Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình thăm, làm việc tại Italy

PV| 13/05/2017 18:47
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Như tin đã đưa đồng chí Nguyễn Hòa Bình, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án TANDTC Việt Nam cùng Đoàn đại biểu cấp cao TANDTC đã lên đường thăm, làm việc tại Italy từ ngày 10-14/5, Cộng hòa Pháp từ ngày 15-20/5.

Chuyến thăm nhằm tìm hiểu khả năng mở rộng quan hệ hợp tác với Tòa án tối cao (TATC) Italy, thực hiện thỏa thuận hợp tác với TATC Pháp và tham dự Hội nghị tư pháp quốc tế tổ chức tại Pháp.

Trong thời gian thăm và làm việc tại Italy, đoàn đại biểu cấp cao TANDTC Việt Nam đã có cuộc gặp với Chánh án TATC Italy Giovanni Canzio, làm việc với Hội đồng Tư pháp Tối cao Italy để thảo luận về những vấn đề hai bên cùng quan tâm.

Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình thăm, làm việc tại Italy

Chánh án TANDTC Việt Nam Nguyễn Hòa Bình thay mặt Đoàn công tác tặng quà Chánh án TATC Italy

Phía bạn đã giới thiệu với đoàn về cơ cấu tổ chức, thẩm quyền và nhiệm vụ của Hội đồng Tư pháp Tối cao (HĐTPTC) Italy; Sự độc lập của hệ thống Toà án Italy; quy định về bổ nhiệm, luân chuyển và đánh giá năng lực đối với Thẩm phán, Công tố viên; Thủ tục kỷ luật đối với Thẩm phán.

Theo đó, HĐTPTC là cơ quan cao nhất quản lý các Thẩm phán Italy từ khi được bổ nhiệm đến khi rời nhiệm sở. Được ghi nhận trong Hiến pháp 1948, chính thức thành lập và năm 1958, Hội đồng hiện đang quả lý gần 8500 Thẩm phán trên toàn quốc, bao gồm cả Thẩm phán làm việc tại Tòa án và thuộc Viện Công tố.

HĐTPTC có tổng cộng 27  Ủy viên, do Tổng thống đứng đầu, hai thành viên bắt buộc là Chánh án TATC và Viện trưởng Viện Công tố tối cao, 8 Ủy viên do Quốc hội bầu ra (luật sư, giáo sư…), 16 Thẩm phán do chính các Thẩm phán bầu đại diện cho lợi ích của mình. Ủy viên HĐTPTC có nhiệm kỳ 4 năm.

Bộ phận giúp việc của HĐTPTC gồm 10 Ủy ban, với số lượng cán bộ hành chính, kỹ thuật là 240 người. Ở cấp địa phương, tại mỗi Tòa phúc thẩm (26 Tòa Phúc thẩm trên toàn quốc) đều có cơ quan đại diện của HĐTPTC, có chức năng theo dõi, giám sát và hỗ trợ cho HĐTPTC. 

Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình thăm, làm việc tại Italy

Chánh án TANDTC Việt Nam Nguyễn Hòa Bình bắt tay thành viên Hội đồng tư pháp tối cao Italy

HĐTPTC có hai chức năng chính là quản lý Thẩm phán và bảo đảm độc lập tư pháp.

Việc xem xét bổ nhiệm Thẩm phán tiến hành theo quy trình Ủy ban có trách nhiệm trong HĐTPTC đề xuất, Đại hội đồng họp và biểu quyết. Tổng thống -  Chủ tịch Hội đồng  ủy quyền cho Phó Chủ tịch chủ trì các phiên họp bổ nhiệm Thẩm phán thông thường, và đích thân tham dự và chủ trì phiên họp xem xét bổ nhiệm chức vụ  tư pháp quan trọng như Chánh án tối cao, Chánh án thành phố.

