Chấn thương sọ não, nát bàn tay do tự chế pháo chơi Tết

Thảo Nguyên| 17/01/2023 21:56
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Thiếu niên 17 tuổi, cùng bạn mua hóa chất trên mạng về tự chế pháo, bất ngờ pháo phát nổ gây chấn thương sọ não, dập nát 2 bàn tay.

Ngày 17/1, tin từ Trung tâm Y tế huyện Thanh Sơn (Phú Thọ) cho biết, vừa tiếp nhận trường hợp nam bệnh nhân 17 tuổi (ở Thanh Sơn, Phú Thọ) trong tình trạng chấn thương sọ não, dập nát 2 bàn tay do pháo tự chế phát nổ.

Theo lời người nhà kể lại, bệnh nhân đã tự mua thuốc pháo trên mạng về chế tạo pháo ở nhà cùng 2 người bạn, bất ngờ pháo tự chế phát nổ khiến cả 3 người bị thương.

Sau khi sơ cứu cầm máu, các bác sĩ đã tiến hành hội chẩn và thống nhất chỉ định chuyển tuyến trên điều trị do vết thương phức tạp.

Chấn thương sọ não, nát bàn tay do tự chế pháo chơi Tết

Các y, bác sĩ Trung tâm Y tế huyện Thanh Sơn cấp cứu bệnh nhân bị tai nạn do pháo tự chế.

BSCKI Hà Quang Huy - Trưởng khoa Ngoại Tổng hợp cho biết, pháo phát nổ có thể gây chấn thương phần mềm, rách da; hội chứng sóng nổ gây đa chấn thương sọ não, ngực, bụng, gãy xương tay chân... Các chấn thương do pháo thường tùy thuộc vào lượng nổ và tính chất quả pháo.

Thời điểm này, tại Bệnh viện Bỏng quốc gia Lê Hữu Trác (Hà Nội) trung bình mỗi ngày tiếp nhận gần 10 trường hợp nhập viện do bỏng pháo. Bệnh nhân chủ yếu ở độ tuổi từ 15-20, hầu hết bỏng độ 3-4 ở vùng đầu, mặt, cổ, thân, phải thở máy.

Đơn cử như trường hợp thanh niên 17 tuổi (ở Hải Dương) chỉ vì tò mò nên mua pháo về tự chế. Hậu quả là bệnh nhân phải nhập viện trong tình trạng bỏng toàn bộ vùng mặt, cổ, thân, 2 tay, các vết thương phù nề…

Cũng tự chế pháo, không may phát nổ, lửa bốc lên quần áo khiến một thiếu niên 15 tuổi (ở Ninh Bình) bị bỏng nặng và nhập viện với tổn thương 30% diện tích cơ thể, nặng nhất ở vùng mặt.

BS Lê Quang Thảo - Khoa Hồi sức cấp cứu, Bệnh viện Bỏng quốc gia Lê Hữu Trác cho biết, đa số bệnh nhân không biết nguồn gốc thuốc pháo ở đâu, thậm chí không biết về quy trình, cách thức tạo ra pháo và mức độ nguy hiểm khi tự chế tạo pháo.

Qua đây bác sĩ cũng cảnh báo, để hạn chế tai nạn đáng tiếc do pháo gây ra, gia đình, nhà trường cần giáo dục, phòng ngừa trẻ em không được tự chế, sử dụng các loại pháo nổ, đặc biệt người bị tai nạn thường là học sinh - những em đang ở độ tuổi tò mò, thích khám phá nhưng lại thiếu hiểu biết, gia đình cần giám sát việc xem các clip dạy cách làm pháo nổ tự chế trên mạng của các em.

Mỗi gia đình cần nâng cao cảnh giác, tuyên truyền, vận động người thân, con em chấp hành nghiêm các quy định về quản lý pháo, không tự ý chế tạo, sử dụng pháo nổ (thuốc pháo) để ngăn chặn nguy cơ, hậu quả đáng tiếc xảy ra từ pháo nổ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chấn thương sọ não, nát bàn tay do tự chế pháo chơi Tết