Quyết định công nhận sự thỏa thuận của đương sự là phán quyết có tính chất ghi nhận và tôn trọng sự thỏa thuận của các bên nhưng đã bị “hình sự hóa” bằng quyết định khởi tố bất ngờ của VKSNDTC khiến dư luận không khỏi bất ngờ, băn khoăn.
“Hình sự hóa” vụ việc dân sự
Sáng ngày 14/12, Cơ quan điều tra VKSNDTC đã tống đạt Quyết định khởi tố bị can đối với bà Quảng Thị Thái Bình, tại trụ sở VKSND huyện Ninh Phước. Thẩm phán Hán Văn Nhuận, Chánh án TAND huyện Ninh Phước cũng bị triệu tập để phối hợp giải quyết vụ án. Giấy triệu tập ghi làm việc một ngày nhưng tại TP Hồ Chí Minh ông Nhuận đã phải làm việc suốt ba ngày, sau mỗi ngày làm việc với Điều tra viên tâm trạng ông càng suy sụp hơn.
Các cơ quan báo chí đưa tin: Sau khi nghe tin Thư ký Quảng Thị Thái Bình bị khởi tố, Chánh án Hán Văn Nhuận mặc trang phục công sở nhưng không đến cơ quan mà đi xe một vòng trong làng, gặp ai cũng chào, rồi lên khu rẫy của gia đình ở chân núi. Buổi trưa, ông gọi điện từ biệt người thân sau khi uống hết chai thuốc diệt cỏ. Bài báo nhận xét: “Chánh án Nhuận đã trầm uất và hoảng loạn sau khi làm việc với điều tra viên, anh đã tìm đến cái chết như cách chứng mình sự trong sạch”.
Trong đơn gửi các cơ quan chức năng, bà Quảng Thị Thái Bình cho biết, quá trình làm việc có sai sót về thủ tục tố tụng dân sự là không gửi ngay biên bản hòa giải thành cho bị đơn, mà gửi trễ hơn thường lệ nhưng không làm sai lệch hồ sơ, nội dung vụ án. Hồ sơ thể hiện đầy đủ ý chí, sự tự nguyện thỏa thuận của nguyên đơn, bị đơn, đương sự thống nhất với nhau về số nợ và đồng ý trả nợ. Nội dung biên bản được thông qua và đương sự ký vào đầy đủ, lưu trong hồ sơ vụ án.
Tuy nhiên, trong các buổi làm việc với các ĐTV của VKSNDTC, bà thấy mình bị chèn ép, tạo áp lực khi ghi lời khai dùng các thuật ngữ như “ký khống”, ‘trái quy định” không phù hợp với quá trình xác minh vụ việc dân sự. Bà nói rằng, những sai sót nếu có thì chỉ là “vi phạm về tố tụng dân sự”, nhưng ĐTV vẫn làm việc và ghi vào biên bản theo hướng như vậy. Các ý kiến của bà Bình đều không được ghi vào biên bản.
Bà Hán Thị Khánh Ly- em gái ông Nhuận cũng cho biết: sau mỗi lần bị triệu tập và làm việc với ĐTV tinh thần ông Nhuận vô cùng hoảng loạn, lo lắng. Sau 3 ngày làm việc với ĐTV ông Nhuận khủng hoảng hoàn toàn và bị trầm cảm nặng nề. Ông nói “chỉ có cái chết mới chứng minh được với gia đình, dòng họ là mình trong sạch”. Và rồi diễn tiến đau lòng đã xảy ra sau đó, ông Nhuận đã tìm đến cái chết như một sự chứng minh mình trong sạch khiến nhiều người bàng hoàng, tiếc nuối.
Điều đáng nói trong vụ án này, mặc dù ông Hán Văn Nhuận là Chánh án huyện, là cán bộ Đảng viên thuộc cấp ủy quản lý, nhưng khi làm việc lấy lời khai của ông Nhuận, CQĐT VKSNDTC đều không thông báo cho Ban cán sự Đảng TAND tỉnh cũng như cấp ủy địa phương. Việc làm này của Cơ quan điều tra VKSNDTC không những không thực hiện đúng Chỉ thị 26 của Bộ Chính trị và Hướng dẫn số 04 của Ban Bí thư mà còn khiến dư luận cảm giác rằng có sự bất thường trong công tác điều tra.