Việc xem xét kỷ luật, hoặc áp dụng biện pháp trừng phạt Thẩm phán có sai phạm tiến hành theo Luật năm 2006. Quy trình kỷ luật cũng tương tự qui trình xét xử thông thường, đánh giá dựa trên cơ sở điều tra, có cơ quan buộc tội, cơ quan công tố. Thẩm phán bị kỷ luật có quyền trình bày, có luật sư, kết thúc bằng bản án kỷ luật. Thẩm phán bị kỷ luật có thể kháng cáo phúc thẩm, rồi lên TATC. Khác biệt duy nhất là không có hình phạt tù. Hình phạt kỷ luật bao gồm 6 mức: khiển trách, cảnh báo, không lên lương trong 2 năm, không bổ nhiệm và điều chuyển, cách chức và cho thôi việc. Trung bình mỗi năm, có khoảng 60 Thẩm phán bị kỷ luật, chủ yếu là do xử lý án chậm, một số ít bị xử lý cách chức trước khi xử lý hình sự do liên quan đến tham nhũng.

Về đảm bảo tính liêm chính của Thẩm phán, Tòa án Italy rất chú trọng việc đào tạo đạo đức và liêm chính cho Thẩm phán ngay từ rất sớm. Có hệ thống đánh giá và giám sát, bao gồm đánh giá quan hệ giữa các thẩm phán với nhau và giữa thẩm phán với luật sư. Nếu một Thẩm phán thực hiện công việc không tốt, bị đánh giá thấp trong thời gian dài thì sẽ không được xét xử nữa. Thẩm phán phải chủ động tránh xung đột lợi ích. Thẩm phán chỉ được làm Thẩm phán, ngoại lệ duy nhất là tham gia giảng dậy, nếu có thù lao thì mức thù lao cũng được giám sát. Không được làm những việc khác như tư vấn pháp luật. Các thẩm phán giám sát lẫn nhau.

Về bảo đảm sự độc lập trong nội bộ cho Thẩm phán, HĐTPTC đưa ra Bộ nguyên tắc gồm 150 điểm, điều chỉnh việc phân công án cho Thẩm phán và bố trí Thẩm phán trong từng lĩnh vực, việc đề xuất thành phần Hội đồng xét xử, thay thế Thẩm phán khi cần thiết… Nếu thấy nguyên tắc công bằng bị vi phạm, thì Thẩm phán có quyền khiếu nại trực tiếp lên HĐTPTC. Chánh án Tòa án mỗi cấp phải tự xây dựng hệ thống “Bảng” để quản lý Thẩm phán và phân công án cho Thẩm phán dựa trên Bộ nguyên tắc này.  Có thể nói, Bộ nguyên tắc bảo đảm 100% tính độc lập nội bộ của từng Thẩm phán.

HĐTPTC Italy trở thành hình mẫu của cả châu Âu về quản lý tư pháp. HĐTPTC sẵn sàng hợp tác và chia sẻ kinh nghiệm với TANDTC Việt Nam.

Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình thăm, làm việc tại Italy

Đoàn công tác TANDTC Việt Nam làm việc với Hội đồng tư pháp tối cao Italy

Phát biểu tại buổi làm việc Chánh án TANDTC Việt Nam Nguyễn Hòa Bình cho rằng quan hệ hợp tác chiến lược giữa Việt Nam và Italy đang phát triển mạnh mẽ trên nhiều lĩnh vực. Quan hệ hợp tác tư pháp giữa các Tòa án cần được xây dựng và mở rộng.  Muốn nâng cao chất lượng xét xử, thì phải nâng cao chất lượng của Thẩm phán trong nhiều khâu như tuyển chọn, bồi dưỡng, đào tạo, quản lý hoạt động… vì chính đội ngũ Thẩm phán là người quyết định chất lượng xét xử, tăng thêm niềm tin của công chúng vào công lý. Việc tham khảo mô hình HĐTPTC Italy là rất hữu ích. Chánh án TANDTC mong tiếp tục hợp tác với HĐTPTC và mời đại diện HĐTPTC Ý sang thăm và làm việc tại Việt Nam vào thời điểm thích hợp.

Tiếp Đoàn tại TATC, Chánh án TATC Italy Giovanno Canzio cho biết vấn đề lớn nhất  hiện đang gặp phải là số lượng án tồn đọng quá lớn (khoảng 80 nghìn vụ giám đốc thẩm/năm). Một trong những mục tiêu trong thời gian vừa qua là cải cách bộ máy và hệ thống; vẫn bảo đảm xét xử hiệu quả, công bằng, nhưng quá trình xét xử phải được rút ngắn. Chánh án Giovanno Canzio cho rằng, luật pháp hiện tại của Italy còn lỏng lẻo, cho phép cả những kháng cáo may rủi, làm tăng khối lượng công việc của Tòa án. Giải pháp xử lý lượng án tồn đọng này nằm ở khâu tổ chức thực hiện công việc.

