Năm 2022, nhiều sự kiện ngân hàng đã tạo nên điểm nhấn nổi bật trong nền kinh tế của cả nước. Có những vấn đề đáng chú ý, gây xôn xao trong nhân dân và doanh nghiệp.
Chuyển đổi số - điểm sáng của ngành trong năm
Đối với ngành Ngân hàng, chuyển đổi số không còn là lựa chọn, mà là yêu cầu bắt buộc, là hướng đi chiến lược nhằm giúp cạnh tranh hiệu quả và phát triển bền vững.
Chuyển đổi số trở thành điểm sáng của ngành ngân hàng trong năm 2022.
Đến nay tốc độ tăng trưởng về giao dịch thanh toán di động bình quân hàng năm đạt hơn 90%; nhiều dịch vụ ngân hàng đã có thể được sử dụng hoàn toàn trên kênh số như: Mở tài khoản thanh toán, thẻ ngân hàng, chuyển tiền, gửi tiết kiệm...; nhiều ngân hàng Việt Nam có trên 90% giao dịch trên kênh số; gần 70% người trưởng thành có tài khoản thanh toán; khoảng 1,1 triệu tài khoản mobile-money đã được mở, khoảng 60% trong đó được mở tại khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa...
Năm 2022, Sacombank đã ký kết hợp tác với liên danh Temenos – HiPT trong việc triển khai Nền tảng Ngân hàng Hợp kênh (Omnichannel). Sự kiện này là bước tiến quan trọng nhằm cung cấp trải nghiệm vượt trội cho khách hàng, tăng cường năng lực kỹ thuật số và thúc đẩy mục tiêu số hóa toàn diện của Sacombank.
Hay tại KienLongBank, ứng dụng Mobile Banking KienlongBank Plus được vinh dự đón nhận giải thưởng tại Lễ trao giải thưởng “Chuyển đổi số Việt Nam” với hạng mục “Sản phẩm, Dịch vụ, Giải pháp chuyển đổi số tiêu biểu”. Sự kiện là một hoạt động thiết thực nhằm hưởng ứng ngày Chuyển đổi số quốc gia 10/10 và tháng Tiêu dùng số.
Thời gian tới, ngành ngân hàng tiếp tục ứng dụng công nghệ để cung ứng các sản phẩm, dịch vụ theo hướng lấy khách hàng làm trọng tâm và nâng cao trải nghiệm cho khách hàng làm mục tiêu chính.
Ngân hàng đồng thuận đưa lãi suất huy động về dưới 9,5%/năm
Ngày 15/12, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam họp bàn thống nhất các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh.
Ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng cho rằng, việc tăng lãi suất huy động khiến chi phí đầu vào của tất cả các ngân hàng đều bị ảnh hưởng và tăng lên rất nhiều so với giai đoạn 9 tháng đầu năm 2022. Điều này tác động tiêu cực đến việc thực hiện các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, giảm lãi suất cho vay theo chỉ đạo của Chính phủ và NHNN; đồng thời, dẫn đến rủi ro gia tăng nợ xấu, lãi treo từ phía khách hàng.
Lãi suất điều hành tăng 2 lần liên tiếp sau 11 năm
Vì thực tế này, Hiệp hội Ngân hàng đã họp với các ngân hàng hội viên để kêu gọi thống nhất áp dụng mức lãi suất huy động tại các kỳ hạn tối đa 9,5%/năm (kể cả các khoản khuyến mại cộng lãi suất) để ổn định mặt bằng lãi suất huy động, đảm bảo an toàn thanh khoản hệ thống ngân hàng, đặc biệt trong những tháng cuối năm. Trên cơ sở đó, tiết giảm chi phí nhằm giảm lãi suất cho vay hỗ trợ doanh nghiệp.
Sau đó, hiệp hội này đã có Công văn số 454/HHNH-PLNV ngày 9/12/2022 báo cáo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước kết quả cuộc họp và kiến nghị Thống đốc một số giải pháp hỗ trợ các ngân hàng thương mại liên quan đến hỗ trợ thanh khoản từ nay đến hết Tết Nguyên đán 2023; cùng đó, thống nhất mức lãi suất huy động tại các kỳ hạn tối đa 9,5%/năm, kể cả các khoản khuyến mại cộng lãi suất.