Thẩm phán Hán Văn Nhuận và Thư ký Quảng Thị Thái Bình sai gì?
Sau khi hoà giải thành, chốt số nợ 3 tỷ đồng thì hai bên đương sự nhắc là họ đã trả 100 triệu. Thư ký đã tự ghi thêm vào biên bản thoả thuận nội dung: Đã trả 100 triệu, còn nợ 2,9 tỉ. Nội dung này không có trong buổi hoà giải, tự ghi thêm là sai. Nhưng tới giờ hai bên đương sự đều thừa nhận đó là ý chí của họ.
Thời điểm diễn ra buổi hoà giải, Thẩm phán Hán Văn Nhuận đang đi học tại Hà Nội, không có mặt nhưng ông Nhuận vẫn ký vào biên bản hoà giải thành với tư cách chủ trì, là sai.
Thư ký Quảng Thị Thái Bình sau đó không giao kịp thời quyết định hoà giải thành nên ảnh hưởng quyền của đương sự và người có quyền, nghĩa vụ liên quan.
Tại Điều 212 khoản 3 của BLTTDS quy định: “Trong trường hợp quy định tại khoản 4 Điều 210 của Bộ luật này mà các đương sự có mặt thỏa thuận được với nhau về việc giải quyết vụ án thì thỏa thuận đó chỉ có giá trị đối với những người có mặt và được Thẩm phán ra quyết định công nhận nếu không ảnh hưởng đến quyền, nghĩa vụ của đương sự vắng mặt”. Ông Hoàng là người có mặt, tiếp nhận các chứng cứ và ký vào biên bản hòa giải thành.
Vì thế, TAND tỉnh Ninh thuận và các cấp toà sau đó khẳng định: Quyết định của Thẩm phán Nhuận là đúng; sai sót về thủ tục không làm thay đổi bản chất và tính chính xác của quyết định công nhận hoà giải thành. Vì các đương sự đã thoả thuận y như nội dung quyết định, không thay đổi nghĩa vụ trả nợ. Phần ghi thêm là do sự đồng ý của nguyên đơn và bị đơn (sửa 3 tỷ thành 2,9 tỉ theo đề nghị của nguyên đơn và bị đơn).
Do vậy, cái sai của Thẩm phán và Thư ký Toà án không gây ra thiệt hại cho đương sự, không làm thay đổi bản chất vụ án, không gây thiệt hại khác cho xã hội ngoài việc sai thủ tục tố tụng.
Về mục đích phòng chống tội phạm, ông Nhuận và bà Bình không nguy hiểm cho xã hội để coi là tội phạm. Dấu hiệu tội phạm trong vụ này không rõ, thiệt hại cho đương sự và xã hội là không có, các sai sót đã được khắc phục, do vậy ông Nhuận, bà Bình không phải là tội phạm.
Việc Chánh án TANDTC kháng nghị huỷ quyết định tái thẩm của TANDCC tại TP Hồ Chí Minh là cần thiết. Những sai sót cá nhân cần phải xử lý theo quy định của ngành Tòa án.
Là con em đồng bào dân tộc Chăm, tốt nghiệp Đại học luật , qua quá trình công tác, ông Hán Văn Nhuận đã phấn đấu trở thành Thẩm phán, được tín nhiệm bổ nhiệm Chánh án. Ông cũng là người nổi tiếng công minh, liêm khiết, chính trực được người dân trong vùng yêu mến. Là một Chánh án người Chăm, một lời giải thích pháp luật rất có giá trị với đồng bào.
Chánh án Hán Văn Nhuận đã trầm uất và hoảng loạn sau khi làm việc với Điều tra viên và anh đã tìm đến cái chết như cách chứng minh sự trong sạch. Thẩm phán Nhuận mất, không chỉ là điều đau lòng của gia đình, đồng nghiệp, mà rất tiếc cho sự nghiệp chung.