Chánh án TANDTC Trương Hòa Bình làm việc với TAND tỉnh Bến Tre

16/12/2013 09:41
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Đoàn công tác TANDTC do Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án TANDTC Trương Hòa Bình làm Trưởng đoàn vừa có buổi làm việc với tỉnh Bến Tre về kết quả công tác 8 năm thực hiện NQ 49 của Bộ Chính trị và kết quả công tác năm 2013 của ngành TAND tỉnh Bến Tre.

Về phía địa phương, tham dự buổi làm việc có ông Nguyễn Thành Phong, Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre cùng lãnh đạo HĐND và các ban, ngành khối nội chính tỉnh Bến Tre, lãnh đạo ngành TAND tỉnh Bến Tre.

Tại buổi làm việc, Thẩm phán Trịnh Thị Thanh Bình, Chánh án TAND tỉnh Bến Tre báo cáo kết quả 8 năm thực hiện Nghị quyết số 49/NQ-TW của Bộ Chính trị về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020. Theo đó, ngành TAND tỉnh Bến Tre đã có nhiều chuyển biến đáng kể về tổ chức và hoạt động, đã khắc phục được nhiều yếu kém, khó khăn, vướng mắc trước đó.

Về tổ chức hoạt động cũng như đội ngũ cán bộ của ngành TAND tỉnh Bến Tre đã có bước chuyển biến rõ nét. Đội ngũ cán bộ Thẩm phán đã phát triển nhanh cả về số lượng và chất lượng. Các đơn vị tuy vẫn còn tình trạng thiếu biên chế, thiếu Thẩm phán nhưng vẫn đảm bảo được hoạt động xét xử. Công tác tuyển dụng, bổ nhiệm, đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển, điều động được đẩy mạnh. Hiện nay, ngành TAND tỉnh Bến Tre chỉ còn thiếu 18 Thẩm phán, trong khi đó có 20 cán bộ được cử đi học nghiệp vụ Thẩm phán. Cơ bản về bộ máy hoạt động đã từng bước kiện toàn.

Về công tác xét xử, từ ngày 01/01/2006 đến ngày 31/3/2013, toàn ngành Tòa án tỉnh Bến Tre thụ lý 45.717 vụ việc án các loại, đã giải quyết 43.387 vụ việc, đạt tỷ lệ 94,9%. Từ năm 2010 đến nay, trên địa bàn không có án oan sai. Đặc biệt, năm 2013, ngành Tòa án tỉnh Bến Tre thụ lý 8.997 vụ việc các loại, so cùng kỳ tăng 1.436 vụ, đã giải quyết 7.725 vụ, so cùng kỳ giải quyết tăng 1.167 vụ, đạt tỉ lệ 85,86 %, không có án quá hạn. Giải thích số lượng án còn lại chưa giải quyết là do tạm đình chỉ chờ kết quả giải quyết từ các cơ quan khác.

Thẩm phán Trịnh Thị Thanh Bình cho rằng, yêu cầu cải cách tư pháp phải tăng cường tranh tụng tại phiên tòa nhưng quy định của Luật Tố tụng hình sự lại vẫn giữ những quy định của tố tụng xét hỏi nên Thẩm phán phải thực hiện đúng pháp luật khó phá vỡ quy định xét hỏi để thực hiện tố tụng tranh tụng hiệu quả được. Vai trò của Công tố viên trong tranh tụng còn mờ nhạt. Trong tố tụng dân sự, luật quy định nguyên tắc nghĩa vụ chứng minh thuộc về đương sự. Trên thực tế, Tòa án phải làm thay đương sự rất nhiều và là những việc khó do người dân khó tiếp cận với cơ quan quản lý nhà nước khi thu thập chứng cứ, chứng minh chứng cứ như: Giám định, định giá, đo đạc, thẩm định, yêu cầu cung cấp thông tin, qui trình cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, ủy thác. Vì vậy thời gian, chi phí tư pháp tăng cao đối với cả nhà nước cũng như người dân.

Quy trình khiếu nại giám đốc thẩm dễ dãi, tràn lan làm cho TANDTC vừa quá tải, vừa làm giảm niềm tin của công chúng vào cơ quan tư pháp. Hiện nay, việc xét xử giám đốc lại chưa đạt sự chuẩn mực thống nhất và bản án giám đốc chưa được coi là án lệ. Vì vậy, việc áp dụng pháp luật trong giải quyết những tranh chấp dân sự có liên quan đến đất đai, nhà ở, những tranh chấp hợp đồng thương mại gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc.

Tại buổi làm việc, nhiều đại biểu đã có ý kiến xung quanh chế định tranh tụng tại phiên tòa, cơ chế phối hợp giữa Tòa án và các cơ quan chức năng, vai trò của Tòa án trong hệ thống chính trị, kiến nghị sửa đổi pháp luật về tố tụng cũng như pháp luật nội dung của một số luật đã bộc lộ nhiều bất cập, không phù hợp với tinh thần Nghị quyết 49 của Bộ Chính trị và những thiết chế mới của Hiến pháp sửa đổi vừa được Quốc hội thông qua. 

