịch UBND cung cấp tài liệu, chứng cứ không đầy đủ hoặc không đúng thời hạn theo yêu cầu của Tòa án. Có vụ việc không cung cấp chứng cứ dẫn đến thời gian giải quyết vụ án bị kéo dài. Nhiều vụ án, Chủ tịch UBND (hoặc người đại diện) có đơn xin giải quyết, xét xử vắng mặt, thậm chí có trường hợp vắng mặt tại các phiên đối thoại hoặc các phiên tòa nhưng không có đơn xin phép vắng mặt, dẫn đến Tòa án phải hoãn phiên tòa, gây khó khăn cho Tòa án trong công tác xét xử, gây bức xúc cho người khởi kiện.

Cũng theo Chánh án TANDTC, trong dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đang đề xuất đưa các tranh chấp đất đai sang Tòa án giải quyết, Chánh án TANDTC cho rằng, nếu đưa hết khiếu kiện sang Tòa án là đã giới hạn lựa chọn của người dân, trong khi đó, nếu có lựa chọn cho UBND giải quyết thì nhiều trường hợp sẽ đảm bảo được yêu cầu về tiến độ giải quyết hơn. Chánh án TANDTC đề nghị cân nhắc, không đưa hết các khiếu kiện đất đai sang Tòa án trong dự án Luật Đất đai (sửa đổi).

chanh-an.jpg
Chánh án TANDTC: Nếu đưa hết khiếu kiện sang Tòa án là đã giới hạn lựa chọn của người dân

Chánh án Nguyễn Hòa Bình nêu rõ, để tiếp tục nâng cao chất lượng xét xử, giải quyết các loại vụ án, tháng 02/2023 vừa qua, TAND đã tổ chức hội nghị với thành phần tham dự gồm Chánh án Tòa án 04 cấp để tiếp tục rà soát, bổ sung thêm các giải pháp nâng cao chất lượng xét xử đáp ứng yêu cầu trong giai đoạn mới. Trên cơ sở tổng kết 05 năm thực hiện 14 giải pháp đột phá để nâng cao chất lượng xét xử và căn cứ vào nhiệm vụ của các Tòa án trong thời gian tới, hội nghị đã thống nhất các giải pháp để nâng cao chất lượng giải quyết, xét xử của các Tòa án trong thời gian tới.

Cùng với đó, tiếp tục duy trì và thực hiện tốt 14 giải pháp đột phá để nâng cao chất lượng xét xử đang được thực hiện. Theo đó, các Tòa án cần tập trung khắc phục bằng được các tồn tại, hạn chế đã được chỉ ra; giải quyết kịp thời các khó khăn, vướng mắc phát sinh trong thực tiễn hoạt động; đồng thời phát triển, hoàn thiện theo hướng nâng cao yêu cầu, chất lượng đối với một số giải pháp cho phù hợp với tình hình mới.

Chánh án TANDTC cũng cho biết, có nhiều giải pháp khắc phục tình trạng này, trong đó có việc triển khai thực hiện Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án; tập trung nâng cao chất lượng đối thoại trong các vụ án hành chính; triển khai thí điểm đối thoại trực tuyến; tăng cường tổ chức xét xử trực tuyến theo Nghị quyết số 33 của Quốc hội về tổ chức phiên tòa trực tuyến; đề xuất thành lập Tòa chuyên biệt sơ thẩm hành chính.

Về tư pháp người chưa thành niên, Chánh án Nguyễn Hòa Bình thông tin: TANDTC đang trình một dự án luật về nội dung này; hồ sơ đang được chuẩn bị tương đối đầy đủ. Theo Chánh án TANDTC, trên thế giới có luật chuyên biệt về vấn đề này, do đó, việc xây dựng đạo luật riêng thể hiện cam kết của chúng ta là 1 trong 2 quốc gia ở châu Á thực hiện các cam kết về bảo vệ trẻ em. Điều này thể hiện sự nhân ái, nhân đạo đối với trẻ em.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chánh án TANDTC: Cân nhắc việc đưa hết các khiếu kiện đất đai sang Tòa án