Như biết bao cánh rừng tái sinh khác trên dãy Trường Sơn đang khép tán, chạy dọc theo tuyến biên giới A Ngo, màu xanh của rừng đang làm dịu đi vết thương chiến tranh còn ẩn sâu trong lòng đất, góp phần mang lại đời sống ấm no cho những bản làng Pa Cô.
Trong câu chuyện về những cánh rừng ấy thường được bắt đầu từ câu chuyện của một cựu chiến binh người Pa Cô có tên là: Côn Thương.
Hồi sinh “vùng đất chết”
Côn Thương tên thật là Hồ Văn Mòn, nhưng bà con ở bản A Ngo (huyện Đăk Rông, tỉnh Quảng Trị) thường gọi ông là Côn Thương. Trong tiếng Pa Cô, “Thương” có nghĩa là luôn yêu quý mọi người, không phân biệt giàu nghèo. Bây giờ, tên của người cựu chiến binh Trường Sơn dân tộc Pa Cô này còn có thêm một nghĩa mới, biểu hiện cho ý chí quyết tâm vượt khó, sự chia sẻ và tinh thần trách nhiệm với cộng đồng. Người dân A Ngo bảo, Côn Thương chưa thật giàu, nhưng cái ơn của Côn Thương đối với dân xã mình thì kể mãi không hết.
Những năm trước đây, vùng quê A Ngo của Côn Thương còn nghèo lắm. Tất cả đều xơ xác vì bom đạn. Đã vậy, người dân A Ngo còn bị ràng buộc bởi biết bao hủ tục lạc hậu đè nặng khiến cuộc sống của bà con càng thêm lam lũ, khổ ải. Trở về từ chiến trường, đối mặt với biết bao cái khó, Côn Thương cùng gia đình lầm lũi làm ăn, lầm lũi sống như bao người. Đến một ngày, Côn Thương tự hỏi, chẳng lẽ mình cứ phải cam chịu kiếp nghèo như vậy mãi? Sau nhiều đêm trăn trở, ông cùng vợ là bà Căn Thương quyết định phải phát triển kinh tế bằng cách trồng rừng.
Ông Côn Thương (thứ 5, từ trái sang) trao đổi kinh nghiêm cùng dân bản
Thổ nhưỡng vùng này vốn khô cằn sỏi đá, từng là căn cứ, chiến hào trong những năm tháng chiến tranh khốc liệt. Trong lòng đất còn tiềm ẩn những cái chết bất ngờ bởi không ít bom đạn chưa phát nổ còn sót lại. Đối với nhiều người, đây chả khác gì “Vùng đất chết”. Nhưng đối với Côn Thương, tấc đất tấc vàng, ông quyết tâm bằng mọi giá phải “biến sỏi đá thành cơm”. Vậy là từ đó, ông mày mò tự đọc tài liệu hướng dẫn, cái gì chưa biết thì hỏi rồi tự mua cây giống trồng thử. Có những phương pháp ông làm đúng theo hướng dẫn của cán bộ lâm nghiệp, cũng có phương pháp là do ông tự nghĩ ra. Chẳng hạn như dùng lá cây rừng để làm phân xanh cho cây trồng hay đào rãnh thoát nước mưa để giữ đất…
“Vạn sự khởi đầu nan”, thật khó để kể hết những khó khăn, thử thách mà Côn Thương đã phải vượt qua.Do thiếu hiểu biết và kinh nghiệm, thất bại ban đầu của ông là điều dễ hiểu. Cà phê, chàm, bời lời, Côn Thương trồng còi cọc, chẳng lớn nổi, chết dần. Không biết bao nhiêu lần ông cùng vợ lên rẫy nhổ những cây đã chết, lòng quặn thắt. Hơn nữa, tiền đầu tư phần lớn là đi vay nên gia đình ông lâm vào cảnh nợ nần, thiếu đói...
