Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình thăm và làm việc với TAND cấp cao tại TP.HCM

Văn Vũ – Minh Đức| 17/10/2022 20:20
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Sáng 17/10, Đoàn công tác TANDTC do đồng chí Nguyễn Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án TANDTC làm Trưởng đoàn đã đến thăm và làm việc với TAND cấp cao tại TP.HCM.

chanh_an_nguyen_hoabinh_tham_tanc-cap-cao(1).jpg
Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình phát biểu tại buổi làm việc với TAND cấp cao tại TP.HCM

Phát biểu chỉ đạo, Chánh án Nguyễn Hòa Bình cho biết, Ban cán sự đảng, lãnh đạo TANDTC thường xuyên theo dõi hoạt động xét xử của TAND cấp cao tại TP.HCM. Trước tình hình tội phạm, tranh chấp khu vực phía Nam xảy ra ngày càng nhiều, tinh vi và phức tạp, công tác xét xử của TAND cấp cao tại TP.HCM ngày càng gặp nhiều khó khăn hơn. Vì vậy, ngoài báo cáo chung của lãnh đạo TAND cấp cao tại TP.HCM, các Thẩm phán cần có ý kiến đóng góp nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác xét xử.

Báo cáo tại buổi làm việc, ông Trần Văn Châu, Chánh án TAND cấp cao tại TP.HCM cho biết, năm 2022, diễn biến dịch Covid-19 trong nước cơ bản đã được kiểm soát, tình hình tổ chức xét xử và các hoạt động của TAND cấp cao tại TP.HCM cũng đã được triển khai khẩn trương phù hợp với tình hình mới.

Mặc dù đơn vị còn gặp nhiều khó khăn nhưng với tinh thần quyết tâm và nỗ lực phấn đấu của Đảng ủy, Ban lãnh đạo và toàn thể công chức, người lao động của TAND cấp cao tại TP.HCM đã đã đạt được những kết quả khả quan như sau:

Năm 2022, TAND cấp cao tại TP.HCM đã thụ lý: 3.783 vụ việc các loại, trong đó 1.498 vụ năm 2021 chuyển sang và 2.285 vụ mới thụ lý, tăng 532 vụ so với năm 2021 (3.251 vụ); Đã giải quyết: 3.038 vụ, tăng 1.285 vụ so với năm 2021 (1.753 vụ). Tỷ lệ giải quyết đạt 80,31%, tăng 26,39% so với năm 2021 (53,92%). Còn lại: 745 vụ việc các loại, giảm 753 vụ so với năm 2021 (1.498 vụ).

pho-chanh-an-tandtc-nguyen-van-du-phat-bieu-tai-hoi-nghi.jpg
Phó Chánh án TANDTC Nguyễn Văn Du phát biểu tại buổi làm việc

Năm 2022, đơn vị đã liên tục nỗ lực, tăng tốc ngay từ những tháng đầu năm nhằm kéo giảm số lượng án tồn, nâng cao tỉ lệ giải quyết. Cụ thể, số lượng án thụ lý năm 2022 tăng nhiều so với năm 2021 (tăng 532 vụ) nhưng tỉ lệ giải quyết có sự bứt phá mạnh mẽ, tăng cao hơn so với năm 2021 (tăng 26,39% so với năm 2021 và tăng 7,11% so với năm 2020), nhất là tỉ lệ giải quyết án hành chính đạt 83,92% vượt cao so với chỉ tiêu được giao (65%). Trung bình mỗi Thẩm phán giải quyết 6,5 vụ/ tháng.

Chất lượng giải quyết án được cải thiện, công tác xét xử án hình sự đảm bảo đúng người, đúng tội, đúng pháp luật; không để xảy ra tình trạng oan sai; công tác xét xử án dân sự, hôn nhân gia đình, kinh doanh thương mại, lao động và hành chính về cơ bản đảm bảo đúng quy định pháp luật về tố tụng và nội dung.

Về việc công khai bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật: Năm 2022, đơn vị đã công khai 1.831 bản án, quyết định các loại (giảm 45 vụ so với năm 2021).

quang-canh-hoi-nghi(2).jpg
Quang cảnh buổi làm việc

Về việc tổ chức phiên tòa rút kinh nghiệm: Trong năm, đơn vị đã tổ chức được 56 phiên tòa rút kinh nghiệm/44 Thẩm phán (tăng 46 vụ so vói năm 2021, tăng 15 vụ so với năm 2020). Các Tòa chuyên trách chủ động xây dựng kế hoạch xét xử các phiên tòa rút kinh nghiệm ngay từ những tháng đầu năm. Sau mỗi phiên tòa rút kinh nghiệm, các Thẩm phán, Thư ký đều tham gia thảo luận, phân tích những điểm tích cực và những mặt hạn chế, thiếu sót khi xét xử nhằm nâng cao hơn trách nhiệm cũng như chất lượng bản án của Hội đồng xét xử.

