Trong lúc Thanh tra Bộ Xây dựng vào cuộc xác minh, làm rõ thông tin sai phạm thua lỗ hàng ngàn tỷ đồng tại Tổng Công ty Công nghiệp Xi măng Việt Nam (Vicem) Báo Công lý nhận được nhiều thông tin, đơn tố cáo và tài liệu liên quan đến ông Trần Việt Thắng.
Cụ thể, theo Báo cáo kết quả thanh tra, xác minh ngày 10/6/2016 của thanh tra Bộ Xây dựng: Từ tháng 11/2010 đến tháng 11/2013, Công ty CP XM Hà Tiên 1 ký 7 hợp đồng cung ứng vận chuyển, bốc xếp xi măng, dịch vụ vệ sinh công nghiệp, cung cấp dịch vụ lao động với Hợp tác xã dịch vụ vận tải Liên Minh (HTX Liên Minh). Ông Trần Việt Thắng, Tổng giám đốc đại diện cho Công ty CP XM Hà Tiên1 ký 3 hợp đồng với ông Trần Việt Vũ, Chủ nhiệm HTX Liên Minh (ông Vũ là anh ruột ông Thắng) về cung cấp dịch vụ vận chuyển bốc xếp xi măng, dịch vụ vệ sinh công nghiệp, dịch vụ lao động cho Trạm nghiền Long An, Trạm nghiền Thủ Đức và Trạm nghiền Phú Hữu với giá trị lên đến hàng chục tỉ đồng mỗi năm.
Đơn tố cáo của công dân
Câu hỏi đặt ra là, ông Trần Việt Thắng, đại diện quản lý phần vốn nhà nước, chủ tài khoản một doanh nghiệp nhà nước giữ cổ phần chi phối lại ký hợp đồng kinh tế với chính anh ruột mình có vi phạm Luật Phòng, chống tham nhũng? Nhận xét về vụ việc nêu trên Luật sư Phạm Hồng Sơn, Trưởng VPLS Phạm Sơn, Đoàn Luật sư Hà Nội có quan điểm: Theo Điều 1 Luật HTX 2003 (giai đoạn này áp dụng Luật HTX 2003-PV) quy định: “…Hợp tác xã hoạt động như một loại hình doanh nghiệp, có tư cách pháp nhân, tự chủ, tự chịu trách nhiệm về các nghĩa vụ tài chính trong phạm vi vốn điều lệ, vốn tích luỹ và các nguồn vốn khác của hợp tác xã theo quy định của pháp luật”. Như vậy, ông Trần Việt Vũ, Chủ nhiệm HTX (chủ tài khoản) có quyền và nghĩa vụ, có lợi ích kinh tế cá nhân như một giám đốc doanh nghiệp (theo Luật Doanh nghiệp).
Ông Trần Việt Thắng Ký hợp đồng với anh ruột
HTX được luật quy định hoạt động như một loại hình doanh nghiệp, ông Thắng là Tổng giám đốc doanh nghiệp nhà nước có cổ phần chi phối ký hợp đồng kinh tế với chính anh ruột của mình là vi phạm Luật Phòng, chống tham nhũng. Cụ thể, Khoản 5 Điều 37 Luật Phòng, chống tham nhũng 2005 quy định: “Cán bộ, công chức, viên chức là thành viên Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc, Phó tổng giám đốc, Giám đốc, Phó giám đốc, Kế toán trưởng và những cán bộ quản lý khác trong doanh nghiệp của Nhà nước không được ký kết hợp đồng với doanh nghiệp thuộc sở hữu của vợ hoặc chồng, bố, mẹ, con, anh, chị, em ruột; cho phép doanh nghiệp thuộc sở hữu của vợ hoặc chồng, bố, mẹ, con, anh, chị, em ruột tham dự các gói thầu của doanh nghiệp mình…”.
Cơ quan chức năng như Thanh tra, Công an… nên làm rõ những hợp đồng kinh tế, ông Trần Việt Thắng trong thời gian làm Tổng giám đốc Công ty CP XM hà Tiền 1 đã ký với anh ruột mình là Trần Việt Vũ, Chủ nhiệm HTX Liên minh trong suốt một thời gian dài đã gây thất thoát bao của nhà nước nhiêu tiền? Nếu phải xử lý, thu hồi tài sản về cho nhà nước…
Dấu hiệu chuyển giá khi ký hợp đồng kinh tế
Theo báo cáo kết quả Thanh tra, xác minh của Thanh tra Bộ Xây dựng, Công ty TNHH Thương mại dịch vụ Anh Phát (Công ty Anh Phát) có địa chỉ tại số 7, đường 48, phường 3, quận 4, TP. Hồ Chí Minh có hai thành viên góp vốn (ông Đoàn Minh Phú góp 80% số vốn điều lệ) là người đại diện theo pháp luật của công ty. Từ năm 2010-2013, ông Trần Việt Thắng, Tổng giám đốc Công ty CP XM Hà Tiên 1 ký 2 hợp đồng dịch vụ vận tải bộ và 2 hợp đồng dịch vụ vận tải biển với Công ty Anh Phát. Trước khi ký 4 hợp đồng với Công ty Anh Phát, Công ty XM Hà Tiên 1 gửi thư mời chào giá tới 5 công ty, trong đó Công ty Anh Phát chào giá với mức thấp nhất.
