Cách xử lý tối ưu khi đọc đề thi thấy câu hỏi lạ chưa từng làm

Ngô Chuyên| 05/08/2020 13:00
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Rất nhiều thí sinh, trong quá trình làm bài thi vô tình quên công thức dẫn đến lo lắng, hoang mang và mất bình tĩnh để làm tiếp. Vậy làm thế nào để nhớ lại kiến thức và hoàn thành bài thi của mình đó là câu hỏi được nhiều bạn đặt ra.

Dưới đây – Báo Công lý đã có cuộc phỏng vấn với các bạn sinh viên năm nhất trường ĐH Ngoại thương về gỡ rối khi làm bài thi bị quên công thức hay dạng bài chưa bao giờ gặp.

Theo kinh nghiệm của bạn Nguyễn Thị Thảo Vân – sinh viên năm nhất của Trường ĐH Ngoại thương chia sẻ, kỳ thi tốt nghiệp THPT là kỳ thi quyết định con đường để các bạn sĩ tử 12 bước chân vào cánh cửa trường đại học mình mong muốn, bởi vậy các bạn đặt rất nhiều tâm huyết, đầu tư nhiều công sức. Trong quá trình làm bài đồng thời tập trung cao độ để giành được từng ly điểm một và mình cũng như vậy.

Cách xử lý tối ưu khi đọc đề thi thấy câu hỏi lạ chưa từng làm

Ngày 8 đến 10/8 kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 sẽ diễn ra. Ảnh minh họa. Hải Nam.

Với kinh nghiệm tại kỳ thi THPT quốc gia năm 2019 cô nàng chia sẻ: “Khi nhận được đề thi, mình thường lướt qua đề một lần để xem mức độ khó dễ của đề thi. Làm những câu mình cho là dễ trước sau đó tiếp tục làm những câu khó sau.

Qúa trình làm bài, không may bị quên công thức ở một câu hỏi nào đó trước hết mình sẽ đánh dấu lại câu đó, làm những câu khác trước. Nếu còn thời gian, mình sẽ lập lại công thức để làm bởi những vấn đề nâng cao (khó) đều dựa trên những kiến thức cơ bản nên không quá khó để suy ra.

Thảo Vân cũng lưu ý các thí sinh, trong quá trình làm bài, nếu gặp phải dạng bài chưa gặp bao giờ làm thì mình cũng sẽ thử. Khi thử sức nếu thấy khả năng không được thì mình sẽ lựa chọn phương án an toàn hơn là làm chắc chắn những câu cơ bản đã được học để  "ăn điểm" còn câu khó  mình sẽ dùng phương pháp loại trừ hoặc suy đoán.

Còn đối với nữ sinh Nguyệt Minh – sinh viên năm nhất ĐH Ngoại Thương chia sẻ: “Kiến thức cơ bản trong sách giáo khoa vẫn là cái cốt lõi để làm được bài thi. Còn khi quên công thức mình sẽ cố gắng ngồi bình tĩnh cố nhớ lại. Hoặc đi đường vòng xem có thể dùng công thức khác không. Tiếp là có thể soi những câu khác xem có câu nào đụng chạm, liên quan đến công thức đang làm không, biết đâu có thì lại nhớ ra được”.

Cũng giống như Thảo Vân, Gia Khánh  - sinh viên năm nhất Đại học Ngoại thương cho hay: “ Nếu bỗng nhiên quên công thức, đầu tiên hãy khoanh tròn hoặc đánh dấu để biết mình chưa làm câu đó, làm những câu tiếp theo trước. Khi làm xong hết câu dễ, mình sẽ quay lại câu vừa rồi xem có làm được không. Nếu may mắn phát hiện và nhớ lại công thức thì ngay lập tức làm luôn, còn nếu không thì hãy làm những câu còn lại.  Đến 5 phút cuối giờ nếu không thể nhớ ra nổi, “hãy mạnh dạn tin vào trái tim của bạn”.

Theo Khánh, làm một bài thi trắc nghiệm là việc tổng hợp kiến thức về nhiều mặt từ đó đưa ra câu trả lời cho nhiều dạng câu hỏi cũng như lượng kiến thức phong phú được đưa ra trong đề. Do đó cần có sự tổng hợp của kiến thức, tư duy, kĩ năng, phản xạ.

“Nhưng yếu tố quan trọng nhất vẫn là độ nhanh nhạy của phản ứng với câu hỏi để giúp thí sinh có khả năng nhanh chóng xử lí đề bài, tìm ra đáp án trong kho kiến thức và lựa chọn đáp án của đề bài, hoàn thành bài thi một cách nhanh chóng và chính xác nhất”, Gia Khánh nhấn mạnh.

Gia Khánh nói thêm, nếu gặp dạng bài chưa làm bao giờ, phải bình tĩnh đọc kĩ đề bài, liên hệ với những dạng bài quen thuộc và kiến thức mình đã học để tìm ra cách giải. Vì kiến thức trong đề thi ắt hẳn là kiến thức mà bạn đã học, chỉ là được chuyển đổi theo cách mà bạn không nhận ra.

Cuối cùng, chúc các em sĩ tử năm nay làm bài thật tốt, vào được ngôi trường đại học mình mơ ước!

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cách xử lý tối ưu khi đọc đề thi thấy câu hỏi lạ chưa từng làm