Ký sự pháp đình

Cả đời ân hận vì một lần lạc bước

Trang Trần 07/07/2023 - 10:45

“Cho đến khi thực hiện xong việc cướp, chính bị cáo cũng bàng hoàng không hiểu vì sao bản thân lại hành động một cách táo tợn đến như vậy. Cuộc sống của bị cáo, nếu ai đã từng trải qua sẽ thấu hiểu, áp lực thực sự đã chặn đứng hết mọi sự tính toán lý trí mà đáng ra phải có...”, Lê Phú Cao thốt ra những lời ân hận tận đáy lòng.

Một phút sa chân, cả đời ân hận...

Lê Phú Cao (SN 1991, quê tỉnh Thừa Thiên - Huế; tạm trú tại quận Liên Chiểu, TP. Đà Nẵng) được dẫn giải vào khu vực dành riêng cho bị cáo từ sớm cùng với một số bị cáo trong vụ án khác. Khuôn viên được chọn làm điểm mở phiên tòa lưu động hôm ấy rộng thênh thang, càng khiến cho tầm nhìn của Cao thêm phần trống trải.

Vị trí nào có vợ con, vị trí nào có anh em và người thân bị cáo? Nước mắt vô thức rơi xuống, bao nhiêu tâm tư, bao nhiều cảm xúc dồn nén đã vỡ òa ngay lúc ánh mắt Cao dừng lại ở hình ảnh con gái được bế phía xa.

Dù Cao có vội lau đi nước mắt, dù cố giữ tâm trạng ổn định nhất có thể thì vẫn không thể giấu được sự rối rắm trong lòng. Cao không phải là loại người vô tâm, vô tình, càng không phải là “người bỏ đi” để có thể bàng quan với mọi thứ xung quanh ngay lúc này.

Nghĩ về cha mẹ, vợ con, anh em, Cao lại càng dằn lòng không được gục ngã. Việc phạm tội, trả giá là điều đường nhiên. Cao hiểu, không có cái “giá như” nào trở thành hiện thực để có thể quay lại thời điểm chưa phạm tội… cho nên, Cao sẽ chọn cách vấp ngã ở đâu thì đứng lên ở đó, sai lầm lần này sẽ là duy nhất.

Hôm nay, Cao đối diện với hoàng hôn và màn đêm dù tăm tối bao nhiêu thì ngày mai cũng sẽ là bình minh đón đợi. Mỗi lời Cao nói, chính là lời rút tận tâm can của một người con, người chồng, người cha khi “lầm đường lỡ bước”.

conduong-phamtoi-cuanam-thanhien-cuopnganhang-kspd-trangtran-3-.jpg
Lê Phú Cao phải trả giá cho hành vi phạm tội của mình bằng mức án 20 năm tù.

Chỉ cần gõ từ khóa “cướp ngân hàng/Đà Nẵng” thì cái tên Lê Phú Cao xuất hiện dày đặc, tin tức này trở thành tâm điểm tại địa phương bởi có lẽ đây là lần đầu xảy ra vụ cướp ngân hàng một cách táo tợn như vậy. Cao cũng không phải là đối tượng mưu mô, cộm cán, khét tiếng gì “trong làng tội phạm”, cho nên chỉ trong một thời gian rất ngắn hành tung của Cao đã bị lực lượng Công an Đà Nẵng nắm gọn.

Theo cách nói của Cao thì việc Công an truy tìm và bắt bị cáo nhanh đầy "ngỡ ngàng" như lúc bị cáo thực hiện xong hành vi cướp mới bàng hoàng, giật thót không hiểu vì sao mình lại có thể làm như vậy. Khi được hỏi, Cao khai, nhằm chứng minh năng lực tài chính để được đi xuất khẩu lao động tại New Zealand, Cao mới nảy sinh ý định cướp tài sản tại ngân hàng.

Để thực hiện ý định này, ngày 18/4, Cao đến Phòng giao dịch Đống Đa, Ngân hàng V. Chi nhánh Đà Nẵng để thăm dò. Tại đây, Cao phát hiện ngân hàng này ít người qua lại, nhân viên tại đây đa số là nữ nên quyết định cướp.

