Cà Mau: Chuyển đổi số lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ - Bài 1: Năm giải pháp căn cơ phục vụ cho chuyển đổi số

Thành Nhớ| 15/09/2022 13:42
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Chuyển đổi số là xu hướng phát triển tất yếu, mang lại nhiều cơ hội, đồng thời đặt ra nhiều thách thức, tác động đến sự phát triển xã hội làm thay đổi toàn diện hoạt động chỉ đạo, điều hành của các cấp chính quyền, hoạt động kinh doanh, phương thức sống, làm việc của người dân…Tại Cà Mau, chuyển đổi số đang diễn ra như thế nào?

Với chủ đề: “Chuyển đổi số lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ”, PV Báo Công lý có cuộc trao đổi với ông Hồ Chí Linh, Giám đốc Trung tâm Giải quyết Thủ tục Hành chính tỉnh Cà Mau về chủ đề này.

PV: Thưa ông, đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế số, xã hội số, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế được xác định là nhiệm vụ trọng tâm. Tại Cà Mau chuyển đổi số đang diễn ra như thế nào?

Để thực hiện có hiệu quả hoạt động chuyển đổi số, trọng tâm là Quyết định số 749/QĐ –TTg, ngày 03/6/2020 phê duyệt “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” và nhiều văn bản quan trọng đã được tỉnh Cà Mau ban hành như: Chương trình hành động của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, Kế hoạch của Chủ tịch UBND tỉnh triển khai thực hiện Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, Kế hoạch triển khai thực hiện Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án đổi mới việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông…

Đây là các văn bản quan trọng nhằm định hướng để cả hệ thống chính trị chung sức thực hiện chuyển đổi số với 3 trụ cột chính: Phát triển chính quyền số, kinh tế số và xã hội số, bảo đảm hoạt động ứng dụng CNTT giúp nâng cao hiệu quả hoạt động của chính quyền số; hình thành, phát triển các doanh nghiệp công nghệ số có quy mô lớn, sức cạnh tranh cao là nền tảng cho phát triển kinh tế số; xã hội số văn minh, hiện đại, an toàn.

anh-1.jpg
Ông Hồ Chí Linh, Giám đốc Trung tâm Giải quyết Thủ tục Hành chính tỉnh Cà Mau trao đổi với PV Báo Công lý về chur đề “Chuyển đổi số lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ”

Đặc biệt năm 2022, Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết số 05-NQ/TU ngày 14/7/2022 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về chuyển đổi số tỉnh Cà Mau đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, trên cơ sở đó, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định phê duyệt Đề án chuyển đổi số tỉnh Cà Mau đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 với mục tiêu chung là: Ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) nhằm đổi mới căn bản, toàn diện hoạt động quản lý, điều hành của bộ máy chính quyền; hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp; phương thức sống, làm việc của người dân trên môi trường số.

Tính đến tháng 08/2022, toàn tỉnh Cà Mau tỉnh Cà Mau đã thu nhận trên 900.00 hồ sơ cấp CCCD người đủ tuổi (đạt 76,62%); đã nhận từ Bộ Công an trên 852.000 thẻ CCCD; chuyển trả 851.000 thẻ (đạt 99,89%) đến người dân sử dụng; thu nhận hồ sơ cấp định danh điện tử 104.987 tài khoản, cấp trên 1.000 tài khoản tổ chức, cá nhân trên Cổng Dịch vụ công quốc gia; Zalo dịch vụ công trực tuyến tỉnh Cà Mau đã có 140.000 người tham gia kết nối và tương tác; số lượng thuê bao điện thoại toàn tỉnh là 1,3 triệu thuê bao,băng thông rộng di động sử dụng dữ liệu trên mạng 3G, 4G (Internet) có trên 800.000 thuê bao Internet băng rộng cố định trên 151.000 thuê bao…đây là một nguồn lực vô cùng quan trọng để triển khai chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh.

PV: Để đạt được mục tiêu chuyển đổi số, chúng ta cần có những giải pháp cụ thể nào, thưa ông?

Để chuyển đổi số thành công, trước hết cần phải có sự vào cuộc và hành động đồng bộ, quyết liệt của cả hệ thống chính trị, của các cấp, các ngành. Trước mắt, cần tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, cán bộ, đảng viên, cộng đồng doanh nghiệp và người dân về tính cấp thiết của chuyển đổi số; người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp chịu trách nhiệm trực tiếp về kết quả chuyển đổi số trong cơ quan, đơn vị, tổ chức, lĩnh vực, địa bàn phụ trách.

anh-2.jpg
Trung tâm Giải quyết Thủ tục Hành chính tỉnh Cà Mau tiếp nhận hồ sơ của người dân

Cùng với đó, các cơ quan, đơn vị có liên quan đang tập trung thực hiện 5 giải pháp căn cơ phục vụ cho chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh như:

Một là, đã nghiên cứu, đánh giá và triển khai các giải pháp kỹ thuật để thực hiện xu hướng chuyển từ việc sử dụng các phần mềm riêng lẻ, phân tán sang nền tảng số dùng chung. Tức là thiết lập nền tảng mà ở đó một phần cứng, một phần mềm nhiều người dùng chung, làm cho nó không chỉ đơn thuần là phần mềm giải quyết một việc nào đó mà là một môi trường làm việc.

