Câu chuyện vỏ bưởi

Trung Nguyễn| 30/07/2018 19:39
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Câu chuyện mứt được làm từ vỏ bưởi được nhập từ Thái Lan bán với giá 600 nghìn đồng/kg tại Việt Nam có thể sẽ khiến những người quan tâm đến nền nông nghiệp nước nhà phải suy nghĩ.

Nước ta có nhiều giống bưởi ngon nổi tiếng, nhưng vỏ bưởi thường thì… bỏ đi. Cũng có doanh nghiệp trong nước thử làm mứt vỏ bưởi nhưng không bán được vì không ngon và hàng hóa không bắt mắt…

Chế biến, bảo quản vẫn là một trong những khâu yếu kém của nông nghiệp nước ta. Như phát biểu của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng tại Hội nghị toàn quốc thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, bên cạnh những thành tựu đã đạt được, nhìn chung ngành nông nghiệp nước ta vẫn còn phát triển thiếu bền vững; năng suất, chất lượng, hiệu quả chưa cao; sức cạnh tranh của nhiều sản phẩm còn thấp. Sản xuất nông nghiệp còn manh mún, quy mô nhỏ; đầu tư cho nông nghiệp còn thấp; ứng dụng khoa học công nghệ còn chậm; sản xuất nông nghiệp còn phụ thuộc nhiều vào thời tiết; thị trường tiêu thụ nông sản còn thiếu ổn định.

Trả lời chất vấn tại Quốc hội, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cũng thẳng thắn thừa nhận 2 khâu yếu kém trong sản xuất nông nghiệp, đó là chế biến và tổ chức thị trường. Bộ trưởng Bộ NN&PTNT cho hay, mặc dù được coi là một “cường quốc” về xuất khẩu nông sản, song có đến 90% nông sản của Việt Nam vẫn xuất khẩu dưới dạng thô hoặc với hàm lượng chế biến thấp, chất lượng và giá trị xuất khẩu thấp hơn các sản phẩm cùng loại của nhiều nước khác.

Đặc biệt, nhiều sản phẩm được bán ra thị trường thế giới mà không có thương hiệu, nhãn mác, hoặc phải sử dụng thương hiệu nước ngoài. Đây là một bất lợi lớn, ảnh hưởng đến tiến trình tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu của nông sản Việt Nam.

Nhiều chuyên gia cũng đã chỉ ra những yếu kém của ngành nông nghiệp, trong đó khâu chế biến đang rất hạn chế, dẫn tới việc đáp ứng các quy chuẩn, tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm, nhất là phục vụ xuất khẩu còn nhiều khó khăn.

Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 5/8/2008 của Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương khóa X về phát triển nông nghiệp, nông thôn, nông dân đã khẳng định vai trò và vị trí chiến lược của nông nghiệp, nông thôn và nông dân, đồng thời xác định doanh nghiệp là động lực chính để tái cơ cấu nền nông nghiệp. Thực hiện chủ trương của Đảng, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách cụ thể để khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp.

Có thể nói các Nghị quyết, văn bản pháp luật về phát triển nông nghiệp đã khá đầy đủ. Vấn đề là việc triển khai, thực hiện như thế nào để nâng cao giá trị của hàng hóa nông sản và vị thế của nông nghiệp Việt Nam. Theo Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, việc nước ta hội nhập ngày càng sâu rộng với nền kinh tế toàn cầu, cùng với đó, những tác động nhanh chóng, sâu rộng của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, những diễn biến phức tạp của thiên tai, biến đổi khí hậu, nước biển dâng… sẽ đặt ra những yêu cầu mới cho phát triển kinh tế nói chung, lĩnh vực nông nghiệp nói riêng.

Do đó, phải đầu tư phát triển nông nghiệp theo chiều sâu, trong đó phải dựa vào đổi mới sáng tạo, ứng dụng khoa học công nghệ và nguồn nhân lực có chất lượng cao trong mọi quy trình từ sản xuất, thu hoạch, chế biến, bảo quản và tiêu thụ sản phẩm.

Câu chuyện vỏ bưởi là một ví dụ cho thấy, khi biết tận dụng lợi thế thì bất kỳ sản phẩm nào cũng có thể tạo nên dấu ấn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Câu chuyện vỏ bưởi