Ngày 22/12, Thống đốc NHNN phát đi công văn, trong đó nhấn mạnh sẽ theo dõi các trường hợp tổ chức tín dụng tiếp tục tăng lãi suất và có biện pháp xử lý. Sau động thái của NHNN, hàng loạt ngân hàng thương mại thực hiện giảm mạnh lãi suất huy động, xuống dưới mức 9,5%/năm như VPBank, SHB, SCB,…
Lãi suất điều hành tăng 2 lần liên tiếp sau 11 năm
Sau 9 tháng xoay xở bằng nhiều nguồn lực để giữ lãi suất điều hành nhằm hỗ trợ nền kinh tế phục hồi sau đại dịch, cuối cùng NHNN đã buông “thành trì” lãi suất trước áp lực ngày càng tăng từ Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed).
Ảnh minh hoạ
Tiếp sau đó, ngày 25/10/2022, NHNN tăng lãi suất tái cấp vốn từ 5,0%/năm lên 6,0%/năm; lãi suất tái chiết khấu từ 3,5%/năm lên 4,5%/năm; lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của NHNN đối với TCTD từ 6,0%/năm lên 7,0%/năm. Bên cạnh đó, NHNN cũng điều chỉnh tăng các mức trần lãi suất tiền gửi dưới 1 tháng từ mức 0,5%/năm lên 1,0%/năm; tiền gửi kỳ hạn 1 đến dưới 6 tháng từ 5,0% lên 6,0%/năm.
Do đó, từ ngày 23/9, NHNN đã tăng các loạt lãi suất điều hành và trần lãi suất tiền gửi dưới 6 tháng thêm 1 điểm % – đây là lần đầu tiên cơ quan quản lý tiền tệ nâng lãi suất điều hành kể từ tháng 5/2011. Mức điều chỉnh 1 điểm % cao hơn nhiều dự báo của thị trường và tương đối lớn so với các quyết định trước đó thể hiện sự quyết liệt và mang tính phòng thủ cao của nhà điều hành.
Ngay sau khi quyết định tăng lãi suất của NHNN có hiệu lực cùng với động thái nới room tín dụng, lãi suất huy động tại loạt ngân hàng bắt đầu những chuỗi ngày tăng nóng. Xuất hiện nhiều ngân hàng đưa lãi suất tiết kiệm lên mức 12%/năm. Đáng nói, lãi suất huy động tăng đã đẩy lãi suất cho vay lên mặt bằng mới đến 15 – 16%/năm.
Hiệp Hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) cho biết, mặt bằng lãi suất huy động ở thị trường 1 vẫn rất cao. Tính đến ngày 14/12/2022, lãi suất huy động kỳ hạn từ 6 tháng đến dưới 12 tháng đa số dao động ở mức từ 6,1% - 8,3%/năm, có ngân hàng huy động lãi suất lên đến 11% (số tiền từ 1 tỷ đồng trở lên)… Như vậy, so với cuối năm 2021, nhìn chung, lãi suất huy động của hệ thống ngân hàng hiện nay đã tăng khoảng 3% - 4% ở các kỳ hạn trên 6 tháng và trên 12 tháng.
Biến động ở Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB)
Sự việc của Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) có thể coi là điểm nóng của năm 2022. SCB nổi lên trong năm 2022, do tác động của những doanh nghiệp, tập đoàn, cá nhân có sai phạm và liên quan trực tiếp với SCB đã làm ảnh hưởng đến niềm tin của người gửi tiền ở ngân hàng này.
Cụ thể, ngày 7/10, trên mạng xã hội đã lan truyền thông tin tiêu cực về Ngân hàng SCB dẫn đến hiện tượng một số người dân rút tiền trước hạn. Đó là thông tin về danh sách nhân sự ban điều hành liên tiếp bị xáo trộn. Chỉ trong vòng 3 tháng, nhà băng này đã liên tiếp bổ nhiệm tới 7 thành viên trong ban điều hành, bao gồm 6 Phó Tổng Giám đốc và một kế toán trưởng.
Không chỉ vậy, ông Nguyễn Tiến Thành, Chủ tịch Hội đồng Quản trị của Chứng khoán Tân Việt (TVSI) đã qua đời đêm 6/10. Không chỉ là người đứng đầu của Chứng khoán Tân Việt, từ năm 2017, ông Thành cũng đảm nhiệm vị trí thành viên Hội đồng quản trị độc lập tại Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB).
