Tòa án địa phương

Chánh án Đào Vĩnh Tường: “Hòa giải góp phần ổn định xã hội, tăng cường sự hiểu biết pháp luật của người dân”

Mạnh Hùng 09/07/2023 - 21:07

“Việc hòa giải có ý nghĩa rất quan trọng, nó vừa đảm bảo tiết kiệm chi phí cho Nhà nước, công dân, giảm bớt giai đoạn tố tụng kéo dài, và giải quyết triệt để các mâu thuẫn giữa các đương sự, góp phần ổn định xã hội, tăng cường sự hiểu biết pháp luật của người dân”, đó là chia sẻ của Thẩm phán Đào Vĩnh Tường, Chánh án TAND quận Đống Đa, TP. Hà Nội với PV Báo Công lý.

b7fa2d49-ab02-45e4-a990-209e575e5dd2.jpeg
Thẩm phán Đào Vĩnh Tường, Chánh án TAND quận Đống Đa

Vượt qua khó khăn, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ

Trao đổi với phóng viên Báo Công lý, Thẩm phán Đào Vĩnh Tường, Chánh án TAND quận Đống Đa cho biết, trong năm công tác vừa qua, TAND quận Đống Đa luôn nhận được sự quan tâm chỉ đạo sát sao của Quận ủy, Hội đồng nhân dân quận và Ban cán sự Đảng TAND TP. Hà Nội.

Đảng ủy, lãnh đạo TAND quận Đống Đa thường xuyên chỉ đạo, quán triệt cán bộ công chức người lao động tuyệt đối chấp hành các văn bản chỉ đạo của Chánh án TANDTC, Thành ủy, UBND TP. Hà Nội, Quận ủy và TAND TP. Hà Nội để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chuyên môn với tinh thần trách nhiệm cao, ý thức kỷ luật tốt, trình độ chuyên môn vững vàng, đáp ứng các yêu cầu nhiệm vụ chính trị của quận.

Bên cạnh những thuận lợi, TAND quận Đống Đa cũng gặp phải một số khó khăn như: Đơn vị vẫn bị ảnh hưởng nhiều bởi dịch bệnh Covid-19, nhất là các tháng cuối năm 2021 và 3 tháng đầu năm 2022. Tình hình tội phạm diễn biến phức tạp, các tranh chấp dân sự, kinh doanh thương mại… tiếp tục gia tăng.

Vẫn còn tình trạng đương sự chống đối không đến Tòa án làm việc, gây mất thời gian, kéo dài thời gian tố tụng. TAND quận Đống Đa trong nhiều năm qua vẫn là địa bàn quận có số lượng án đặc biệt lớn. Số lượng Thẩm phán, Thư ký ngày càng giảm do phân bổ lại chỉ tiêu biên chế, luân chuyển cán bộ và giảm tự nhiên.

Tuy nhiên, để thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị của hệ thống Tòa án nói chung và của quận Đống Đa nói riêng, Đảng ủy TAND quận Đống Đa đã ban hành nhiều nghị quyết lãnh đạo, chỉ đạo việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm năm 2022, tập trung nhóm 14 giải pháp nâng cao chất lượng công tác xét xử, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của năm 2022, là Tòa án đầu tiên tại Hà Nội tổ chức thí điểm thành công 5 phiên tòa hình sự trực tuyến và là Tòa án đầu tiên trong cả nước thực hiện thành công dự án số hóa hồ sơ.

Cụ thể, năm 2022 đơn vị đã thụ lý 2.427 vụ án, đã giải quyết 2.225 vụ, còn 202 vụ, đạt 91,7 %. So với cùng kỳ năm 2021, tổng số các loại án năm 2022 thụ lý tăng 376 vụ, kết quả giải quyết tăng 529 vụ. 

Về công tác hòa giải: Lãnh đạo, Thẩm phán TAND quận Đống Đa luôn hiểu rõ vai trò của công tác hòa giải trong quá trình tiến hành tố tụng tại Tòa án, đây là hoạt động do Tòa án tiến hành nhằm giúp đỡ các đương sự thỏa thuận với nhau để giải quyết các tranh chấp.

Việc hòa giải có ý nghĩa rất quan trọng, nó vừa đảm bảo tiết kiệm chi phí cho Nhà nước và công dân, giảm bớt giai đoạn tố tụng kéo dài, vừa giải quyết triệt để các mâu thuẫn giữa các đương sự, góp phần ổn định xã hội, tăng cường sự hiểu biết pháp luật của người dân.

ae648675-e090-4ee7-9415-81c79656826f.jpeg
Thẩm phán Đào Vĩnh Tường, Chánh án TAND quận Đống Đa trao đổi với PV Báo Công lý.

