Cần kết nối các nhóm thu mua theo ngành hàng tại các tỉnh phía Nam

Tuấn Phong| 20/08/2021 19:50
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Theo Tổ Công tác 970 Bộ NN&PTNT, hiện nay, tình hình thu mua lúa gạo tại Đồng bằng sông Cửu Long đã được cải thiện, tuy nhiên, đối với cây ăn quả, giá bán thấp. Tổ Công tác đề nghị các địa phương cần hình thành và kết nối các nhóm thu mua theo ngành hàng và hỗ trợ việc tiếp cận nguồn cung nông sản.

Tiêu thụ lúa gạo tại ĐBSCL đã có cải thiện

Tổ Công tác 970 Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) cho biết, qua báo cáo từ các tỉnh gửi về Tổ và thông tin của Bộ Công Thương, từ sau khi có giải pháp chỉ đạo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại cuộc họp ngày 7/8/2021 với các Sở NN&PTNT 19 tỉnh thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16, giá lúa tươi hiện nay tại các địa phương Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đã có xu hướng tăng trở lại sau khi giảm sâu ở thời điểm cuối tháng 7.

anh-1-2-.jpg

Tổ Công tác 970 đề nghị các địa phương cần hình thành và kết nối các nhóm thu mua theo ngành hàng và hỗ trợ việc tiếp cận nguồn cung nông sản.

Tình hình tiêu thụ lúa gạo ở ĐBSCL có khá hơn do các tỉnh tích cực tháo gỡ để doanh nghiệp, thương lái đẩy mạnh công tác thu mua. Các địa phương đã tạo điều kiện, hỗ trợ cho việc bố trí nhân công cũng như phương tiện trong việc thu hoạch lúa như: Áp dụng phân vùng xanh, vàng, đỏ cho mức độ nguy cơ dịch bệnh COVID-19, phối hợp trong việc điều phối máy gặt đập liên hợp giữa các tỉnh cho diện tích lúa đến thời điểm thu hoạch; có chính sách ưu tiên cho doanh nghiệp, những người tham gia khâu lưu thông hàng hóa được tiêm vắc -xin; tạo điều kiện kết nối thương lái, doanh nghiệp thu mua lúa cho nông dân.

 Tuy nhiên, đối với cây ăn quả, vẫn còn bị ảnh hưởng nhiều đến thu mua và tiêu thụ do thiếu nhân công thu hoạch, tiến độ thu mua chậm, một số thương lái ngưng thu mua, phương tiện vận chuyển giảm, chi phí vận chuyển tăng, thị trường Trung Quốc siết chặt kiểm soát dịch bệnh, dẫn đến giá bán trái cây thấp.

Cụ thể, đối với thanh long, đang thu hoạch chính vụ tại các tỉnh Bình Thuận, Long An, Tiền Giang, giá bán thấp tại vườn đối với thanh long ruột trắng 2.000 - 3.000 đồng/kg; thanh long ruột đỏ 3.000 - 5.000 đồng/kg. Với giá bán hiện nay, nông dân sản xuất không có lãi và lỗ đối với những hộ đầu tư thâm canh cao.

Riêng với cây xoài, đang cuối mùa vụ thu hoạch, sản lượng không đáng kể, tình hình tiêu thụ tương đối tốt, giá bán ở mức 15.000 - 20.000 đồng/kg với xoài cát Hòa Lộc, xoài cát chu 10.000 - 12.000 đồng/kg.

Đối với chuối, loại đạt tiêu chuẩn xuất khẩu giá bán tương đối tốt, tuy nhiên, với các loại chuối không đạt tiêu chuẩn xuất khẩu giá bán tại vườn thấp, từ 2.000 - 4.000 đồng/kg. Tiêu thụ trong nước bắt đầu chậm lại do tác động của dịch bệnh.

Với nhãn, cũng gặp khó khăn khi đang thu hoạch chính vụ, tiêu thụ chậm, gặp khó khăn do thiếu thương lái thu mua. Một số nông dân phải để lưu trái trên cây, dẫn đến giá thu mua giảm bằng khoảng 50% so với năm trước. Đối với giá chanh, tại một số tỉnh có diện tích lớn như: Long An, Đồng Tháp… đang ở mức rất thấp, từ 1.500 - 2.000 đồng/kg. Thương lái thu mua ít.

Hình thành và kết nối các nhóm thu mua theo ngành hàng tại địa phương

Trước tình hình sản xuất và tiêu thụ nông sản tại các tỉnh phía Nam vẫn còn nhiều khó khăn, Tổ Công tác 970 đề nghị Sở NN&PTNT các tỉnh Nam bộ tham mưu, đề xuất với Ủy ban nhân dân tỉnh tạo điều kiện cho nhân công, máy móc thu hoạch lúa, doanh nghiệp thực hiện các hoạt động thu mua, vận chuyển, xay xát, chế biến, tiêu thụ lúa gạo được thuận lợi trong điều kiện tuân thủ các quy định về phòng dịch ở địa phương.

Bên cạnh đó, Sở NN&PTNT các tỉnh Nam Bộ thành lập, củng cố, duy trì và phát triển Tổ công tác kết nối sản xuất và tiêu thụ nông sản tại địa phương, đồng thời, liên hệ và phối hợp chặt chẽ với Tổ kết nối sản xuất và tiêu thụ nông sản của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong thời gian thực hiện giãn cách phòng, chống dịch COVID-19.

Tổ Công tác yêu cầu các địa phương tăng cường các hình thức liên kết sản xuất, hình thành vùng nguyên liệu, kết nối cung cầu của tất cả các mặt hàng nông sản chủ lực của địa phương. Liên kết rải vụ thu hoạch nông sản để chủ động cung ứng và hạn chế hiện tượng thừa cung ở một vài thời điểm trong năm, trước mắt là lúa gạo trong năm 2021.

Tổ Công tác 970 cũng đề nghị các địa phương rà soát, triển khai các kế hoạch sản xuất nông nghiệp trong tình hình hiện nay, trong đó, có tính toán đến thời gian bình thường mới. Đồng thời, đẩy mạnh các giải pháp giảm giá thành sản xuất, tiết kiệm chi phí trong tất cả các hoạt động của chuỗi sản xuất và tiêu thụ nông sản song song với việc mở rộng diện tích, sản lượng hàng hóa nông sản đạt các tiêu chuẩn an toàn thực phẩm, VietGAP, GlobalGAP và các tiêu chuẩn của nhà thu mua, tiêu dùng.

Thường xuyên kiểm tra, kiểm soát vật tư đầu vào cho sản xuất, hạn chế tình trạng hàng kém chất lượng, hàng giả và các hoạt động thương mại khác có thể dẫn đến khan hiếm hoặc tăng giá cục bộ gây ảnh hưởng đến giá thành sản xuất cũng như lợi nhuận của nông dân.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cần kết nối các nhóm thu mua theo ngành hàng tại các tỉnh phía Nam