Sự thật vụ án liên quan đến việc Chánh án huyện tự tử ở Ninh Thuận: Không có dấu hiệu làm sai lệch hồ sơ vụ án

Nguyên Bình| 01/01/2022 07:34
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Như bài trước chúng tôi đã đề cập đến, sự thay đổi quan điểm giải quyết vụ án trong cùng một nội dung khiếu nại/cùng một vụ việc đã khiến những người có liên quan và có trách nhiệm không khỏi bất ngờ.

z3033020625526_ade466e560db7570dd4837437a7c92bf.jpg
Bố, em gái và vợ con ông Hán Văn Nhuận (từ phải sang trái) trong ngày tang lễ.


Không làm thay đổi bản chất vụ việc

Theo tài liệu có trong hồ sơ vụ án: Tại Biên bản lấy lời khai ngày 19/6/2017, ông Hoàng có khai: ông Hoàng và vợ là bà Nguyễn Thị Ngọc Oanh có vài lần đến nhà bà Viên Thị Thanh Loan mượn tiền để thực hiện việc đáo hạn Ngân hàng. Sau này vợ ông Hoàng là bà Oanh đến nhà bà Loan xin vay số tiền là 3.000.000.000 đồng (3 tỉ đồng) và dùng sổ đỏ hiện nay đứng tên  Nguyễn Quốc Hoàng làm tín chấp để vay tiền bà Loan. Thời điểm bà Oanh vay số tiền trên ông Hoàng không biết cho đến khi bà Loan đòi. Sau đó vợ ông Hoàng đã trả được 100.000.000 đồng nên số nợ nêu trên hiện nay vợ chồng ông Hoàng bà Oanh còn nợ bà Loan là 2.900.000.000 (2,9 tỉ) đồng. Vợ chồng ông Hoàng bà Oanh đồng ý trả số nợ 2,9 tỉ đồng cho bà Loan.

Trong đơn tố cáo gửi các cơ quan chức năng, ông Hoàng cho rằng nội dung ông “biết bà Oanh vay 3 tỉ và đồng ý trả nợ số tiền 2,9 tỉ đồng cho bà Loan” trong biên bản là do Thư ký Tòa án ghi thêm vào. Còn các nội dung khác như cùng vợ nhiều lần đến nhà bà Loan vay tiền đáo nợ ngân hàng thì ông có thừa nhận.

Tuy nhiên, theo giải trình của Thư ký Quảng Thị Thái Bình, ngày 19/6/2017 ông Hoàng có mặt tại Tòa cùng với bà Loan, Thẩm phán Hán Văn Nhuận đi công tác vắng. Thư ký Tòa đưa các chứng cứ về việc vay nợ cho ông Hoàng xem và cho hai bên đương sự cùng trao đổi với nhau để đi đến thống nhất. Ông Hoàng đã nói với bà Loan “nợ thì vợ chồng ông từ từ trả”. Thư ký yêu cầu ông Hoàng viết bản tự khai, nhưng ông Hoàng nói không biết cách thức trình tự viết thế nào nên yêu cầu Thư ký lấy lời khai. Sau khi viết xong biên bản Thư ký Bình đưa lại cho ông Hoàng đọc lại 2 lần rồi các bên mới ký vào biên bản.

Sau khi hoà giải thành, chốt số nợ 3 tỉ đồng thì hai bên đương sự mới nhắc việc họ đã trả 100 triệu đồng trước đó rồi. Thư ký đã tự ghi thêm vào biên bản thoả thuận nội dung “đã trả 100 triệu, còn nợ 2,9 tỉ đồng”. Nội dung này không có trong buổi hoà giải.

Ông Hoàng cho rằng, Biên bản hòa giải thành ngày 19/6/2017 là ngụy tạo, nhưng trong biên bản lại thể hiện rõ chứ ký của ông và bà Loan và ông cũng không phủ nhận chữ ký của mình tại biên bản này.

Vì thế, TAND tỉnh Ninh Thuận và các cấp Toà sau đó khẳng định: Quyết định của Thẩm phán Nhuận là đúng; sai sót về thủ tục không làm thay đổi bản chất và tính chính xác của quyết định công nhận hoà giải thành. Vì các đương sự đã thoả thuận y như nội dung quyết định, không thay đổi nghĩa vụ trả nợ. Phần ghi thêm là do sự đồng ý của nguyên đơn và bị đơn (sửa 3 tỉ thành 2,9 tỉ theo đề nghị của nguyên đơn và bị đơn).

Do vậy cái sai của Thẩm phán và Thư ký Toà án không gây ra thiệt hại cho đương sự, không làm thay đổi bản chất vụ án, không gây thiệt hại khác cho xã hội ngoài việc sai thủ tục tố tụng.

