Cần có lực lượng chuyên trách về phòng chống mua bán người

Phương Nam| 28/11/2018 14:13
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Hiện nay, pháp luật về phòng, chống tội phạm mua bán người còn hạn chế, vướng mắc trong các quy định về tổ chức các cơ quan quản lý nhà nước liên quan đến lĩnh vực phòng, chống tội phạm mua bán người.

Nhiều cơ quan quản lý dẫn đến chồng chéo

Luật Phòng chống mua bán người quy định, giao cho Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về phòng, chống tội phạm mua bán người. Bộ Công an chịu trách nhiệm giúp Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về phòng, chống tội phạm mua bán người và giữ vai trò chủ trì trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm mua bán người. Bộ Quốc phòng chủ trì công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm mua bán người ở địa bàn khu vực biên giới, hải đảo và trên biển. Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội chủ trì trong công tác tiếp nhận, hỗ trợ nạn nhân, giúp họ hoà nhập cộng đồng (Điều 42, 43, 44 Luật Phòng, chống mua bán người). VKSND, TAND trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình xử lý kịp thời, nghiêm minh hành vi vi phạm pháp luật về phòng, chống tội phạm mua bán người; phối hợp với các cơ quan, tổ chức hữu quan trong đấu tranh phòng, chống tội phạm mua bán người (Điều 51 Luật Phòng, chống mua bán người). Luật cũng quy định rõ trách nhiệm của một số bộ, ngành và địa phương trong phòng, chống tội phạm mua bán người, đặc biệt là các Bộ quản lý nhà nước đối với những lĩnh vực nhạy cảm, dễ có nguy cơ bị lợi dụng để mua bán người…

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, việc có quá nhiều cơ quan, tổ chức quản lý nhà nước cùng thực hiện chức năng liên quan đến phòng, chống tội phạm mua bán người, với nhiều chức năng quản lý khác nhau dẫn tới việc chồng chéo, thực hiện không hiệu quả; một số cơ quan, tổ chức không thực hiện hết chức trách nhiệm vụ đã ảnh hướng đến công tác triển khai thực hiện việc phòng, chống tội phạm mua bán người. Mặt khác, thời gian qua, sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng chưa thật chặt chẽ, không tạo được mối liên kết giữa các đơn vị, cơ chế phối hợp trao đổi thông tin còn hạn chế dẫn đến hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm này không cao.

Pháp luật Việt Nam hiện nay đã có khái niệm chính thức về nạn nhân của tội phạm mua bán người. Quyết định số 17/2007/QĐ-TTg ngày 29/01/2007 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế tiếp nhận và hỗ trợ tái hòa nhập cộng đồng cho phụ nữ, trẻ em bị buôn bán ra nước ngoài trở về nước thì: Nạn nhân được hiểu là phụ nữ, trẻ em bị một hay nhóm người sử dụng vũ lực, đe dọa sử dụng vũ lực hay những hình thức ép buộc khác, bắt cóc, lừa gạt, lạm dụng quyền lực hay địa vị, tình trạng dễ bị tổn thương để mua bán (giao nhận tiền hoặc giao nhận một lợi ích vật chất khác) đưa ra nước ngoài nhằm mục đích bóc lột (cưỡng bức bán dâm hoặc các hình thức bóc lột tình dục khác, lao động hoặc dịch vụ cưỡng chế, nô lệ hoặc làm việc như tình trạng nô lệ hoặc lấy đi các bộ phận cơ thể). Tuy nhiên, cho đến nay, khái niệm này cũng không còn phù hợp vì nạn nhân không chỉ là phụ nữ, trẻ em mà còn cả nam giới trong các vụ án mua bán người. Chính vì vậy, tại Điều 2 Luật Phòng, chống mua bán người đã đưa ra khái niệm: “Nạn nhận là người bị xâm hại bởi hành vi quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều 3 của Luật này”.

Cần có lực lượng chuyên trách về phòng chống mua bán người

Lực lượng chức năng trấn áp tội phạm mua bán người

Thực tế đấu tranh phòng, chống tội phạm mua bán người, mua bán trẻ em thời gian qua cho thấy, đã có nhiều trường hợp người phạm tội lừa dối hoặc cưỡng ép bán người thân thích của mình cho người khác. Hành vi phạm tội bán người thân thích của mình đã gây căm phẫn trong dư luận xã hội và đòi hỏi cần phải có sự trừng phạt nghiêm khắc, tuy nhiên tội mua bán người, tội mua bán trẻ em hiện hành chưa quy định đây là tình tiết định khung tăng nặng.


