Sự thật vụ án liên quan đến việc một Chánh án huyện tự tử ở Ninh Thuận

Mai Thoa| 30/12/2021 13:30
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Trong những ngày qua, thông tin Thẩm phán Hán Văn Nhuận - Chánh án TAND huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận tự tử sau khi một Thư ký Tòa án bị khởi tố điều tra về vụ án dân sự mà ông giải quyết từ năm 2017, khiến dư luận quan tâm đặc biệt.

Câu hỏi đặt ra là vụ án đã được giải quyết thế nào và việc khởi tố điều tra đối với Thư ký Tòa án ra sao để dẫn đến kết cục đau lòng như vậy, Báo Công lý sẽ thông tin cụ thể về vụ việc này.

z3063682180207_33638f2bf7f5abfa8e9db044e69a3326.jpg
Trụ sở TAND huyện Ninh Phước- Ninh Thuận.

Bài 1: Một vụ việc, hai phán quyết trái ngược nhau

Nội dung vụ việc

Vụ án dân sự tranh chấp hợp đồng vay tài sản giữa nguyên đơn là bà Viên Thị Thanh Loan (sinh năm 1971) với bị đơn là vợ chồng bà Nguyễn Thị Ngọc Oanh (sinh năm 1983), ông Nguyễn Quốc Hoàng (sinh năm 1981). Bị đơn và nguyên đơn cùng trú tại khu phố 4, thị trấn Phước Dân, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận.

Thẩm phán Hán Văn Nhuận và Thư ký Quảng Thị Bình được phân công giải quyết vụ án trên.

Theo đơn khởi kiện, năm 2015, bà Nguyễn Thị Ngọc Oanh và ông Nguyễn Quốc Hoàng vay của bà  Loan nhiều lần, mỗi lần từ 100.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, vay 05 đến 10 ngày thì trả, lãi suất theo ngày 1.500 đồng/1.000.000 đồng/ngày, hai bên thực hiện vay và trả đầy đủ, không phát sinh tranh chấp.

Đến cuối tháng 12/2015, vợ chồng bà Oanh, ông Hoàng đến nhà giao cho bà Loan một giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) ngôi nhà mà vợ chồng bà Oanh đang ở để vay số tiền 3.000.000.000 đồng (3 tỷ đồng), thời hạn vay 1 tuần. Sau đó vợ chồng bà Oanh, ông Hoàng hứa hẹn nhưng không trả gốc và lãi cho bà Loan.

Ngày 30/6/2016, bà Oanh viết giấy nợ, nhưng không đồng ý sang nhượng nhà, đất để trừ bớt một phần nợ. Bà Loan khởi kiện yêu cầu Tòa án buộc vợ chồng ông Hoàng, bà Oanh trả cho bà 3 tỷ đồng và tiền lãi theo lãi suất do Nhà nước quy định.

Phiên kiểm tra, giao nhận chứng cứ và hòa giải vào buổi chiều ngày 16/6/2017 có mặt nguyên đơn là bà Loan, bị đơn là bà Oanh, còn ông Hoàng vắng mặt. Bà Oanh làm bản tự khai thừa nhận số tiền vay nợ của bà Loan 2,9 tỷ đồng và đồng ý trả nợ. Bà Loan cũng có bản khai thống nhất với khoản nợ này của bà Oanh, ông Hoàng. Sau đó hai bên ký vào biên bản hòa giải và biên bản hòa giải thành (chưa ghi ngày tháng năm).

Buổi sáng ngày 19/6/2017, Tòa án triệu tập các đương sự đến làm việc thì ông Hoàng và bà Loan có mặt, bà Oanh vắng mặt. Tại phiên làm việc, Thẩm phán Hán Văn Nhuận vắng mặt nên Thư ký Quảng Thị Thái Bình đã trực tiếp làm việc với các đương sự. Ông Hoàng được xem các chứng cứ do bà Loan cung cấp.

