Lợi dụng cho ở nhờ, BQL di tích “tá hỏa” khi gần 1/4 diện tích khu vực I được cấp sổ đỏ cho cá nhân, chia thành 3 lô với diện tích 608m2 và bán lại cho nhiều người khác. Đáng nói, hàng chục năm qua BQL di tích “kêu cứu” nhưng vẫn trong tình trạng bế tắc.
Di tích kiến trúc – nghệ thuật Chùa Ông (xã Nghĩa Hòa, huyện Tư Nghĩa, tỉnh Quảng Ngãi) do 18 tộc họ Minh Hương đồng lập gần 300 năm trước. Đến ngày 7/1/1993, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch ban hành quyết định công nhận là di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia, thuộc diện tích khu vực I (bất khả xâm phạm) với 2.730m2 có hướng Tây giáp đường nông thôn và khu vực II (khoanh vùng bảo vệ) có diện tích 1.456m2.
Hướng Tây thuộc phạm vi khu vực I giáp đường nông thôn, bỗng hô biến thành đất tư và xây nhà ở kiên cố trong diện tích đất di tích quốc gia Chùa Ông.
Trước khó khăn nơi ở, đại diện 18 tộc họ Minh Hương cho ông Từ Thanh Minh ở tạm và tiện hương khói. Vào tháng 12/2001, UBND huyện Tư Nghĩa cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) với lý do ông Từ Thanh Minh khai do cha mẹ tạo lập trước năm 1975, diện tích cấp chia thành 3 lô (1 lô 123m2 và 2 lô 485m2) nằm hướng Tây giáp đường nông thôn, hướng Đông và hướng Bắc giáp di tích quốc gia Chùa Ông.
Ông Từ Quang Tuấn – Trưởng Ban quản lý di tích Chùa Ông, cho biết: “Vào năm 2005, thành viên 18 tộc họ Minh Hương họp bàn, vận động nguồn tiền nhằm làm hàng rào bảo vệ, hỗ trợ 20 triệu đồng cho gia đình ông Từ Thanh Minh di chuyển tìm nơi ở khác ngoài khuôn viên di tích. Lúc này, chúng tôi mới biết ông Minh đã có sổ đỏ và tôi liên tục đề nghị cơ quan chức năng can thiệp. Thế nhưng đến tháng 10/2018, sự việc chỉ dừng lại ở hành động cắm mốc khoanh vùng mà thôi”.
Sau lời kêu cứu bảo vệ di tích, vào tháng 11/2005, UBND tỉnh Quảng Ngãi chỉ đạo huyện Tư Nghĩa có biện pháp giữ nguyên hiện trạng đất di tích, nghiêm cấm mọi hoạt động xây dựng, mua bán, chuyển nhượng, lấn chiếm đất trong khu vực đã khoanh vùng bảo vệ của di tích chùa Ông.
Bảng pa-nô vừa đặt trước cổng Chùa Ông thông tin khu vực bảo vệ di tích quốc gia.
Qua 2 năm, huyện Tư Nghĩa vẫn “im lặng”. Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch ban hành 2 văn bản lên UBND huyện Tư Nghĩa (tháng 10 và tháng 12/2007), đề nghị ngăn chặn hành vi xây dựng trái phép trong khuôn viên đất di tích nhưng nhà dân vẫn “mọc lên”.
Trong khi UBND tỉnh và Sở VHTT-DL tỉnh Quảng Ngãi đã có công văn chỉ đạo nhưng UBND huyện Tư Nghĩa cứ mãi “im lặng” và phần đất bị “xẻ thịt” trong di tích quốc gia tồn tại cùng nhà cửa khang trang. Đến tháng 1/2010, Cục Di sản văn hóa – Bộ VHTT-DL có văn bản đề nghị địa phương can thiệp.
Theo đề nghị của Thanh tra tỉnh, vào tháng 8/2012, UBND tỉnh Quảng Ngãi thống nhất phương án di dời 2 hộ dân sở hữu phần đất bị xâm hại, tổ chức cắm mốc giới bảo vệ và khắc phục hậu quả xây dựng nhà ở trái phép. Đồng thời xem xét đầu tư Dự án đầu tư trùng tu, tôn tạo di tích Chùa Ông ngay trong năm 2012 bằng nguồn vốn của Bộ VHTT-DL, nguồn ngân sách và huy động hợp pháp khác.
Ông Từ Quang Tuấn nhấn mạnh: “Năm 2012 cấp tỉnh đã chỉ đạo xử lý, đến nay có hàng chục văn bản của UBND tỉnh, Thanh tra tỉnh và Sở VHTT-DL nhưng huyện Tư Nghĩa không có hành động nào xử lý dứt điểm. Tất cả chỉ dừng lại việc cắm mốc giới, dựng bảng pa-nô bản đồ khoanh vùng rồi để đó”.
Gần 300 năm tuổi, di tích Chùa Ông là nơi che chở cách mạng và đứng sừng sững dưới làn bom đạn của giặc ngoại xâm. Thế nhưng trong thời bình, nơi thờ tự Quan Thánh lại bị xâm hại nghiêm trọng.
Mặc dù đã có sự chỉ đạo của UBND tỉnh, nhưng cấp huyện vẫn "làm ngơ", không xử lý dứt điểm, điều này khiến dư luận đặt câu hỏi về sự khuất tất trong giải quyết vụ việc của chính quyền địa phương.