Cậu bé “vàng” Vũ Xuân Trung: Đam mê từ những câu chuyện vui về các nhà Toán học

Dương Cầm - Xuân Hải| 18/07/2015 08:23
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Tại kỳ thi Toán quốc tế lần thứ 56 tại Chiangmai, Thái Lan, Đoàn học sinh Việt Nam đã xuất sắc đoạt 2 huy chương vàng, 3 huy chương bạc, 1 huy chương đồng, trong đó một huy chương vàng với số điểm cao nhất đoàn của cậu bé "vàng" Vũ Xuân Trung.

Chúng tôi tìm đến nhà Vũ Xuân Trung (học sinh thứ hai của đội Việt Nam giành Huy chương Vàng Olympic Toán quốc tế 2015) tại xã Đông Các, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình vào chiều 17/7, gia đình cho biết em vừa đi thắp hương tạ ơn Thành Hoàng làng và tổ tiên cùng ông nội.

Ông Vũ Xuân Vinh (ông nội Trung) xúc động chia sẻ: “Con hơn cha là nhà có phúc. Cháu Trung được nhưng ngày hôm nay, tôi mừng lắm. Dòng họ Vũ Xuân tự hào lắm. Họ hàng cũng được thơm lây”.

Cậu bé “vàng” Vũ Xuân Trung: Đam mê từ những câu chuyện vui về các nhà Toán học

Vũ Xuân Trung chia sẻ với PV bên góc học tập nhỏ của mình.

Ngay sau khi nhận được tin báo Vũ Xuân Trung (học sinh lớp 11 THPT chuyên Thái Bình) đã xuất sắc đoạt Huy chương Vàng Olympic Toán quốc tế 2015 với điểm số cao nhất toàn đội (34 điểm), gia đình cậu vỡ òa trong niềm hạnh phúc.

Cô Đặng Thị Kính (mẹ Trung) kể, ngày xưa gia đình nghèo lắm, cả nhà sống trong căn nhà lợp mái rạ rộng có… 15m2. Bố Trung đi sửa khóa và bán kính quanh làng Lịch Động (xã Đông Các, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình), mẹ thì đi bán hàng xáo. Dù trời nắng hay mưa, bố mẹ Trung đều cố gắng đi làm để kiếm thêm “đồng ra đồng vào” với mong muốn cho con ăn học nên người.

Năm 1983, do gia đình lúc đó quá vất vả, cô Kính phải đi vay tiền và thóc nhưng không được. Từ sau lần đó, cậu bé Xuân Trung nung nấu ý chí quyết tâm học giỏi để đưa gia đình thoát nghèo.

Vũ Xuân Trung kể, có lẽ niềm đam mê toán học của em bắt đầu từ những câu chuyện liên quan đến… toán của các nhà Toán học. Trung đặc biệt thích đọc những mẩu chuyện vui về cuộc đời của các thần đồng toán học như Euclid , G. F. Bernhard Riemann,  Friedrich Gauss, hay Euler…

Cậu bé “vàng” Vũ Xuân Trung: Đam mê từ những câu chuyện vui về các nhà Toán học

Vũ Xuân Trung bên góc học tập nhỏ của mình.

Khi được hỏi: “Bí quyết học giỏi Toán của Trung là gì?”, em chỉ cười. Em bảo: “Em cũng chẳng có bí quyết gì ghê gớm cả. Em chỉ học khi tâm trạng thoải mái nhất. Lúc đó đầu óc minh mẫn, hiệu quả học tập mới cao”.

Trên lớp Trung đặc biệt chú ý nghe thầy cô giảng bài để ghi nhớ kiến thức, về nhà đỡ phải học lại. Thời gian dành cho học Toán ở nhà của Trung thường gói gọn trong 1 - 2 tiếng (từ 20h - 22h), và đặc biệt phải tập trung khi học. “Khi nào cần thì em mới tăng thời gian học lên. Nói chung, theo em cũng không cần học quá nhiều”, Trung nói.  

Thỉnh thoảng, để tạo hứng thú và làm cho tinh thần phấn chấn, Trung làm những bài toán nhỏ, và có mức độ tương đối… đơn giản. Lúc rảnh rỗi, Trung hay làm những bài toán đố mẹo, đố vui. Trung cũng thường tự mày mò tìm thêm các dạng bài hay trên Internet.

Khi hỏi về Toán học, như “động” đúng vào niềm đam mê của Trung, cậu học trò với nụ cười hiền tỏ ra vô cùng hào hứng kể cho chúng tôi nghe về cách làm, cách giải của mỗi dạng toán.

Cậu bé “vàng” Vũ Xuân Trung: Đam mê từ những câu chuyện vui về các nhà Toán học

Là con trai, nhưng không có nghĩa không biết nấu cơm...

Theo Trung, đối với đại số thì chỉ có cách làm thật nhiều, cứ làm nhiều bài tập rồi đến một lúc mình quen, nhìn thấy dạng bài đấy là có cách làm luôn. Còn đối với hình học thì mình tư duy bài từ dưới lên trên hoặc từ trên xuống dưới. Cứ dựng hình ra rồi quan sát thật kỹ là mình sẽ có cách làm.

“Từ giả thiết kết hợp với hình thì sẽ nhanh chóng tìm ra. Thường để giải những bài hình khó, em hay sử dụng những định lý được coi là đẹp như: những định lý, tiên đề cơ bản, đơn giản. Còn khi không nghĩ được cách giải đẹp thì em sử dụng đại số, như áp dụng hệ tọa độ Oxyz để giải…”, Trung nói.

Sau những giờ học, Trung dành thời gian giúp đỡ gia đình, đi chơi với bạn, xem video hài hay đọc truyện cười. Đặc biệt khi đầu óc căng thẳng, Trung thường nghe nhạc baroque (nhạc Ba rốc - là thể loại nhạc cổ điển thịnh hành vào thế kỷ 17-18 với các nhạc sĩ lỗi lạc như Bach, Vivaldi, có lợi ích rất lớn cho việc học tập) : “Trên YouTube có cả kho nhạc giúp học tập và làm việc”, Trung cười.

Để tiếp tục được theo đuổi niềm đam mê môn học tưởng chừng khô khan và khó nhằn này, Trung bảo, sau khi tốt nghiệp cấp III, em sẽ thi vào Khoa Toán, trường ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐH Quốc gia Hà Nội).

Xuân Trung có một kỷ niệm đặc biệt về nguồn động lực mạnh mẽ đã thôi thúc em suy nghĩ nghiêm túc về việc học.

Trung kể, hồi cấp I, em chưa bao giờ có ý nghĩ mình sẽ học giỏi môn Toán. Đến giữa kỳ I năm lớp 7, em gặp bài toán hình rất hay, hay đến mức mà em đã nghĩ ra ý tưởng mới.

“Em khai thác được tính chất rất đẹp và còn chứng minh được công thức ấy. Từ đó em nhận thấy môn Toán cũng đơn giản và em tự thấy sự thú vị mỗi khi làm toán”, cậu bé “vàng” chia sẻ.

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cậu bé “vàng” Vũ Xuân Trung: Đam mê từ những câu chuyện vui về các nhà Toán học