Tại Biên bản lấy lời khai và Biên bản hòa giải cùng ngày 19/6/2017, ông Nguyễn Quốc Hoàng (chồng bà Oanh) cũng xác nhận việc vợ chồng ông “có vay tiền của bà Loan vài lần để đáo hạn ngân hàng, sau này vợ ông đến nhà bà Loan vay số tiền 3 tỉ đồng và dùng sổ đỏ đứng tên ông làm tín chấp để vay tiền. Việc vợ ông là bà Oanh đi vay, ông không biết cho đến khi vỡ nợ bà Loan đến đòi nợ. Nay bà Loan khởi kiện, ông đồng ý cùng vợ trả nợ cho bà Loan”.

Sau khi ông Hoàng thừa nhận vợ chồng ông có nợ bà Loan số tiền 2,9 tỷ đồng và đồng ý ký biên bản ghi lời khai và ký vào biên bản hòa giải thành được lập ngày 19/6/2017, biên bản đã có chữ ký của bà Loan và bà Oanh.

Hết thời hạn 7 ngày kể từ ngày lập biên bản hòa giải thành, Thẩm phán ban hành Quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự số 14/2007/QĐDS-ST. Tuy nhiên, sau khi nhận được Quyết định này, bị đơn Nguyễn Quốc Hoàng lại làm đơn khiếu nại, tố cáo đến nhiều cơ quan cho rằng vợ ông vay tiền của bà Loan nhưng ông Hoàng không biết và không đồng ý trả nợ cho bà Loan nhưng trong biên bản Thư ký Toà án lại ghi nội dung này vào; đồng thời không tống đạt văn bản tố tụng cho ông trong thời hạn luật định gây ảnh hưởng đến việc bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của ông.

Sau khi có đơn của ông Hoàng, ngày 04/01/2019, VKSNDCC tại TP Hồ Chí Minh ban hành Thông báo số 89/TB-VKS-DS trả lời với nhận định: “Theo đơn đề nghị kháng nghị giám đốc thẩm của ông Nguyễn Quốc Hoàng cho rằng việc bà Oanh vay mượn tiền của bà Loan ông không biết và không đồng ý trả nợ cho bà Loan. “Khi lấy lời khai của ông thì Thẩm phán không có mặt, Thư ký tự ý thêm nội dung “đồng ý trả nợ” vào. VKS cũng nhận định: việc vay, mượn tiền giữa bà Loan với vợ chồng ông Hoàng là có thực, được chính các bên thừa nhận. Do đó, việc ông Hoàng cho rằng ông không biết và không đồng ý trả nợ cùng vợ là không đúng, không phù hợp với Điều 27 Luật Hôn nhân và gia đình về nghĩa vụ liên đới của vợ chồng. Vì vậy, không có căn cứ để kháng nghị giám đốc thẩm đối với Quyết định công nhận sự thỏa thuận của Tòa án huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận”.

Tiếp đến, ngày 04/6/2019, TANDCC tại TP Hồ Chí Minh có Thông báo số 543/TB-TA về việc giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm của ông Nguyễn Quốc Hoàng đã nhận định: “….Xét thấy, việc vay mượn tiền giữa bà Loan với vợ chồng ông, bà là có thực, được chính các bên thừa nhận”. Đồng thời, Tòa án cũng đưa ra nhận định như VKSNDCC là không có căn cứ kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm.

Ngày 26/3/2020, TANDTC cũng đã xem xét vụ việc kỹ lưỡng và có Thông báo số 81/TB-TA, trong đó nêu rõ việc không có căn cứ để kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm đối với Quyết định công nhận sự thỏa thuận số 14/2017/QĐST-DS ngày 27/6/2017 của TAND huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận.