Không đầu hàng số phận, tinh thần vượt khó của Bộ đội Cụ Hồ thôi thúc Côn Thương cùng vợ gom góp chút vốn liếng cuối cùng, cộng với một số tiền đi vay để làm lại từ đầu. Và rồi đất đã không phụ công người. Dưới đôi tay cần cù của gia đình ông, đá sỏi phải nhường đất cho những cây giống bén rễ vào đất nghèo. Năm này qua năm khác, đất và cây không phụ công người, hàng trăm nghìn cây bời lời, cây quế, cà phê vươn cành cao vút đã phủ xanh cả một vùng đồi trọc. Những vạt rừng cứ nối tiếp nhau mọc lên đã mang lại cho gia đình ông mỗi năm thu nhập hàng chục triệu đồng, đời sống ngày một đủ đầy, sung túc hơn…
Trách nhiệm với cộng đồng
Gia đình Côn Thương khá giả rồi, có cái ăn cái để rồi nhưng trong bụng Côn Thương vẫn chưa thấy vui. Chưa vui vì dân bản ở đây còn nghèo lắm. Ông nhớ lời Bác Hồ dạy rằng: “Lòng dân đói, bụng dân không yên thì làm sao bảo vệ được Tổ quốc”. Thế là Côn Thương lặn lội gùi theo các loại cây giống đến từng thôn bản, từng nhà và gặp từng người để tuyên truyền, hướng dẫn, giải thích cho bà con cách trồng và giá trị của chúng.
Quyết tâm là vậy, nhưng đến khi bắt tay vào làm, Côn Thương mới thấy khó bội phần. Cái khó bắt đầu từ việc vận động đồng bào thay đổi thói quen, phương pháp cấy trồng. Bởi lâu nay, đồng bào ở đây quan niệm chỉ có cây lúa mọc trên nương, trên rẫy mới làm no cái bụng. Trời đã sinh ra như thế, giờ lại bắt không được phá rừng thì lấy đất đâu cho cây lúa sống? Rồi Trời sẽ trừng phạt cả làng, cả bản vì cái tội dám trái ý của Người.
Ông Côn Thương cùng chiến sĩ biên phòng thăm cột mốc
Không nản lòng, Côn Thương vẫn ngày đêm lặn lội xuống tận thôn bản, vào từng nhà tuyên truyền, vận động. Mãi rồi cũng có vài gia đình có vẻ xuôi lòng. Để cho họ tin và thấy rõ cái lợi của việc trồng rừng, Côn Thương còn dẫn họ đến tận rừng cây nhà mình để sờ tận tay, nhìn tận mắt. Tài liệu của cán bộ lâm nghiệp phát, ông dịch sang tiếng Pa Cô để mọi người hiểu. Ngay cả khi hướng dẫn, Côn Thương cũng cố gắng nói thật cụ thể để bà con dễ hiểu, dễ làm theo. Tin tưởng Côn Thương, cả xã A Ngo bảo nhau cùng trồng rừng.
Cứ thế, rừng của dân A Ngo đã phủ hàng trăm héc ta đồi núi như một vành đai xanh trên biên giới. Dân A Ngo bây giờ nhà nào cũng có ti vi, xe máy và các công cụ, máy cơ giới để phục vụ sản xuất. Xã đã xóa hết hộ đói, giảm hẳn hộ nghèo, không còn trẻ mù chữ, các hoạt động văn hóa xã hội ngày càng có nhiều khởi sắc. Tình trạng đốt rừng làm rẫy của bà con dân bản không còn diễn ra như trước nữa.
Chị Căn Say, một người dân của bản La Lay tâm sự: “Gia đình tôi và dân bản hết đói nghèo rồi vì nhờ ông Côn Thương đã hướng dẫn cho chúng tôi cách trồng rừng, trồng cây cà phê, bời lời, ngô sắn và chăn nuôi. Đảng và Nhà nước đã tạo điều kiện cho người dân chúng tôi khai khẩn đất hoang, lại cấp cho cây giống, phân bón. Dân bản chúng tôi theo Côn Thương trồng rừng giờ đã không còn phải lo miếng cơm manh áo nữa."
