Căng thẳng Ukraine leo thang: Tổng thống Putin tuyên bố lợi ích của Nga là vấn đề “không thể đàm phán”

Nhật Minh| 23/02/2022 16:43
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố Moscow sẵn sàng tìm kiếm các giải pháp ngoại giao trong bối cảnh căng thẳng với phương Tây về vấn đề Ukraine leo thang sau quyết định công nhận hai nước cộng hòa tự xưng ở miền Đông Ukraine, đồng thời nhấn mạnh các lợi ích của Nga là vấn đề không thể đàm phán.

Căng thẳng ở miền Đông Ukraine tiếp tục leo thang

Ngày 21/2, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ký sắc lệnh công nhận hai nước Cộng hòa tự xưng Donetsk và Lugansk, cũng như ký Hiệp ước Hữu nghị, Hợp tác và Tương trợ lẫn nhau với hai nước Cộng hòa này.

Sau đó cùng ngày, Tổng thống Nga đã ra lệnh triển khai quân đội đến LPR và DPR, sau khi tuyên bố công nhận nền độc lập của hai nước cộng hòa tự xưng này. Tuyên bố của Điện Kremlin cho biết Tổng thống Putin đã chỉ thị Bộ Quốc phòng Nga điều động binh sĩ tới hai khu vực trên “làm nhiệm vụ gìn giữ hòa bình” tại đây.

tongthongputin.jpg
Tổng thống Nga Vladimir Putin tại Diễn đàn "Nước Nga kêu gọi!"

Ngày 22/2, Duma quốc gia (Hạ viện) Nga đã phê chuẩn các hiệp ước trên. Dự kiến, các hiệp ước này sẽ có hiệu lực sau khi được Tổng thống Putin ký ban hành.

Tuy nhiên, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov ngày 22/2 tuyên bố việc triển khai các lực lượng Nga ở 2 cộng hòa nhân dân Donetsk và Lugansk tự xưng sẽ được thực hiện nếu ban lãnh đạo 2 cộng hòa này yêu cầu như vậy, đồng thời cũng tùy thuộc vào tình hình tại đây và tính khả thi của quyết định này.

Lý giải về quyết định bất ngờ được đưa ra trong bối cảnh căng thẳng ở miền Đông Ukraine tiếp tục leo thang, người đứng đầu Điện Kremlin cho biết tại cuộc họp Hội đồng An ninh Liên bang Nga như sau: “Các vấn đề về việc công nhận chủ quyền của Cộng hòa Nhân dân Donetsk và Lugansk đó liên quan mật thiết với nhau, đây là những vấn đề khác nhau, nhưng lại liên quan rất chặt chẽ đến các vấn đề toàn cầu về đảm bảo an ninh trên thế giới nói chung và trên lục địa châu Âu nói riêng”.

Theo ông Putin, đây là lý do tại sao hồi cuối năm ngoái, trong những tháng gần đây, Liên bang Nga đã tăng cường làm việc với các đối tác ở Washington và NATO để "cuối cùng thỏa thuận về các biện pháp an ninh này và đảm bảo sự phát triển hòa bình và thịnh vượng của đất nước trong điều kiện hòa bình”.

Tổng thống Putin nhấn mạnh mối đe dọa đối với Nga sẽ gia tăng đáng kể nếu Ukraine gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), đồng thời khẳng định rằng, ưu tiên của Moscow là “không đối đầu, nhưng phải đảm bảo an ninh”.

Trước đó, Điện Kremlin cho biết, quyết định công nhận nền độc lập của LPR và DPR thể theo đề nghị của lãnh đạo hai khu vực này. Quyết định cũng đã được Tổng thống Putin thông báo trong các cuộc điện đàm với các nhà lãnh đạo của Đức và Pháp trước đó.

EU, Mỹ, Nhật Bản đồng loạt thông qua các biện pháp trừng phạt Nga

Sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố chính thức công nhận nền độc lập của 2 nước Cộng hòa Donetsk (DPR) và Luhansk (LPR) tự xưng ở Donbass, miền Đông Ukraine, ngày 22/2, Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết từ ngày 23/2 (giờ địa phương), Mỹ sẽ trừng phạt Ngân hàng VEB và Ngân hàng Quân đội Nga, cũng như giới tinh hoa của nước này cùng các thành viên gia đình họ.

Trong khi đó, cùng ngày, đại diện cấp cao về chính sách an ninh và đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU) Josep Borrell thông báo 27 quốc gia thành viên EU đã nhất trí thông qua gói biện pháp trừng phạt mới đối với Moscow. Nội dung trừng phạt bao gồm lệnh phong tỏa tài sản và cấm thị thực.