Chánh án TANDTC Trương Hòa Bình làm việc với TAND tỉnh Bến Tre

Chánh án TANDTC Trương Hòa Bình phát biểu tại buổi làm việc

Phát biểu kết luận buổi làm việc, Chánh án Trương Hòa Bình đánh giá cao và biểu dương thành tích của ngành TAND tỉnh Bến Tre, đồng thời ghi nhận kết quả thực hiện Nghị quyết 49 của Bộ Chính trị của Tỉnh ủy Bến Tre đã có sự chuyển biến tích cực về nhận thức với nhiệm vụ cụ thể. Ngành Tòa án tỉnh Bến Tre từ một địa phương vừa yếu, vừa thiếu về con người cũng như cơ sở vật chất nhưng đã có những cố gắng xây dựng cơ sở vật chất, nhất là trụ sở làm việc khang trang. Đội ngũ cán bộ, Thẩm phán đảm bảo chất lượng. Dù còn thiếu 18 Thẩm phán nhưng đang có nguồn là 20. Thẩm quyền của Tòa án ngày càng tăng nên công tác cán bộ cần phải được quan tâm tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng… để đảm bảo thực hiện ngày càng tốt hơn nhiệm vụ chính trị của ngành. Thẩm phán cần lưu ý vấn đề lương tâm và trách nhiệm.

Chánh án TANDTC Trương Hòa Bình làm việc với TAND tỉnh Bến Tre

Chánh án Trương Hòa Bình đề nghị ngành Tòa án tỉnh Bến Tre tiếp tục khắc phục tình trạng án bị hủy, sửa còn cao, cố gắng kéo giảm làm sao để thực hiện tốt chỉ tiêu mà Nghị quyết 37 của Quốc hội đề ra. Chú ý quan tâm thực hiện tốt tranh tụng tại phiên tòa; đội ngũ các cơ quan tư pháp cầng tăng cường hơn theo hướng khắc phục cái yếu và thiếu trong công tác cán bộ.

Chánh án Trương Hòa Bình cho biết: Nhiệm vụ ngành Tòa án sắp tới rất nặng nề. Hiến pháp sửa đổi có nhiều nội dung rất mới, rất tiến bộ trong việc khẳng định rõ ràng, rành mạch giữa 3 quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp. Khẳng định Tòa án là cơ quan thực hiện quyền tư pháp. Xác định rõ nguyên tắc xét xử đảm bảo sự tranh tụng, đảm bảo bảo vệ tốt quyền hợp pháp của con người. Các hoạt động khác từ điều tra, truy tố đều sẽ được cụ thể hóa phù hợp quy định của Hiến pháp. Trong tương lai gần, Nhà nước sẽ nhanh chóng hoàn thiện và xây dựng nhiều luật khác liên quan đến thực hiện Hiến pháp, nhất là các luật về tổ chức và tố tụng. Chế độ chính sách đối với các cơ quan tố tụng cũng sẽ được sửa đổi gắn với tính đặc thù của từng cơ quan.

Chánh án TANDTC Trương Hòa Bình làm việc với TAND tỉnh Bến Tre

Chánh án Trương Hòa Bình tặng quà kỷ niệm cho TAND tỉnh Bến Tre

Chánh án Trương Hòa Bình dặn dò: Năm 2014 là năm tăng cường kỷ cương kỷ luật của ngành. TANDTC đang phối hợp với cơ quan chức năng xây dựng chuẩn mực, danh hiệu, tiêu chí về Thẩm phán. Về những vấn đề này, Chánh án sẽ có chỉ thị cụ thể đối với ngành.

Riêng đối với các cơ quan tư pháp tỉnh Bến Tre cần làm tốt công tác tham mưu cho cấp ủy trong thời gian tới để cấp ủy lãnh đạo tốt công tác cải cách tư pháp. Cải cách hành chính tư pháp làm sao càng gần dân, tạo điều kiện cho dân thực hiện quyền của mình. Công khai hóa quá trình tố tụng cho dân rõ, biết để thực hiện tốt nhất quyền công dân. Tiến tới công khai tất cả các bản án, trừ các bản án pháp luật quy định không được công khai. Xây dựng đội ngũ cán bộ công chức phải có đầy đủ trách nhiệm theo lời dạy của Bác Hồ: “Phải gần dân, hiểu dân, giúp dân, học dân” và “Phụng công, thủ pháp, chí công, vô tư”. Ngoài ra, Chánh án Trương Hòa Bình còn chỉ đạo một số công việc cụ thể đối với ngành TAND tỉnh Bến Tre.

Văn Vũ

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chánh án TANDTC Trương Hòa Bình làm việc với TAND tỉnh Bến Tre