Bảo vệ người tiêu dùng

Cam kết bình ổn giá, đảm bảo hàng hóa dịp Tết

Kim Sáng 14/12/2023 - 17:46

Ngoài cam kết bình ổn giá, đảm bảo các loại hàng hóa phục vụ Tết, TP.HCM sẽ thực hiện giảm giá sâu 2 ngày cận Tết đối với các mặt hàng thiết yếu như thịt heo, thịt gà, trứng gia cầm...

Thông tin trên được ông Nguyễn Nguyên Phương - Phó Giám đốc Sở Công thương TP.HCM cho biết tại buổi họp báo kinh tế - xã hội TP.HCM chiều 14/12.

Ông Phương cho biết, để chuẩn bị hàng hóa Tết, ngay từ đầu năm, TP.HCM đã xây dựng kế hoạch và giao Sở Công Thương chủ trì triển khai thực hiện.

Trong đó, có 45 doanh nghiệp tham gia cung ứng, phân phối các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu phục vụ Tết Nguyên đán. Đây đều là các doanh nghiệp quy mô lớn, thương hiệu mạnh, chiếm lĩnh thị phần cao.

Về nguồn vốn chuẩn bị phục vụ 2 tháng Tết Giáp Thìn, doanh nghiệp bình ổn thị trường chuẩn bị hơn 22.000 tỷ đồng, trong đó hơn 8.500 tỷ đồng chuẩn bị hàng bình ổn thị trường.

2.-a-ng-nguya-n-nguya-n-ph-ng-pha-gia-m-a-a-c-sa-ca-ng-th-ng-1-.jpg
Ông Nguyễn Nguyên Phương - Phó Giám đốc Sở Công thương TP.HCM thông tin tại họp báo. Ảnh: TN.

Về lượng hàng, các mặt hàng bình ổn thị trường chiếm thị phần từ 25% đến 43%; bình quân mỗi tháng dự kiến cung ứng 7.000 tấn gạo, 70 triệu quả trứng gia cầm, 2.000 tấn đường, 1.000 tấn thực phẩm chế biến, 2.000 tấn dầu ăn, 10.000 tấn rau củ quả, 6.000 tấn thịt gia súc, 8.000 tấn thịt gia cầm, 200 tấn thuỷ hải sản…

Đồng thời, doanh nghiệp sẵn sàng phương án tăng sản lượng trong tình huống cần thiết, tổ chức bán hàng lưu động để xử lý biến động bất thường, thiếu hàng cục bộ (nếu có)… kiên quyết không để xảy ra khan hiếm, thiếu hàng hoá, mất cân đối cung cầu trong mọi tình huống.

Riêng mặt hàng gạo, giá gạo xuất khẩu tăng đặt ra thách thức lớn đối với nhiệm vụ bình ổn thị trường nội địa. Do đó, để tăng nguồn lực bình ổn thị trường gạo, Sở Công thương đã vận động, mời gọi thêm nhiều doanh nghiệp tham gia, đồng hành; với cam kết cung cấp đủ gạo trong mọi tình huống, giá cả hợp lý, gạo không chất bảo quản, chất lượng an toàn.

z4974234353221_02a5c1caaa6bbaaf0dd9d5ebf1266b20.jpg
TP.HCM đảm bảo hàng hoá phục vụ người dân dịp Tết.

Tại 3 chợ đầu mối và 221 chợ truyền thống, lượng nông sản cung ứng thị trường thành phố thông qua 3 chợ đầu mối đạt bình quân 7.600 tấn/ngày, gồm 800 tấn thịt gia súc, gia cầm, 1.200 tấn thủy hải sản, 5.600 tấn rau củ quả.

Dự kiến, vào thời điểm cận Tết, lượng hàng nhập về chợ tăng khoảng 80% so với ngày thường, lên đến 13.000 – 15.000 tấn/ngày.

Ngoài ra, Sở Công Thương còn phối hợp với UBND quận, huyện, TP Thủ Đức triển khai Ban quản lý các chợ tập trung theo dõi số lượng hàng hóa xuất nhập, tình hình giá cả hàng hóa tại nguồn và về chợ, nắm bắt tình hình kinh doanh, kế hoạch chuẩn bị nguồn hàng của thương nhân trong chợ; đẩy mạnh tuyên truyền, công tác kiểm tra, kiểm soát; đảm bảo hoạt động kinh doanh tại chợ thực hiện nghiêm túc quy định về niêm yết giá, hàng hóa kinh doanh có nguồn gốc xuất xứ, đảm bảo an toàn thực phẩm…

z4974234371431_128830858d91d618952a9af10d585b12.jpg
TP.HCM cam kết không điều chỉnh tăng giá bán trong 1 tháng trước Tết và 1 tháng sau Tết.

Đối với kênh phân phối hiện đại, TP.HCM có 48 trung tâm thương mại, 267 siêu thị và hơn 3.000 cửa hàng tiện lợi đang hoạt động. Các hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi đã ký kết hợp đồng thu mua với nhà cung cấp, chuẩn bị nguồn hàng hóa phục vụ Tết.

Những ngày cận Tết, các đơn vị sẵn sàng phương án tăng lượng hàng từ 2 - 3 lần so với ngày thường; đồng thời có phương án kéo giãn thời gian hoạt động để đảm bảo nhu cầu tăng đột biến của người tiêu dùng.

Về giá cả hàng hóa, các doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn thị trường cam kết giữ ổn định giá, không điều chỉnh tăng giá bán trong 1 tháng trước Tết và 1 tháng sau Tết.

Đồng thời, thực hiện giảm giá sâu trong 2 ngày cận Tết đối với các mặt hàng thiết yếu như: thịt heo, thịt gà, trứng gia cầm...

Các doanh nghiệp cũng đẩy mạnh triển khai giảm giá sâu nhiều mặt hàng, tập trung vào các mặt hàng Tết như nước giải khát, bánh, kẹo, mứt, quần áo...

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 11 tháng đầu năm của TP.HCM ước đạt 1.081.301 tỷ đồng, tăng 9,2% so với cùng kỳ; trong đó, doanh thu bán lẻ hàng hóa ước đạt 634.636,6 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 58,7% và tăng 11,2% so với cùng kỳ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cam kết bình ổn giá, đảm bảo hàng hóa dịp Tết