Ý thức chủ quyền dân tộc
Côn Thương không chỉ lo làm kinh tế. Ông từng là người lính, từng chứng kiến đồng đội và bà con ngã xuống vì mảnh đất này, nên ông hiểu tầm quan trọng của việc bảo vệ biên giới quốc gia. Ông tham gia phong trào “Già làng, trưởng bản bảo vệ đường biên cột mốc” bằng tất cả tinh thần trách nhiệm và tâm huyết của mình. Mỗi tháng một đôi lần, người cựu chiến binh Pa Cô ấy lại cắt rừng đến kiểm tra và phát quang cột mốc quốc gia trên biên giới.
Đường ra cột mốc ông quen lắm, khắc đi sẽ khắc đến nên Côn Thương không thấy mệt. Từ việc làm đầy ý thức và trách nhiệm của ông, hầu hết mọi người dân A Ngo đều noi gương ông chấp hành nghiêm các hiệp định về quy chế khu vực biên giới, tình trạng vi phạm pháp luật đã giảm hẳn, góp phần thắt chặt tình đoàn kết hữu nghị Việt- Lào. “Tôi luôn mong ước là dân hai nước Việt - Lào luôn biết giữ gìn tình hữu nghị, biết chia sẻ cảm thông với nhau để kề vai sát cánh cùng bảo vệ tổ quốc mình”, Côn Thương bộc bạch. Mong ước ấy của ông nghe thì có vẻ bình dị như dòng Sê Pôn tháng ngày vẫn chảy, nhưng ẩn sâu trong đó còn mang nhiều ý nghĩa cao cả, thiêng liêng.
Giờ, trên dãy Trường Sơn trùng điệp, những cánh rừng mang lại giá trị kinh tế cao ngày càng được nhân rộng. Côn Thương, người cựu chiến binh ấy không những làm hồi sinh cho một vùng đất, mà còn góp phần tích cực đưa một cộng đồng dân tộc vùng biên vươn lên làm giàu, nâng cao ý thức của bà con trong bảo vệ biên cương Tổ quốc. Rồi đây, mỗi một người dân A Ngo đều là Côn Thương, mỗi cây rừng A Ngo sẽ là một người Pa Cô, tạo nên phên dậu vững chắc cho biên giới Tổ quốc trên miền tây Quảng Trị.
Đối với bà con dân tộc Pa Kô - Vân Kiều sống dọc theo biên giới Việt - Lào, tấm lòng của những cựu chiến binh như Côn Thương cùng những việc mà ông đã làm vì dân tộc mình, bản làng mình giống như dòng Sê Pôn hiền hòa, đã góp phần bồi đắp thêm tình đoàn kết, sự ấm no và đời sống tinh thần phong phú cho bà con Pa Kô ở Đăk Rông, Quảng Trị. Khiêm tốn một cách chân thành, ông bảo: “Mình là con cháu Bác Hồ, đã nguyện suốt đời theo Bác, theo Đảng thì phải dốc lòng dốc sức thôi. Chứ nhìn đồng bào, anh em trong dòng tộc mình đói khổ làm sao đành. Giờ tôi già rồi, như chiếc lá đã ngả vàng, chả biết rơi rụng lúc nào. Trước khi về với đất, tôi chỉ mong được một lần nữa vào lăng viếng Bác”.
Quả thật, vùng đất biên cương nắng gió trên đỉnh Trường Sơn này trân trọng và biết ơn lắm những người lính, những cựu chiến Pa Cô “súng gươm vứt bỏ lại hiền như xưa”, hết lòng vì bản làng và cộng đồng dân tộc mình như Côn Thương. Cuộc đời ông là nối dài những cống hiến vì sự bình yên và phát triển của vùng đất biên viễn xa xôi, khuất nẻo này từ những ngày bị áp bức đến quá trình đấu tranh cách mạng và trong cả công cuộc đổi mới, phát triển kinh tế - xã hội ngày nay. Ông, chả khác gì một “cây đại thụ” tỏa bóng che chở cho đồng bào trên vùng biên giới A Ngo.