Quá trình giải quyết các tranh chấp tại đơn vị, cán bộ, Thẩm phán luôn kiên trì phân tích pháp luật, tìm hiểu tâm tư nguyện vọng của các đương sự để tìm ra giải pháp, đề ra phương án hợp tình, hợp lý, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của các bên.

Qua các buổi hòa giải và công khai chứng cứ, nhiều vụ án đã được các bên tranh chấp tìm thấy tiếng nói chung, các đương sự đồng ý lập biên bản hòa giải thành và đề nghị Tòa án công nhận sự thỏa thuận của các đương sự. Có nhiều vụ án các bên đương sự đã rút toàn bộ đơn khởi kiện.

Bên cạnh đó, Chánh án Đào Vĩnh Tường cũng cho biết thêm, TAND quận Đống Đa rất chú trọng và thực hiện tốt các hoạt động công tác khác như: Thực hiện công bố bản án; Thực hiện các phiên tòa rút kinh nghiệm; Công tác giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp; Công tác thi hành án; Tổ chức thực hiện Luật hòa giải, đối thoại tại Tòa án; Công tác tổ chức; Công tác Hội thẩm nhân dân; Công tác phối hợp với các đơn vị và thực hiện nhiệm vụ chính trị tại địa phương.

Công tác cải cách tư pháp luôn được chú trọng

TAND quận Đống Đa đặc biệt chú trọng tới công tác cải cách tư pháp. Tiếp tục thực hiện cải cách tư pháp theo tinh thần Nghị quyết 08/NQ-TW ngày 02/01/2002 và Nghị quyết số 49/NQ-TW ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị, việc xét xử của TAND quận Đống Đa được tiến hành dân chủ, minh bạch các phán quyết của hội đồng xét xử đều dựa trên kết quả tranh tụng tại phiên tòa.

Vị trí, vai trò và tinh thần trách nhiệm của Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân được nâng cao qua việc tranh tụng tại phiên tòa, nâng cao tính độc lập của hội đồng xét xử, vì vậy chất lượng xét xử đã có chuyển biến tích cực, giảm đáng kể tỷ lệ án hủy, án sửa do lỗi chủ quan của hội đồng xét xử.

Đối với những vụ án phức tạp, vụ án xét xử điểm, Tòa án đã phối hợp với cơ quan Công an, Viện kiểm sát đảm bảo các phiên tòa xét xử an toàn, đạt chất lượng và hiệu quả, có tác dụng tuyên truyền giáo dục pháp luật rộng rãi trong nhân dân, phục vụ tốt nhiệm vụ chính trị của quận.

Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 đã bổ sung quy định tiếp nhận đơn và thu thập chứng cứ bằng phương pháp qua hộp thư điện tử, tạo thuận lợi cho những người tham gia tố tụng thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình.

Cụ thể hoá quy định này, ngày 30/12/2016, Hội đồng Thẩm phán TANDTC đã ban hành Nghị quyết số 04/2016/NQ-HĐTP hướng dẫn chi tiết về gửi, nhận đơn khởi kiện, tài liệu, chứng cứ và cấp, tống đạt văn bản tố tụng bằng phương pháp điện tử.

Từ ngày 01/11/2018, hai cấp Tòa án tại Hà Nội đã áp dụng thí điểm hệ thống gửi, nhận đơn khởi kiện, cấp, tống đạt văn bản tố tụng và thu thập chứng cứ bằng phương pháp điện tử, trong đó có TAND quận Đống Đa.

Đây là bước tiến mới trong cải cách tư pháp của hệ thống Tòa án nói chung và TAND quận Đống Đa nói riêng. Hiện nay, các Thẩm phán tại đơn vị đã được cấp chứng thư số, chữ ký số và tài khoản điện tử, đồng thời đã được tập huấn đầy đủ để thực hiện việc tiếp nhận gửi, nhận đơn khởi kiện, cấp, tống đạt văn bản tố tụng và thu thập chứng cứ bằng phương tiện điện tử theo đúng chủ trương của TANDTC.

Tháng 10/2022, TAND quận Đống Đa được giao nhiệm vụ nằm trong 5 Tòa án cấp quận đầu tiên trong cả nước tiến hành thí điểm việc thu nộp án phí, lệ phí trực tuyến qua cổng dịch vụ công trực tuyến quốc gia.

Với những thành tích nổi bật nêu trên, năm 2022, TAND quận Đống Đa đã vinh dự được Chánh án TANDTC tặng danh hiệu “Tập thể Lao động xuất sắc” và được nhận “Cờ thi đua” của Chủ tịch UBND TP. Hà Nội.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chánh án Đào Vĩnh Tường: “Hòa giải góp phần ổn định xã hội, tăng cường sự hiểu biết pháp luật của người dân”