Theo Chánh án Chánh án TATC Italy Giovanno Canzio để nâng cao chất lượng xét xử, thì cần phải làm thế nào đó để giảm số lượng kháng cáo, chú trọng tăng cường đào tạo chuyên môn cho Thẩm phán đến tận lúc nghỉ hưu, tăng cường hợp tác với các Trường đại học, cơ sở nghiên cứu và giới luật sư, tăng cường chất lượng người đứng đầu, hình thành và nâng cao qui tắc ứng xử của thẩm phán, cải tiến cách thức tổ chức sao cho hiệu quả hơn.

Chánh án TANDTC Việt Nam Nguyễn Hòa Bình cảm ơn Chánh án TATC Italy đã dành thời gian tiếp đoàn, thông báo một số kết quả công tác cải cách tư pháp đang được tiến hành tại Việt Nam, bày tỏ mong muốn xây dựng và phát triển quan hệ  hợp tác với TATC Italy và mời Chánh án TATC Italy sang thăm và làm việc chính thức tại Việt Nam vào một thời điểm thích hợp. Chánh án TATC Ý ủng hộ ý tưởng tăng cường quan hệ hợp tác và vui vẻ nhận lời mời.

* Cũng trong khuôn khổ chuyến thăm, đoàn đại biểu cấp cao TANDTC Việt Nam đã có buổi làm việc với lãnh đạo Trường đào tạo tư pháp Italy để tìm hiểu về thẩm quyền, tổ chức và cơ cấu của Trường cũng như công tác đào tạo và bồi dưỡng thẩm phán, công tố viên.

Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình thăm, làm việc tại Italy

Chánh án TANDTC Việt Nam Nguyễn Hòa Bình chào Phó Hiệu trưởng Trường đào tạo tư pháp Italy

Trường đào tạo tư pháp Italy được thành lập năm 2012 theo khuyến nghị của Cộng đồng Châu Âu trao nhiệm vụ đào tạo và bồi dưỡng thẩm phán cho một cơ sở đào tạo độc lập. Trường có cơ sở tại Roma, Florence và Napoli. Về tổ chức, Trường có 26 đơn vị ở Roma và Florence, riêng trụ sở tại  Napoli thì đang dùng nhân sự Sở tư pháp Napoli.

Trường có 2 nhiệm vụ chính là đào tạo và bồi dưỡng. Ban giám hiệu Trường gồm 12 người, 8 là Thẩm phán và 4 người không phải là TP. Thành viên Ban giám hiệu do các HĐTPTC quyết định (7 người) hoặc Bộ Tư pháp bổ nhiệm (5 người). Nhiệm kỳ Ban giám hiệu là 4 năm.

Các hoạt động đào tạo chia 3 nhóm. Thứ nhất, đào tạo cho các Thẩm phán mới được bổ nhiệm tuyển dụng. Thứ hai, nhóm bồi đưỡng ngắn hạn dành cho các Thẩm phán đã hành nghề. Thứ ba, là khóa đào tạo cho các Thẩm phán lãnh đạo, không tập trung vào chuyên môn luật, mà về kiến thức và kỹ năng tổ chức, quản lý.  Chức năng quan trọng nhất của Ban giám hiệu là lựa chọn các chủ đề cần đào tạo, tập huấn trong thời gian tới. Giảng viên được mời thường là các Thẩm phán có kinh nghiệm, giáo sư đại học, luật sư…

Đoàn TANDTC Việt Nam cảm ơn sự đón tiếp của Trường, giới thiệu về Học viện Tòa án của TANDTC. Chánh án TANDTC Việt Nam Nguyễn Hòa Bình mong muốn hai cơ sở đào tạo tăng cường trao đổi, hợp tác nhằm tăng cường năng lực đào tạo cho hai hệ thống Tòa án hai nước.

Đoàn sẽ rời Italy sang Pháp ngày 14/5/2017, tiếp tục các hoạt động tại Pháp. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình thăm, làm việc tại Italy