Như vậy, các cơ quan có thẩm quyền giám đốc thẩm theo quy định của BLTTDS đã kết luận không có căn cứ để cho rằng Thư ký Tòa án đã làm giả các biên bản hòa giải, không có căn cứ để kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm đối với Quyết định công nhận sự thỏa thuận số 14/2017.

z3033020625225_aa2c6598098dd01a00e8c3e578acbb45.jpg
Thẩm phán Hán Văn Nhuận được bổ nhiệm Chánh án TAND huyện Ninh Phước cách đây không lâu.

Diễn biến bất ngờ…

Vụ việc sau đó đã được cơ quan Thi hành án tiến hành xong bản án, thì bất ngờ ngày 26/5/2020, Cơ quan điều tra VKSNDTC có Văn bản số 541/VKSTC-C1(P5) kiến nghị VKSNDCC tại TP Hồ Chí Minh xem xét kháng nghị đối với Quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự số 14/2017/QĐST-DS, theo tố cáo của bị đơn Nguyễn Quốc Hoàng tố cáo Thẩm phán Nhuận và Thư ký Bình, dù nội dung không có gì mới.

Sau kiến nghị này, ngày 17/11/2020, Viện trưởng VKSNDCC tại TP Hồ Chí Minh đã kháng nghị Quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự số 14/2017/QĐST-DS ngày 27/6/2017 của TAND huyện Ninh Phước, đề nghị Ủy ban Thẩm phán TANDCC tại TP Hồ Chí Minh xét xử tái thẩm, hủy Quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự nêu trên; giao hồ sơ vụ án cho TAND huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận giải quyết lại theo thủ tục sơ thẩm theo đúng quy định của pháp luật.

Kháng nghị này đưa ra nhận định: “Trong quá trình giải quyết vụ án, Thư ký Quảng Thị Thái Bình đã có hành vi ghi thêm lời khai của ông Nguyễn Quốc Hoàng vào biên bản ngày 19/6/2017 và lập khống các biên bản phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ ngày 19/6/2017 và biên bản hòa giải thành ngày 19/6/2017".

Kháng nghị này cũng cho rằng: Thẩm phán Hán Văn Nhuận dù không có mặt, chủ trì các phiên họp nhưng đã ký khống vào các biên bản phiên họp trên và Biên bản hòa giải thành không được gửi cho ông Hoàng, bà Oanh trong ngày 19/6/2017.

Việc tổ chức phiên họp, phiên hòa giải là không đúng theo quy định tại các Điều 209, Điều 210 và Điều 211 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015. Thẩm phán Hán Văn Nhuận và Thư ký Quảng Thị Thái Bình đã không thực hiện đúng các quy định về thủ tục tố tụng, cố ý làm sai lệch hồ sơ vụ án và ra Quyết định trái pháp luật dẫn đến Quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự không thể hiện đúng ý chí tự nguyện thỏa thuận của các bên, làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của họ.

Sau đó, tháng 3/2021, Ủy ban Thẩm phán TANDCC tại TP Hồ Chí Minh cũng đã ban hành quyết định định tái thẩm vụ án với quan điểm tương tự. Quyết định tái thẩm số 63/2021/DS-ST ngày 16/3/2021 đã xử chấp nhận kháng nghị của Viện trưởng VKSNDCC tại TP Hồ Chí Minh, hủy Quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự của Tòa án huyện Ninh Phước và yêu cầu cơ quan này giải quyết lại theo thủ tục sơ thẩm.

Sự thay đổi quan điểm về cùng nội dung khiếu nại/cùng một vụ việc đã khiến những người có liên quan và có trách nhiệm bất ngờ. Vậy Quyết định kháng nghị tái thẩm của Viện trưởng VKSNDCC cũng như Quyết định tái thẩm của TANDCC tại TP Hồ Chí Minh đã viện dẫn các quy định của pháp luật để đưa ra kết luận như vậy có đúng quy định hay không, chúng tôi xin phân tích cụ thể ở phần sau.

Còn tiếp

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Sự thật vụ án liên quan đến việc một Chánh án huyện tự tử ở Ninh Thuận