Tổ chức xét xử trực tuyến: Năm 2022, tuy còn nhiều khó khăn về hạ tầng kỹ thuật và chưa có kinh nghiệm thực tiễn nhưng đơn vị đã nỗ lực khắc phục, thông qua việc phối hợp với Tòa án địa phương và các cơ quan hữu quan tổ chức xét xử trực tuyến được 14 vụ án (06 vụ án hình sự và 08 vụ án hành chính). Công tác xét xử đúng quy định pháp luật, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự.

Triển khai phần mềm Trợ lý ảo: Đơn vị đã linh hoạt tổ chức riêng nhiều đợt hỗ trợ các Thẩm phán cài đặt và sử dụng phần mềm Trợ lý ảo vào điện thoại, máy tính bảng và máy tính bàn. Kết quả 100% các Thẩm phán đã cài đặt và sử dụng phần mềm. Tuy nhiên, do còn chưa quen thuộc với phần mềm, số lượng Thẩm phán truy cập sử dụng còn chưa cao. Trong năm 2023, đơn vị sẽ tiếp tục triển khai tích cực để các Thẩm phán, Thẩm tra viên và Thư ký nghiệp vụ đều có thể tiếp cận, sử dụng phần mềm đạt hiệu quả hơn.

Công tác tổ chức cán bộ luôn được quan tâm, và báo cáo đề xuất kịp thời về Tòa án nhân dân tối cao xem xét tuyển dụng, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại đã hoàn thiện cơ bản tổ chức bộ máy của đơn vị. Tuy nhiên, đến nay đơn vị luôn thiếu biên chế, một phần do lương thấp, vị trí đặt trụ sở xa trung tâm nên khó thu hút, bố trí công việc ở một số nhân sự công nghệ thông tin, văn thư, lưu trữ...

Năm 2022, Ban lãnh đạo TAND cấp cao tại TP.HCM đã tập trung cải tiến, sắp xếp bố trí lại công việc của các bộ phận tham mưu giúp việc của Văn phòng đảm bảo hoạt động hiệu quả hơn như: Tổ chức lại hệ thống hành chính tư pháp “một cửa” tại Văn phòng do Phòng Hành chính tư pháp xử lý theo dõi đầu vào, đầu ra của án phúc thẩm, xử lý đơn giám đốc thẩm, tái thẩm, tham mưu giúp Chánh án thực hiện quy trình phân công án phúc thẩm theo nguyên tắc “ngẫu nhiên” do đơn vị xây dựng, tổ chức vận hành phần mềm xử lý đơn giám đốc thẩm, tái thẩm của TANDTC cài đặt; các kho lưu trữ đã được di dời an toàn và tiến hành chỉnh lý, mã hóa hồ sơ lưu trữ; Công tác kế toán, quản trị thực hiện đúng quy định, mua sắm tài sản, trang thiết bị đều tiến hành công khai, minh bạch. Việc quản lý công sản, trụ sở đảm bảo tiết kiệm, hiệu quả.

Tại buổi làm việc, có nhiều ý kiến đóng góp của TAND cấp cao tại TP.HCM về công tác xét xử cũng như chuyên môn, nghiệp vụ, công tác nhân sự, kiện toàn bộ máy.

chanh-an-tand-cap-cao-tai-tp.hcm-tran-van-chau-tiep-thu-y-kien-chi-dao(2).jpg
Chánh án TAND cấp cao tại TP.HCM Trần Văn Châu tiếp thu ý kiến chỉ đạo

Phát biểu kết luận, Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình đánh giá cao nỗ lực của TAND cấp cao tại TP.HCM. Theo đó, đặc điểm của khu vực phía Nam là khu vực có nền kinh tế năng động, phát triển so với cả nước. Do đó, quy luật của phát triển kinh tế kéo theo tội phạm và tranh chấp tăng cao. Không có khu vực nào tội phạm và khiếu kiện, tranh chấp phức tạp và phi truyền thống như TP.HCM và các tỉnh phía Nam. Đây cũng là áp lực cho hệ thống TAND, đặc biệt là khu vực phía Nam. Số lượng án thụ lý, giải quyết tăng hơn 20%, tạo áp lực cho công tác xét xử.

Sau khi phân tích, đánh giá, Chánh án Nguyễn Hòa Bình yêu cầu TAND cấp cao tại TP.HCM cần nâng cao hơn nữa về công tác xét xử.

Chánh án Nguyễn Hòa Bình yêu cầu, TAND cấp cao tại TP.HCM thường xuyên tổ chức hội nghị chuyên đề về công tác xét xử để TAND 23 địa phương phía Nam có cơ hội rút kinh nghiệm.

Để làm được điều đó, Chánh án Nguyễn Hòa Bình yêu cầu lãnh đạo và tập thể cán bộ, Thẩm phán TAND cấp cao tại TP.HCM cần nỗ lực hơn nữa để hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Thay mặt TAND cấp cao tại TP.HCM, Chánh án Trần Văn Châu xin tiếp thu và xin hứa sẽ nghiêm túc triển khai những ý kiến chỉ đạo của Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình và Đoàn công tác đã nêu ra tại buổi làm việc.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình thăm và làm việc với TAND cấp cao tại TP.HCM