Thời lượng dành cho các đại biểu trong các ngày chất vấn không nhiều, song đã có những cuộc tranh luận gay gắt giữa các đại biểu (ĐB) tại nghị trường những ngày vừa qua.
Có ý kiến lo lắng và cho rằng, những cảm xúc của ĐB khi phát biểu và chất vấn Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ có thể làm hàng triệu phụ huynh học sinh cả nước có cái nhìn tiêu cực về ngành giáo dục.
Ngày 31/10, trong phiên chất vấn đã xảy ra việc tranh luận gay gắt giữa hai ĐB trong phần chất vấn Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ. ĐB Phạm Thị Minh Hiền (Phú Yên) thẳng thắn chất vấn, yêu cầu Bộ trưởng giải thích về dự thảo quy định sinh viên bán dâm không quá 4 lần.
Theo ĐB, dự thảo Thông tư ban hành quy chế công tác học sinh, sinh viên mà Bộ GD-ĐT đang cho lấy ý kiến rộng rãi có quy định xử lý học sinh, sinh viên hoạt động mại dâm. Dù là dự thảo nhưng có nội dung gây phản cảm, thiếu cơ sở và đi ngược lại mục tiêu giáo dục là truyền thụ nhân cách. Nhiều cử tri đã bày tỏ sự lo lắng, nghi ngờ về năng lực, uy lực, tâm lực bộ máy quản lý giáo dục.
Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ. Ảnh Zing.
"Xin bộ trưởng cho biết trách nhiệm của mình về vấn đề này, nêu vai trò nêu gương của người đứng đầu ngành khi bộ trưởng thường xuyên đưa ra quan điểm "sai - sửa sai", "xử lý nghiêm - kiên quyết xử lý nghiêm", "rút kinh nghiệm" rồi lại tiếp tục sai? Vậy giải pháp nào để giữ vững sự tôn nghiêm của giáo dục?"- ĐB Hiền chất vấn.
Tuy nhiên, phần trả lời chất vấn của Bộ trưởng sau đó đã làm ĐB Hiền không thỏa mãn và đã bấm nút tái chất vấn, đồng thời đưa ra nhận định “… những hạn chế tiêu cực trong thời gian gần đây của ngành giáo dục sẽ là nguồn năng lượng tiêu cực đối với xã hội…”.
Tuy nhiên, không đông tình với quan điểm của ĐB Hiền, ĐB Lê Thị Thanh Xuân (Đắk Lắk) giơ biển tranh luận và cho rằng: đồng ý với đại biểu phản ánh về những hạn chế tiêu cực trong thời gian gần đây của ngành giáo dục, nhưng chưa đồng tình với cách đánh giá đó.
Nhận định “…đó là nguồn năng lượng tiêu cực đối với xã hội” trong khi tất cả chúng ta, những người có mặt ở đây đều là sản phẩm của nền giáo dục Việt Nam là không thỏa đáng. Bà cho rằng, cần có những đánh giá về nỗ lực kết quả của ngành giáo dục bên cạnh một số hạn chế của ngành để có được một cái nhìn khách quan và toàn diện hơn”. Thậm chí bà Xuân cho rằng, ý kiến của đại biểu Hiền sẽ “tạo ra hoài nghi của phụ huynh, học sinh đối với ngành giáo dục nước nhà”.
Ngay sau đó, ĐB Trương Trọng Nghĩa (TP Hồ Chí Minh) đã bấm nút tranh luận với đại biểu Lê Thị Thanh Xuân xung quanh các ý kiến mà ĐB Xuân và ĐB Phạm Thị Minh Hiền trên nghị trường trước đó.
Theo ông Nghĩa, trong phiên họp này, ĐBQH đang làm việc hệ trọng là thay mặt cử tri chất vấn các thành viên Chính phủ, dựa trên cơ sở kiến thức, nhận thức, quan sát và thông tin của mỗi người. Người trả lời là các vị Bộ trưởng và các vị này "đủ trình độ, năng lực, lực lượng, bộ máy và bản lĩnh để giải đáp chất vấn". "Cử tri và các đại biểu muốn nghe Bộ trường trả lời chất vấn dù mỗi người tiếp cận một cách khác nhau, chúng ta nên tôn trọng quyền này", ông Nghĩa nói.