Cần có lực lượng chuyên trách

Mặc dù Bộ luật Tố tụng hình sự đã có quy định về trách nhiệm của các cơ quan tiến hành tố tụng trong việc bảo vệ người bị hại, nhân chứng và người tham gia tố tụng khác, quyền yêu cầu xét xử kín của một số người tham gia tố tụng trong một số trường hợp đặc biệt. Tuy nhiên, những quy định này mới chỉ dừng ở mức nguyên tắc và chưa đầy đủ, chưa được hướng dẫn cụ thể, vì vậy trên thực tế việc vận dụng các quy định này của một số cơ quan tiến hành tố tụng trong điều tra, truy tố, xét xử vụ án mua bán người chưa thống nhất, điều đó đã ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của người tham gia tố tụng và hiệu quả xử lý vụ án mua bán người của các cơ quan tiến hành tố tụng.

Hầu hết các trường hợp mà nạn nhân bị người phạm tội bán ra nước ngoài, thân nhân của họ phải chi phí để tìm kiếm, thậm chí còn phải trả khoản “tiền chuộc” với giá trị lớn mới đưa được người bị hại trở về Việt Nam, nhưng khi họ yêu cầu đòi bồi thường thì cơ quan tố tụng cũng gặp khó khăn vì chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể về mức bồi thường đối với các trường hợp này.

Trong những năm qua, việc hợp tác quốc tế phòng, chống tội phạm nói chung và tội phạm mua bán người nói riêng ngày càng được tăng cường. Tuy nhiên, việc hợp tác này vẫn còn hạn chế, nhiều hoạt động mang tính nhỏ lẻ, phân tán, chưa tập trung, còn nhiều bất cập chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn, dẫn đến chỉ giải quyết được "phần ngọn", hầu hết các vụ mua bán người có yếu tố nước ngoài thời gian qua đều không có điều kiện xác minh, bắt giữ, xử lý phần đường dây ở nước ngoài, nhiều vụ án không xử lý được triệt để mà phải tạm đình chỉ, đình chỉ phần liên quan đến nước ngoài.

Bên cạnh đó, tính nghiêm khắc trong các chế tài hành chính về phòng, chống mua bán người còn rất hạn chế. Mức xử phạt đối với hành vi môi giới kết hôn bất hợp pháp là từ 10-20 triệu đồng; mức phạt cho hành vi môi giới cho nhận con nuôi trái pháp luật chỉ bị xử phạt từ 5-10 triệu đồng. Với các mức phạt này sẽ không đảm bảo tính răn đe, chưa tương xứng với tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội mà hành vi vi phạm gây ra.

Bộ luật Hình sự 2015 quy định tại Điều 150 về tội mua bán người và Điều 151 về tội mua bán người dưới 16 tuổi, song đến nay vẫn chưa có văn bản dưới luật hướng dẫn thực hiện. Hiện, chưa có lực lượng chuyên trách làm công tác phòng, chống tội phạm mua bán người ở địa phương, phần lớn là kiêm nhiệm. Kinh phí phục vụ cho công tác này còn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu. Đặc biệt, nạn nhân sau khi bị lừa bán trở về ít trình báo, không hợp tác với cơ quan công an vì các lý do như mặc cảm, sợ bị trả thù dẫn đến công tác xác minh, điều tra, thu thập chứng cứ, xử lý đối tượng gặp nhiều khó khăn...

Thực tế cho thấy, Luật Phòng, chống mua bán người quy định nhiều chính sách rất nhân đạo, đã tạo điều kiện cho nạn nhân trở về, sớm hòa nhập cộng đồng. Tuy nhiên, theo nhiều ý kiến, để thực hiện đạt hiệu quả cao hơn, trong thời gian tới, cần tiếp tục rà soát hệ thống pháp luật về phòng, chống mua bán người, đề xuất sửa đổi, bổ sung những quy định về hỗ trợ tái hòa nhập cộng đồng cho nạn nhân. Trong đó, để triển khai Chương trình Phòng, chống mua bán người giai đoạn 2016 - 2020 đạt kết quả tốt hơn, cần có nguồn lực thích đáng cho công tác tuyên truyền, đấu tranh, trấn áp tội phạm và giải cứu, hỗ trợ nạn nhân.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cần có lực lượng chuyên trách về phòng chống mua bán người