Sáng ngày 20/4, Cao chuẩn bị 1 khẩu súng nhựa, 1 roi điện, 1 con dao, 1 túi vải, 1 đôi dép nhựa, 1 biển kiểm soát xe mô tô biển số 43F1 - 428.53 làm bằng giấy A4. Đến 10 giờ 30 phút cùng ngày, Cao bỏ tất cả các công cụ đã chuẩn bị vào 1 túi xách rồi bỏ trong cốp xe môtô nhãn hiệu Yamaha Grande màu xám biển kiểm soát 37D1 - 902.43.

Khi gần đến địa điểm gây án, Cao lấy biển số 43F1 - 428.53 dán đè lên biển kiểm soát xe mô tô, lấy chiếc túi đựng các công cụ ra treo trên xe và điều khiển xe đến để gần trụ ATM trước ngân hàng. Đến 11 giờ 15 phút cùng ngày, thấy phía trước ngân hàng vắng người, Cao đi vào bên trong rồi bấm nút cửa cuốn xuống để tránh bên ngoài phát hiện.

Tay cầm súng nhựa, tay bấm nút bật roi điện, Cao hô lớn “cướp đây, cướp đây” rồi uy hiếp nhân viên ngân hàng để tiền vào túi vải. Thấy nhân viên bảo vệ ngân hàng có ý định điện thoại, Cao “tịch thu” luôn 1 điện thoại di động của nhân viên này. Sau khi thành công lấy được số tiền 660 triệu đồng, Cao bỏ chạy ra khỏi phòng giao dịch.

Để tránh sự truy tìm của cơ quan chức năng, Cao điều khiển xe đi qua bãi đất trống, vứt súng nhựa, roi điện, tháo biển số dán, cởi bỏ khẩu trang, áo khoác, quần jean dài, đôi dép nhựa rồi điều khiển xe đến siêu thị Vincom Đà Nẵng xuống tầng hầm gửi xe và đón taxi đến sân bay Đà Nẵng. Cao đến sảnh sân bay nhưng không vào bên trong mà tiếp tục đón xe grap ô tô về lại phòng trọ. Tại đây, Cao lấy trong túi ra 2 xấp tiền mệnh giá 500 ngàn đồng và 200 ngàn đồng với tổng số tiền 70 triệu đồng để tiêu xài.

le-phu-cao-2.jpg
Lê Phú Cao bật khóc nức nở khi chạm mặt con gái và người thân.

Số tiền còn lại Cao cất giấu trên trần la phông của phòng trọ. Đến khoảng 15 giờ cùng ngày, Cao đi cắt tóc để thay đổi đặc điểm nhận dạng và đến một ngân hàng nộp số tiền 60,6 triệu đồng vào tài khoản ngân hàng mang tên Nguyễn Thị Lương (SN1987, trú tỉnh Quảng Bình).

Cao đã trả tiền mua đồ cá nhân nên còn lại trong thẻ số tiền 57.642.000 đồng. Sau đó, Cao đi mua 1 điện thoại di động với số tiền 5,8 triệu đồng. Số tiền còn lại Cao mua áo quần và tiêu xài cá nhân. Đến 21 giờ ngày 21/4 thì Cao bị Cơ quan CSĐT Công an TP. Đà Nẵng bắt giữ.

Chuyện buồn phía sau bản án

Lê Phú Cao sinh ra trong một gia đình có 5 anh chị em, gia đình thuộc diện khó khăn, bị cáo là con thứ 3 trong nhà. Được đánh giá là đứa sáng dạ, hiếu học nên dù khó, gia đình vẫn cố gắng để Cao được học hành đến nơi đến chốn. Đáp lại, Cao chịu khó, học hành đỗ đạt vào trường Đại học Khoa học Huế.

Khỏi phải nói, Cao chính là niềm tự hào của cả gia đình và cũng là hình tượng “con nhà người ta” trong mắt chòm xóm lúc ấy. Ra trường cầm tấm bằng cử nhân nhưng con đường lập nghiệp của Cao lại không hề thuận buồn xuôi gió.

Chờ để có thể trở thành một công chức nhà nước thực sự là điều quá khó khăn, cuối cùng Cao đành “xếp xó” bằng cấp, xin vào làm công nhân trong cơ sở sản xuất bún.

