Ngày 19/5, theo tin từ Euronews cho biết các nhà khoa học Đại học Y khoa Đài Bắc, Đài Loan đã phát hiện ra một biến đổi gen ở chuột có thể tăng cường sức mạnh cho các tế bào tiêu diệt ung thư từ hai đến bảy lần và kéo dài tuổi thọ của chúng lên tới 20%.
Che-Kun James Shen, nhà nghiên cứu chính của nghiên cứu, cho biết những phát hiện mới được công bố trên tạp chí khoa học Cold Spring Harbor Protocols là "rất quan trọng".
"Chúng tôi hy vọng sẽ áp dụng được kết quả của nghiên cứu trong tương lai gần và tôi nghĩ nếu kết quả nghiên cứu được khẳng định, chúng có thể được thử nghiệm lâm sàng vào năm tới hoặc cuối năm nay", ông nói với Euronews Next.
Lần đầu tiên các nhà nghiên cứu đã xác định được một loại axit amin - một loại protein có tên là KLF1 - khi biến đổi sẽ "duy trì tất cả các đặc điểm khỏe mạnh của tuổi trẻ".
Điều này bao gồm "chức năng vận động tốt hơn, cải thiện khả năng học tập và trí nhớ, đồng thời chống lại các tế bào ung thư tốt hơn", Shen nói, đồng thời cho biết thêm rằng lông của chuột "cũng sẫm màu và sáng bóng hơn nhiều".
Một trong những dấu hiệu quan trọng của lão hóa là xơ hóa - một quá trình đặc trưng xảy ra bởi sự tích tụ của các mô sợi dẫn đến suy giảm chức năng của các cơ quan - cũng đã được chứng minh là giảm đáng kể nhờ axit amin KLF1.
Những phát hiện mới nhất cho thấy, nhóm nghiên cứu hiện đã thành công trong việc chuyển lợi ích của axit amin KLF1 - đóng vai trò quan trọng trong quá trình phiên mã gen giữa các loại tế bào máu khác nhau - sang chuột không đột biến nhờ cấy ghép tế bào gốc.
Cấy ghép tế bào gốc là một phương pháp điều trị tiêu chuẩn cho các loại ung thư máu. Dựa trên bước đột phá ban đầu này, nhóm các nhà khoa học của Shen hy vọng sẽ giảm nguy cơ ung thư tái phát và tăng sức mạnh cho các tế bào tiêu diệt ung thư bằng cách biến đổi gen tế bào gốc của con người bằng KLF1.
Mặc dù mục tiêu chính của nghiên cứu là loại bỏ ung thư, nhưng sự can thiệp gen trong nghiên cứu này cũng có khả năng kéo dài tuổi thọ của con người.
Các nhà nghiên cứu trước đây đã xác định chính xác nhiều biến thể di truyền làm tăng tuổi thọ của chuột. Tuy nhiên, một phần đáng kể các biến thể này chỉ mang lại lợi ích cho chuột cái và không có phương pháp nào được biết đến để chuyển những lợi ích từ chuột đột biến sang chuột hoang.
Shen cho biết: “Con cái luôn có những lợi thế này, nhưng trong nghiên cứu lần này, không có sự thiên vị về giới tính”.
Quan trọng nhất, ông nói thêm, "nhiều mẫu chuột trước đây cho thấy tác dụng phụ, nhưng chúng tôi không thấy bất kỳ tác dụng phụ nào với những con chuột trong nghiên cứu này".
Các thử nghiệm với KLF1 đã được chứng minh là thành công khi thử nghiệm với các nền tảng di truyền khác nhau của chuột, cho thấy không có nền tảng di truyền cụ thể nào ảnh hưởng đến kết quả.
Nói cách khác, lợi ích từ nghiên cứu có thể mang tính phổ biến và tác động rộng lớn hơn.
Shen nói với Euronews Next: “Tôi nghĩ rằng mô hình này có thể sẽ hoạt động trên tất cả mọi con chuột và không cần phải cấy ghép tủy xương hoàn toàn, chỉ thay thế một phần khoảng 30 hoặc 20% cũng đủ để làm cho chuột chống lại được ung thư".
Khả năng tiêu diệt ung thư cao hơn được quan sát thấy ở những con chuột đột biến là do những thay đổi sinh học khác nhau xảy ra sau khi thao tác gen.
Khi nhóm nghiên cứu nhận ra rằng sự biến đổi gen của axit amin “chỉ biểu hiện trong các tế bào máu”, họ đã thử tiêm một số loại tế bào máu từ chuột đột biến vào chuột hoang và thu được kết quả đầy hứa hẹn.
Điều này có nghĩa là cấy ghép tủy xương chống ung thư có thể sớm được thực hiện ở người? Shen hy vọng rằng nó có thể sớm trở thành hiện thực. "Tôi nghĩ về mặt đạo đức, nó phải được quan tâm. Đó là những gì chúng tôi đang cố gắng thực hiện", Shen nói. Ông cho biết thêm rằng họ đang làm việc để cố gắng đưa những phát hiện của mình vào việc tăng cường các liệu pháp điều trị ung thư cho con người.