Ông cho rằng, các đại biểu tranh luận lẫn nhau là chuyện bình thường nhưng không nên quy chụp lẫn nhau.
Dẫn ra việc "vừa rồi trên mạng xã hội có một số trường hợp quy chụp đại biểu”, ĐB Nghĩa đề nghị: chúng ta tuyệt đối tránh việc này, phải xây dựng văn hoá nghị trường, đặt lợi ích của nhân dân, đất nước lên trên hết và tôn trọng lẫn nhau. “Các đại biểu có quyền tranh luận, không đồng ý vì chưa đúng hoặc chưa chính xác nhưng không được quy chụp động cơ của đại biểu này hay đại biểu khác. Điều đó tạo không khí không lành mạnh, cản trở hoạt động dân chủ của Quốc hội", ông Nghĩa bày tỏ.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng nhận định: chúng ta cần một sự nhìn nhận khách quan và toàn diện; không nên lấy một vụ việc cụ thể để phủ nhận tất cả những sự nỗ lực và thành tích của một ngành, một đơn vị, một địa phương. Vấn đề này, đã nói trong phiên đầu chất vấn. Tất nhiên là ý kiến của đại biểu Hiền có thể đứng ở góc độ khác, đại biểu Thanh Xuân có thể phân tích góc độ khác, đó là quyền của đại biểu, nhưng chúng ta có một đánh giá khách quan sẽ tạo dư luận đúng đắn và tốt hơn cho xã hội.
Trước đó, cuối phần tranh luận của mình, ĐB Lê Thị Thanh Xuân cũng đã rất tâm tư: “Không thể phủ nhận, cùng với xu thế phát triển chung của đất nước, chất lượng giáo dục đại trà và giáo dục mũi nhọn của nước ta không ngừng được nâng cao. Mặt bằng trình độ dân trí tăng lên, năng suất lao động được cải thiện. Người Việt Nam có khả năng hội nhập tốt với thế giới.
Mặt khác, hiện nay ngành giáo dục đang thực hiện Nghị quyết số 29 của BCH Trung ương Đảng về đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo. Đã là đổi mới thì có bước tìm tòi thử nghiệm nên đương nhiên có nhiều thiếu sót. Chính vì vậy, tôi rất mong đại biểu có những ý kiến góp ý mang tính xây dựng, hiến kế cho ngành giáo dục.
Bởi nếu không cẩn thận, cách phát biểu của đại biểu tại nghị trường có thể tác động đến dư luận xã hội có thêm cái nhìn bi quan, thiếu tích cực về ngành giáo dục. Hơn nữa, có thể làm tổn thương hàng triệu nhà giáo, tạo ra hoài nghi của phụ huynh, học sinh và xã hội đối với nền giáo dục nước nhà”, bà nói.
Bên hành lang Quốc hội, ĐB Nguyễn Thanh Hải cũng chia sẻ, rất thông cảm với Bộ trưởng, vì phụ trách ngành giáo dục, một ngành khá nhạy cảm và có tác động ngay, và trực tiếp với nhiều người người, các phụ huynh học sinh cả nước. Một ngành mà có tác động đến nhiều người như vậy không thể tránh khỏi những bức xúc của cử tri- cái bức xúc mà ĐB phải “chuyển thể” thành những nội dung chất vấn Bộ trưởng. Dù đúng là có những vấn đề như lãng phí sách giáo khoa hàng tỷ đồng mà các đại biểu có ý kiến từ lâu nhưng đến nay vẫn chưa khắc phục được, nhưng mong rằng thời gian tới Bộ trưởng sẽ có những chỉ đạo quyết liệt với ngành giáo dục hiện nay.
Cùng ngày, đã diễn ra phần tranh luận khá gay gắt của ĐB Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) và ĐB Nguyễn Hữu Cầu (Nghệ An) về một số vấn đề liên quan đến công tác điều tra.