Bước đầu việc này đã mang lại hiệu quả tích cực cho việc thực hiện chuyển đổi số, chẳng hạn Hệ thống văn bản chỉ đạo, điều hành và Hệ thống thông tin giải quyết TTHC đã được tích hợp, chia sẻ dữ liệu thông suốt, Cổng Dịch vụ công của tỉnh cũng kết nối và chia sẻ dữ liệu được với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cổng Dịch vụ công quốc gia và Cổng Dịch vụ công của Bộ Tài Nguyên và Môi trường, Bộ Tư pháp, Bộ Xây dựng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn…

Hai là, tập trung nguồn lực để thực hiện việc chuyển đổi trọng tâm từ các chuyên gia, nhà quản lý, cán bộ, công chức, viên chức sang cộng đồng dân cư thông qua Tổ công nghệ số cộng đồng. Trên cơ sở đó tỉnh đã đổi mới phương thức triển khai thực hiện theo hướng chuyển trọng tâm từ người giỏi phần mềm sang người giỏi sử dụng. Tức thay vì như trước đây ở giai đoạn công nghệ thông tin chúng ta tập trung vào người viết phần mềm, tập trung vào đi tìm người giỏi phần mềm. Thì nay tỉnh đã chuyển sang hướng tập trung vào người sử dụng, thiết kế các phần mềm sao cho thông minh dần lên, đơn giản hơn, thân thiện hơn dễ sử dụng và tương tác đa kênh hơn.

Ba là, nghiên cứu và đẩy mạnh thực hiện việc chuyển từ tự động hóa sang thông minh hóa. Tiếp nối kết quả đã nghiên cứu ở giai đoạn ứng dụng Công nghệ thông tin (giai đoạn chú trọng tự động hóa công việc, thay lao động chân ta) tỉnh tiếp tục triển khai hàng hoạt các giải pháp theo hướng chuyển đổi số. Giúp con người ra quyết định dựa trên số liệu nhiều hơn, thông minh hơn, không chú trọng việc thay người với việc đẩy mạnh các hoạt động giám sát, điều hành thông minh, nhất là chức năng giám sát và điều hành hoạt động của chính quyền thông qua việc cung ứng dịch vụ công.

Bốn là, tái cấu trúc lại dữ liệu để thực hiện xu hướng chuyển từ dữ liệu của tổ chức sang dữ liệu người dùng. Công nghệ thông tin xử lý dữ liệu của tổ chức. Chuyển đổi số thu thập và xử lý dữ liệu người dùng sinh ra hàng ngày để tối ưu hoá hoạt động. Đồng thời, triển khai thực hiện việc thu thập và xử lý cả dữ liệu có cấu trúc và phi cấu trúc, phân tích những dữ liệu mới để phát triển các ứng dụng ngày càng thông minh như Tổng đài thông minh AI, Hệ thống Kios thông minh…

Năm là, chuyển từ cách làm từng phần sang làm toàn diện, khắc phục tình trạng chỗ làm, chỗ không, cái làm cái không, không có cái nào phản ánh toàn diện, không để tình trạng bản giấy vẫn là quyết định, làm cho công nghệ thông tin trở thành một gánh nặng tăng thêm, vẫn máy tính và vẫn giấy. Thực hiện phương thức làm việc theo hình thức “công việc gắn liền với thiết bị công nghệ”, các cấp các ngành đều cùng làm, cán bộ, công chức, viên chức buột phải làm, khuyến khích và tạo điều kiện tối đa để người dân cùng làm…với việc thực đa dạng hóa kênh tương tác (trên các website, trên ứng dụng Mobile App DVC camau; trên Zalo dịch vụ công trực tuyến, trên tổng đài AI đầu số 19009496…), mở rộng hình thức xác thực biểu mẫu điện tử (eform) tương tác đối với mẫu đơn, mẫu tờ khai theo hướng cho phép lựa chọn chữ ký số hoặc xác thực điện tử theo hình thức tin nhắn điện thoại - SMS OTP, thiết bị điện tử tự động - Token OTP hoặc trên smartphone, máy tính bảng - Smart OTP…

Còn tiếp…

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cà Mau: Chuyển đổi số lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ - Bài 1: Năm giải pháp căn cơ phục vụ cho chuyển đổi số