Theo ông Borrell, toàn bộ 27 quốc gia thành viên EU đã nhất trí với các biện pháp trên tại một cuộc họp không chính thức ở Paris (Pháp) bên lề của một diễn đàn quốc tế.

josepborrell.jpg
Đại diện cấp cao về chính sách an ninh và đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU) Josep Borrell

Sputnik dẫn phát biểu của ông Borrell sau cuộc họp không chính thức của các Ngoại trưởng EU nêu rõ: “Ngày 22/2, chúng tôi đã nhất trí rằng 351 thành viên của Hạ viện (Duma Quốc gia) Nga đã bỏ phiếu ủng hộ những hành vi vi phạm luật pháp quốc tế, xâm phạm chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine sẽ nằm trong danh sách trừng phạt của chúng tôi”, cùng với 27 cá nhân và pháp nhân. Ngoài ra, ông Borrell cũng tiết lộ về việc EU sẽ áp đặt thêm các biện pháp trừng phạt nếu xung đột tiếp tục leo thang.

Theo quan chức EU, các biện pháp trừng phạt sẽ nhằm vào những ngân hàng đang cung cấp tài chính cho giới hoạch định chính sách của Nga và các hoạt động khác ở Donbass.

Ông khẳng định EU sẽ nhằm vào các mối quan hệ kinh tế của DPR và LPR. Tuy vậy, các biện pháp trừng phạt sẽ không được áp dụng đối với Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ngoài ra, ông Borrell cũng nhấn mạnh EU sẵn sàng đối thoại với Nga, song không phải trong tình huống xảy ra “đe dọa quân sự”.

Trong một động thái tương tự, Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida đã tuyên bố áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Nga sau quyết định công nhận nền độc lập của hai nước Cộng hòa tự xưng Donetsk (DPR) và Luhansk (LPR) của Tổng thống Vladimir Putin.

Được biết, chính quyền Nhật Bản ngừng cấp thị thực cho các đại diện của DNR và LNR, đóng băng vốn tư bản, cấm quan hệ xuất-nhập khẩu với các nước Cộng hòa này, cũng như cấm bố trí và triển khai hoạt động về những khoản nợ mới của Chính phủ Nga ở Nhật Bản.

Theo thông báo đăng trên website của Bộ Ngoại giao Nhật Bản, Ngoại Yoshimasa Hayashi tuyên bố, chính quyền Nhật Bản sẵn sàng hợp tác với cộng đồng thế giới về “những biện pháp cứng rắn” chống Nga vì tình hình xung quanh Ukrine.

Ông Hayashi nhấn mạnh, những động thái này là “hoàn toàn không thể chấp nhận” và Nhật Bản kịch liệt lên án. “Nhật Bản sẽ tiếp tục theo dõi sát sự phát triển của tình hình và phối hợp thi hành những biện pháp trả đũa cứng rắn, kể cả những biện pháp trừng phạt trong sự hợp tác với cộng đồng quốc tế”, ông Hayashi cho biết.

Cùng ngày, Đức và Anh công bố một số biện pháp trừng phạt Nga. Cụ thể, tối 22/2, Thủ tướng Đức Olaf Scholz xác nhận đã yêu cầu các cơ quan quản lý của nước này dừng quá trình xem xét, cấp giấy chứng nhận vận hành dự án Nord Stream 2 nối Nga và Đức. Thủ tướng Đức cũng thông báo sẽ có thêm các biện pháp trừng phạt khác theo sau việc Nga công nhận hai vùng ly khai ở Ukraine.

Theo sau Đức, Vương quốc Anh cũng công bố trừng phạt 5 ngân hàng của Nga và 3 công dân Nga được cho là có quan hệ gần gũi với giới lãnh đạo Moscow. Mọi tài sản mà các cá nhân này có ở Anh sẽ bị đóng băng, bản thân họ cũng bị cấm nhập cảnh vào Anh. Thủ tướng Anh Boris Johnson tuyên bố đây chỉ là những bước đầu tiên và cảnh báo London sẽ tiếp tục áp lệnh trừng phạt nếu Nga leo thang căng thẳng.

Hội đồng Bảo an họp khẩn, khẳng định tìm kiếm giải pháp hòa bình cho vấn đề Ukraine

Trước những diễn biến mới nhất tại Ukraine, sáng 22/2 (theo giờ Việt Nam), Hội đồng Bảo an LHQ đã tiến hành phiên họp khẩn cấp về vấn đề Ukraine, sau khi Nga chính thức công nhận độc lập của 2 cộng hòa nhân dân Donetsk và Lugansk tự xưng.

