Ngày 20/5, các nhà lãnh đạo G7 đã nhất trí thiết lập một sáng kiến nhằm chống lại “sự ép buộc” kinh tế, cam kết thực hiện các bước để đảm bảo rằng bất kỳ chủ thể nào cố gắng “vũ khí hóa” sự phụ thuộc kinh tế sẽ thất bại và phải đối mặt với hậu quả.
Các nhà lãnh đạo G7 cho biết sáng kiến có tên gọi là “Nền tảng điều phối về cưỡng chế kinh tế” sẽ sử dụng biện pháp cảnh báo sớm và chia sẻ thông tin nhanh chóng về hành vi ép buộc kinh tế, với việc các nước thành viên sẽ họp tham vấn định kỳ. G7 kêu gọi tất cả các nước tham gia tuân thủ các nguyên tắc "minh bạch, đa dạng hóa, an ninh, bền vững, đáng tin cậy" trong việc xây dựng các mạng lưới cung ứng.
Trong Tuyên bố nêu rõ: “Thế giới đang phải đối mặt với sự gia tăng đáng lo ngại về các vụ cưỡng ép kinh tế nhằm lợi dụng các điểm yếu và sự phụ thuộc về kinh tế, đồng thời làm suy yếu các chính sách đối ngoại và đối nội cũng như vị thế của các thành viên G7 cũng như các đối tác trên toàn thế giới. Chúng tôi sẽ hợp tác cùng nhau để đảm bảo rằng các nỗ lực vũ khí hóa sự phụ thuộc kinh tế bằng cách ép buộc các thành viên G7 và các đối tác của chúng tôi, bao gồm cả các nền kinh tế nhỏ, sẽ thất bại và phải đối mặt với hậu quả”.
Bên cạnh đó, Tuyên bố chung khẳng định quyết tâm của các nước G7 trong việc cam kết “giảm sự phụ thuộc thái quá vào các chuỗi cung ứng quan trọng” của Trung Quốc, đồng thời nhấn mạnh “Sự vững vàng về kinh tế đòi hỏi hóa giải nguy cơ và đa dạng hóa”. G7 cũng kêu gọi Trung Quốc nỗ lực tham gia giải quyết xung đột tại Ukraine.
Ngoài ra, Tuyên bố chung còn đề cập tới các vấn đề về trí tuệ nhân tạo, khí đốt, biến đổi khí hậu và an ninh lương thực…
Liên quan đến trí tuệ nhân tạo (AI), các nhà lãnh đạo G7 kêu gọi phát triển và áp dụng tiêu chuẩn kỹ thuật quốc tế đối với AI đáng tin cậy, trong bối cảnh giới lập pháp của các nước G7 tập trung vào công nghệ mới này.
Về vấn đề khí đốt, tuyên bố chung cho biết các nhà lãnh đạo G7 tin rằng hoạt động đầu tư do nhà nước hỗ trợ trong lĩnh vực khí đốt có thể tạm thời phù hợp trong khi các quốc gia đang đẩy nhanh việc loại bỏ dần sự phụ thuộc vào Nga. Cùng với đó, các nhà lãnh đạo G7 tái khẳng định cam kết lộ trình phi carbon hóa vào năm 2030 và cam kết mục tiêu đạt trung hòa khí thải trên lộ trình đến năm 2050.
Về vấn đề an ninh lương thực, tuyên bố chung của Hội nghị thượng đỉnh G7 cho biết các nhà lãnh đạo kêu gọi tất cả các bên tham gia Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen "tiếp tục và thực hiện đầy đủ sự vận hành trơn tru của thỏa thuận ở mức tối đa có thể và tới chừng nào còn cần thiết".
Các nhà lãnh đạo G7 cũng xác nhận sẽ tăng cường hỗ trợ về năng lượng và phát triển cho các nước mới nổi và đang phát triển; nhất trí thực hiện các bước để bảo vệ an ninh lương thực bị đe dọa bởi cuộc xung đột tại Ukraine.
Hội nghị thượng đỉnh G7 lần thứ 49 diễn ra từ ngày 19 đến 22/5 tại thành phố Hiroshima, Nhật Bản, trong đó Hội nghị thượng đỉnh G7 mở rộng từ ngày 20 đến 21/5.
Tham dự Hội nghị Thượng đỉnh G7 mở rộng có lãnh đạo cấp cao 7 nước có nền công nghiệp tiên tiến thuộc nhóm G7 (Anh, Mỹ, Đức, Nhật Bản, Pháp, Canada, Italy) và 8 quốc gia khách mời và 6 tổ chức quốc tế (Liên hợp quốc, Liên minh châu Âu, Ngân hàng Thế giới, Quỹ Tiền tệ quốc tế, Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) và Ngân hàng Phát triển châu Á). Thủ tướng Phạm Minh Chính dẫn đầu đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam dự Hội nghị với tư cách khách mời.
Chiều 20/5, sau khi tham dự lễ đón chính thức các trưởng đoàn tham dự hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính dự phiên thảo luận "Cùng hợp tác xử lý đa khủng hoảng" (tập trung vào các chủ đề lương thực, y tế, phát triển, bình đẳng giới); phiên thảo luận "Nỗ lực chung vì một hành tinh bền vững" (tập trung vào các chủ đề khí hậu, môi trường và năng lượng); và phiên thảo luận "Đối tác về cơ sở hạ tầng và đầu tư toàn cầu của G7".
Đây là lần thứ 3 Việt Nam tham dự Hội nghị thượng đỉnh G7 mở rộng và là lần thứ 2 theo lời mời của Nhật Bản.