Báo cáo kết quả thanh tra, xác minh của Thanh tra Bộ Xây dựng
Nghe qua có vẻ hợp tình, hợp lý không có chuyện gì đối với mối quan hệ kinh tế giữa một doanh nghiệp nhà nước nắm cổ phần chi phối là Công ty CP XM Hà Tiên 1 và một công ty tư nhân ở TP. Hồ Chí Minh. Nhưng qua thông tin từ báo chí, đơn thư tố cáo và tìm hiểu phóng viên được biết, vợ ông Trần Việt Thắng là bà Đoàn Thị Loan (bà Loan là chị ruột ông Đoàn Minh Phú). Ông Phú lại lấy bà Trần Thị An là em gái ông Trần Việt Thắng. Như vậy ông Phú vừa là em vợ đồng thời cũng là em rể ông Trần Việt Thắng.
Nhìn vào hồ sơ quan hệ ruột thịt hiếm có này, dư luận có quyền nghi ngờ về sự không bình thường trong những hợp đồng kinh tế mà ông Trần Việt Thắng đại diện cho doanh nghiệp nhà nước, trực tiếp ký hoặc ủy quyền cho cấp phó của mình ký với ông Đoàn Minh Phú đại diện cho doanh nghiệp tư nhân. Đáng lưu ý là ông Phú là em rể, đồng thời là em vợ ông Thắng. Theo đơn thư bạn đọc, doanh nghiệp của ông Phú không có phương tiện vận tải thủy và bộ. Ký được hợp đồng với anh rể, ông Phú “bán cái’ cho doanh nghiệp vận tải khác để kiếm lời. Có dấu hiệu chuyển giá trong những hợp đồng này hay không?
Theo báo cáo của Thanh tra, cả hai hợp đồng vận chuyển bằng tàu biển ông Thắng ký và ủy quyền cho người khác ký với Công ty Anh Phát không thực hiện đầy đủ quy trình chào hàng cạnh tranh, không đúng Điều 29, Điều 30 Quy chế quản lý mua sắm hàng hóa và dịch vụ thuê ngoài của công ty ban hành theo Nghị quyết số 03/10/2011/NQ- HĐQT Công ty XM Hà Tiên 1.
Dư luận đặt câu hỏi, tại sao Tổng giám đốc Trần Việt Thắng lại vi phạm quy chế quản lý mà ông ta là Thành viên Hội đồng quản trị ? Chỉ có ông Thắng mới trả lời được?
Nhận xét về vụ việc nêu trên, Luật sư Đặng Văn Dư, Trưởng VPLS Dư và Cộng sự, Đoàn Luật sư Ninh Bình cho biết: Báo cáo của Thanh tra không cho biết những hợp đồng kinh tế nêu trên trị giá bao nhiêu VNĐ? Thuộc trường hợp chào hàng cạnh tranh hay đấu thầu. Công ty XM Hà Tiên 1 là doanh nghiệp cổ phần nhà nước chi phối nên việc chào hàng cạnh tranh, tìm kiếm các đơn vị đủ năng lực tham gia vào dịch vụ cung ứng vật tư, dịch vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh có giá trị lớn phải thông qua thủ tục đấu thầu theo quy định Luật Đấu thầu 2005, được sửa đổi bổ sung năm 2009. Điều 1 quy định: Về các hoạt động đấu thầu để lựa chọn nhà thầu cung cấp dịch vụ tư vấn, mua sắm hàng hoá, xây lắp đối với gói thầu thuộc các dự án sau đây: 1. Dự án sử dụng vốn nhà nước từ 30% trở lên cho mục tiêu đầu tư phát triển, bao gồm: a) Dự án đầu tư xây dựng mới, nâng cấp mở rộng các dự án đã đầu tư xây dựng; b) Dự án đầu tư để mua sắm tài sản kể cả thiết bị, máy móc không cần lắp đặt…
Luật sư Dư cho biết thêm: theo Khoản 10, 11 của Điều 12 Luật Đấu thầu quy định các hành vi bị nghiêm cấm như sau: Sắp đặt để cha mẹ đẻ, cha mẹ vợ hoặc cha mẹ chồng, vợ hoặc chồng, con đẻ, con nuôi, con dâu, con rể, anh chị em ruột tham gia các gói thầu mà mình làm bên mời thầu hoặc là thành viên tổ chuyên gia đấu thầu, tổ chuyên gia thẩm định kết quả lựa chọn nhà thầu hoặc là người phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu...
Đảng và Nhà nước đang đẩy mạnh công tác phòng chống tham nhũng, chống lợi ích nhóm, từ những thông tin trên đề nghị Bộ Xây dựng, các cơ quan bảo vệ pháp luật của Nhà nước và TP. Hồ Chí Minh, sớm vào cuộc xác minh làm rõ những dấu hiệu “lợi ích nhóm” tại Công ty XM Hà Tiên 1 trong giai đoạn 2010 đến 2013./.