Phát biểu trước báo giới tại trụ sở LHQ ở New York (Mỹ), Tổng Thư ký Liên hợp quốc LHQ Antonio Guterres cam kết LHQ sẽ không bao giờ từ bỏ việc tìm kiếm một giải pháp hòa bình cho vấn đề này.

antonioguterres.jpeg
Tổng Thư ký Liên hợp quốc LHQ Antonio Guterres cam kết LHQ sẽ không bao giờ từ bỏ việc tìm kiếm một giải pháp hòa bình cho vấn đề Ukraine

Tổng Thư ký Guterres nêu rõ các bên phải phối hợp và cùng nhau ứng phó với thách thức này nhằm bảo vệ người dân Ukraine. Theo ông, đã đến lúc các bên quay trở lại con đường đối thoại và đàm phán. Ông Guterres cũng bày tỏ quan ngại về những diễn biến mới nhất liên quan tình hình Ukraine, đồng thời khẳng định cam kết thực hiện mọi nỗ lực để giải quyết căng thẳng hiện nay bằng biện pháp hòa bình.

Cùng ngày, Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock đã có cuộc điện đàm với ngoại trưởng Nhóm Các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) khác và Đại diện cấp cao phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU).

Tại cuộc điện đàm, các ngoại trưởng chỉ trích việc Nga công nhận DPR và LPR, cũng như việc Nga quyết định đưa quân đội vào các khu vực này. Căn cứ vào những diễn biến mới và kết quả cuộc gặp ngày 19/2 vừa qua tại Munich (Đức), các ngoại trưởng G7 đã chuẩn bị cho các bước tiếp theo, trong đó có mở rộng các biện pháp hạn chế nhằm vào Nga, đồng thời nhất trí phối hợp chặt chẽ trong vấn đề này.

Trong khi đó, Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) ngày 22/2 cũng tổ chức cuộc họp bất thường theo yêu cầu của Ukraine sau những động thái trên của Nga.

Trong khi đó, cũng trong ngày 22/2, phát biểu trên kênh truyền hình Rossiya-24, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov cho biết nước này hi vọng Ban Thư ký của LHQ sẽ cân nhắc đến những nguyên tắc cơ bản của tổ chức quốc tế này trước khi đưa ra bất kỳ tuyên bố nào về quyết định của Nga công nhận độc lập của 2 cộng hòa nhân dân Donetsk và Lugansk tự xưng ở miền Đông Ukraine.

Ngoại trưởng Lavrov đồng thời nhấn mạnh mong muốn rằng LHQ sẽ dựa trên những nghị quyết của tổ chức mà đã được các nước thành viên thông qua, những nghị quyết có ý nghĩa quan trọng trong việc thực hiện các nguyên tắc và mục tiêu của Hiến chương LHQ khi đưa ra bất kỳ tuyên bố nào.

Tổng thống Putin: Sẵn sàng đối thoại trực tiếp và thẳng thắn

Ngày 23/2, Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố Moscow đã sẵn sàng tìm kiếm các giải pháp ngoại giao trong bối cảnh căng thẳng với phương Tây về vấn đề Ukraine leo thang, đồng thời nhấn mạnh các lợi ích của Nga là vấn đề không thể đàm phán.

Trong tuyên bố, Tổng thống Putin nhấn mạnh nước Nga luôn sẵn sàng cho đối thoại trực tiếp và thẳng thắn, cũng như tìm kiếm các giải pháp ngoại giao cho những vấn đề phức tạp nhất. Bên cạnh đó, ông khẳng định những lợi ích của Nga và an ninh của người dân nước này là không thể đưa ra thương lượng.

Trước đó, ngày 22/2, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tuyên bố sẽ cân nhắc việc cắt đứt quan hệ với Nga sau khi Moscow công nhận độc lập hai vùng ly khai ở miền Đông Ukraine.

Trong một diễn biến liên quan, Sputnik dẫn thông báo của Bộ Ngoại giao Nga cho biết: "Trong tình hình hiện nay, ưu tiên hàng đầu của chúng tôi là bảo vệ tính mạng và sự an toàn của các nhà ngoại giao Nga, nhân viên Đại sứ quán và các cơ quan ngoại giao Nga. Do đó, lãnh đạo Nga quyết định sơ tán nhân viên thuộc các phái bộ ngoại giao Nga ở Ukraine. Công tác này sẽ được thực hiện trong thời gian sớm nhất". Thông báo nêu rõ các nhân viên ngoại giao Nga "nhận được những lời đe dọa" và đã xảy ra một vài vụ phóng hỏa xe của các phái bộ ngoại giao Nga.

Thông báo sơ tán nhân viên ngoại giao Nga tại Ukraine được đưa ra sau khi Thượng viện Nga ngày 22/2 thông qua đề xuất triển khai quân đội ra nước ngoài của Tổng thống Vladimir Putin.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Căng thẳng Ukraine leo thang: Tổng thống Putin tuyên bố lợi ích của Nga là vấn đề “không thể đàm phán”