Không có dấu hiệu làm sai lệch hồ sơ vụ án

Vụ việc sẽ không có gì chồng chéo mâu thuẫn nếu như ngày 26/5/2020, Cơ quan điều tra VKSNDTC không có Văn bản số 541/VKSTC-C1(P5) kiến nghị VKSNDCC tại TP Hồ Chí Minh xem xét kháng nghị đối với Quyết định số 14/2017/QĐST-DS, theo tố cáo của bị đơn Nguyễn Quốc Hoàng, dù nội dung không có gì mới.

z3063392437957_28577a1e934e30d9324cd1a5b85e2a65.jpg

Quyết định kháng nghị tái thẩm của Viện trưởng VKSNDCC cũng như Quyết định tái thẩm của TANDCC tại TP Hồ Chí Minh sau đó đã viện dẫn các quy định của pháp luật để áp dụng đã không đúng bản chất vụ việc.

Cụ thể: Ủy ban Thẩm phán TANDCC tại TP Hồ Chí Minh viện dẫn các quy định của pháp luật để cho rằng “Thẩm phán, Thư ký khi giải quyết vụ án, ban hành quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự đã vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng không đúng quy định tại các Điều 48, 51, 98, 208, 209 của Bộ luật Tố tụng dân sự”.

Từ nhận định này để kết luận Quyết định số 14/2017/QĐST-DS đã vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng không phải là căn cứ để tái thẩm mà là căn cứ, điều kiện để xem xét giải quyết theo thủ tục giám đốc thẩm vụ án. Trong khi đó, những vi phạm về thủ tục tố tụng này đã được VKSNDCC, TANDCC tại TP Hồ Chí Minh và TANDTC khẳng định, trả lời không có căn cứ để kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm trước đó.

Tiếp đến, Quyết định Kháng nghị tái thẩm của Viện trưởng VKSNDCC tại TP Hồ Chí Minh cho rằng Thẩm phán Hán Văn Nhuận và Thư ký Quảng Thị Thái Bình đã không thực hiện đúng các quy định về thủ tục tố tụng, cố ý làm sai lệch hồ sơ vụ án và ra Quyết định trái pháp luật. Từ đó để nghị Tòa án xét xử tái thẩm hủy toàn bộ Quyết định công nhận sự thỏa thuận số 14/2017/QĐST-DS để xét xử sơ thẩm lại.

Tuy nhiên, trong Quyết định tái thẩm của TANDCC tại TP Hồ Chí Minh không nhận định, đánh giá về căn cứ kháng nghị tái thẩm và đề nghị xét xử tái thẩm của Viện kiểm sát, cũng không nhận định, viện dẫn tình tiết nào là tình tiết mới được phát hiện có thể làm thay đổi cơ bản nội dung của Quyết định công nhận sự thỏa thuận mà các đương sự không biết được khi Tòa án ra quyết định công nhận sự thỏa thuận đó mà lại đưa ra phán quyết là không đúng quy định.

Điều 212 khoản 3 của BLTTDS 2015 quy định: “Trong trường hợp quy định tại khoản 4 Điều 210 của Bộ luật này mà các đương sự có mặt thỏa thuận được với nhau về việc giải quyết vụ án thì thỏa thuận đó chỉ có giá trị đối với những người có mặt và được Thẩm phán ra quyết định công nhận nếu không ảnh hưởng đến quyền, nghĩa vụ của đương sự vắng mặt”.

Ông Hoàng là người có mặt tại buổi hòa giải, được tiếp cận chứng cứ và đã trực tiếp đọc và ký vào biên bản thì Thẩm phán và Thư ký không có dấu hiệu của tội phạm cố ý làm sai lệch hồ sơ vụ án; ra quyết định trái pháp luật. Thẩm phán, Thư ký giải quyết vụ án không vì mục đích vụ lợi hoặc tiêu cực nào khác; những sai sót nêu trên là do việc tác nghiệp chưa đúng với quy định của pháp luật tố tụng dân sự.

Như vậy ở lần giải quyết thứ hai này, các cơ quan tố tụng đã không đánh giá đúng bản chất vụ việc để áp dụng pháp luật và đưa ra phán quyết thấu tình đạt lý, dẫn đến việc Cơ quan điều tra VKSNDTC đã triệu tập Thư ký Quảng Thị Thái Bình để điều tra, xác minh về hành vi làm sai lệch hồ sơ vụ án. Thẩm phán Hán Văn Nhuận, Chánh án TAND huyện Ninh Phước cũng bị triệu tập để phối hợp giải quyết vụ án và đã xảy ra sự việc đau lòng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Sự thật vụ án liên quan đến việc Chánh án huyện tự tử ở Ninh Thuận: Không có dấu hiệu làm sai lệch hồ sơ vụ án