Nói cách khác, công việc hiện tại và những năm tháng miệt mài trên giảng đường của Cao chẳng khác nào hai đường thẳng, không thèm chạm nhau lấy một lần.

conduong-phamtoi-cuanam-thanhien-cuopnganhang-kspd-trangtran-2-.jpg
Một tiếng “ba” non nớt phát ra từ đứa trẻ với theo, thực sự đã rút kiệt sự cứng rắn của Cao.

Rồi đến tuổi “thành gia lập thất”, Cao lấy vợ sinh con, áp lực cuộc sống một lần nữa nhấn chìm những lý tưởng hoài bão trước đó. Kinh tế khó khăn, cuộc sống bế tắc, “giật trước, vá sau” cũng không tài nào xoay xở nổi. Đáng nói, trong lúc túng quẫn, áp lực từ cha mẹ già một lần nữa néo căng sợi giây chịu đựng của Cao, cũng là giọt nước tràn ly.

“Bị cáo cực khổ, làm không có tiền, mỗi lần về nhà ba mẹ lại đem bị cáo so sánh “con nhà người ta”, con nhà người ta bằng tuổi là có tiền, có nhà, có xe, con nhà người ta thế này, thế kia. Nhiều lần như vậy khiến bị cáo buồn, tuyệt vọng, thấy bản thân mình thực sự kém cỏi…”, Cao giãi bày một trong những lý do khiến mình sa chân.

Đối với Cao mà nói, dù khi bản thân là hình mẫu “con nhà người ta” hay khi là “nạn nhân” của hình mẫu ấy thì cũng không có gì khác ngoài hai chữ… áp lực. Nghĩ rằng, chỉ có con đường xuất khẩu lao động mới có thể kiếm được ít tiền làm vốn. Người khác, “cái khó ló cái khôn” nhưng Cao thì cái khó đã nhấn chìm tương lai và đẩy Cao đến chỗ đánh mất chính mình.

“Cho bị cáo xin lỗi toàn bộ nhân viên ngân hàng; đồng thời cảm ơn các đồng chí Công an vì đã sớm bắt được bị cáo, cho bị cáo có cơ hội hoàn lại gần hết số tiền mình cướp. Bị cáo cũng gửi lời xin lỗi người thân, mong mọi người tha thứ. Đặc biệt, mong ba mẹ già giữ gìn sức khỏe đợi ngày con quay về, mong vợ cứng rắn, mạnh mẽ thay anh nuôi dạy con thành người, cho anh có một nơi để quay về sau khi chấp hành án”, nhắc đến cha mẹ Cao không nhịn được lần nữa bưng mặt khóc.

Vạn phần bất đắc dĩ, dù muốn là người “có làm có chịu”, làm người cứng rắn để vợ con, người thân có mặt ngày hôm ấy yên lòng nhưng sự tủi thân, sự xấu hổ và cả sự đau khổ khiến Cao không tài nào ngừng khóc. Hành vi của bị cáo là hoàn toàn sai nhưng giá như người thân đừng tạo thêm áp lực, có lẽ mọi chuyện đã khác…

cuopnganhang-lephucao-kspd-trangtran-2023-1-.jpg
Lê Phú Cao sẽ vì một lần lạc bước mà ân hận cả đời.

20 năm về tội “Cướp tài sản” mà TAND TP. Đà Nẵng tuyên phạt chính là bài học đắt giá cho Cao và cho những ai có suy nghĩ đến hành động như Cao. Vụ án cũng là lời nhắc nhở với những người thân xung quanh, cuộc sống vốn chẳng dễ dàng gì đối với một người có xuất phát điểm thấp, cho nên cần lắm những lời động viên thay vì biến sự kỳ vọng trở thành áp lực.

Một tiếng “ba” non nớt phát ra từ đứa trẻ với theo, thực sự đã rút kiệt sự cứng rắn mà Cao gắng gượng tạo nên từ đầu phiên tòa đến giờ.

Cánh cửa xe đóng lại, ngăn cách cha - con, bên trong thùng xe, Cao khóc to thành tiếng!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cả đời ân hận vì một lần lạc bước