Do đó, Ngân hàng Nhà nước đã phải kiểm soát đặc biệt đối với SCB. Trước SCB đã có nhiều ngân hàng đã rơi bị kiểm soát đặc biệt như: DongABank. Ba ngân hàng được mua lại 0 đồng là GPBank, OceanBank, CBBank.
NHNN nới room tín dụng 3 lần
Ngay nửa đầu năm 2022, nhiều nhà băng đã dùng gần hết hạn mức tăng trưởng tín dụng của mình do NHNN cấp. Đến tháng 9/2022, 18 ngân hàng thương mại tiếp tục được cấp thêm hạn mức tăng trưởng tín dụng chiếm khoảng 80% tín dụng hệ thống. Với hạn mức tín dụng mới, tổng tăng trưởng tín dụng sẽ đạt khoảng 13% vào cuối năm, tiệm cận với mục tiêu 14% của NHNN.
Trụ sở Ngân hàng Nhà nước Việt Nam
NHNN đã ưu tiên các NHTM có cơ cấu tín dụng lành mạnh (tỷ trọng cho vay các phân khúc rủi ro như bất động sản và trái phiếu doanh nghiệp thấp và/hoặc tỷ trọng cho vay bán lẻ cao), tham gia cơ cấu lại các tổ chức tài chính yếu kém, chất lượng tài sản lành mạnh và tỷ lệ an toàn vốn (CAR) cao - đơn cử như MB, Agribank... Đáng chú ý, Sacombank được hạn mức cao nhất là 4%, cao hơn kỳ vọng của thị trường.
Cả hai đợt nới "room" tín dụng kịp thời của NHNN trong 9 tháng đầu năm đã tạo động lực cho các ngân hàng. Đặc biệt, ngay từ đầu năm, NHNN luôn nhất quán chủ trương không nới room tín dụng quá 14% nhằm kiểm soát lạm phát và ổn định vĩ mô. Tuy nhiên, đợt nới room tín dụng vào ngày 5/12 đã khiến các nhà điều hành bất ngờ.
Theo đó, NHNN đã quyết định nới room tín dụng lần 3 thêm khoảng 1,5-2% cho toàn hệ thống các tổ chức tín dụng. Nguyên tắc điều chỉnh tăng chỉ tiêu tín dụng cho các TCTD theo hướng các TCTD có thanh khoản tốt hơn, lãi suất thấp hơn sẽ được tăng trưởng tín dụng cao hơn.
Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho biết, với mức tăng 1,5-2% tương đương với 240.000 tỷ đồng được cung ứng thêm cho nền kinh tế. Đến thời điểm hiện nay, tăng trưởng tín dụng là 12,2%. Như vậy, room tín dụng theo phân bổ chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng 14% vẫn còn 1,8%, cộng gần 2% tăng thêm thì có khoảng 3,8% room tín dụng cho thời gian tới. Đây là dư địa khá lớn cho các NHTM cung ứng vốn cho các doanh nghiệp, nền kinh tế.
Như vậy, NHNN đã tăng hạn mức tín dụng cả năm 2022 từ định hướng 14% lên mức 15,5 - 16%, tương đương tăng khoảng 200.000 tỷ đồng so với trước đó.
Xáo trộn nhân sự tại nhiều nhà băng
Năm 2022, vấn đề nhân sự cấp cao của LienVietPostBank, SCB,… là một trong những sự kiện ngân hàng nổi bật nhận được sự quan tâm của giới đầu tư, cổ đông và thị trường. Việc củng cố đội ngũ lãnh đạo cấp cao hứa hẹn sẽ giúp các ngân hàng sớm có những bước tăng trưởng tốt trong thời gian tới.
Cụ thể, những ngày cuối năm 2022, ngân hàng LienVietPostBank chính thức có Chủ tịch mới, không ai khác là ông Nguyễn Đức Thụy (bầu Thụy) thay cho ông Huỳnh Ngọc Huy (SN 1966) xin từ nhiệm theo nguyện vọng cá nhân.
Cũng cùng thời điểm này, NamABank chính thức bầu ông Trần Ngô Phúc Vũ làm chủ tịch HĐQT nhiệm kỳ 2021 – 2026.
Đầu tháng 12, ông Phạm Toàn Vượng giữ chức vụ Tổng Giám đốc Agribank thời hạn 5 năm. Tương tự, ngân hàng TPBank đã quyết định chính thức tái bổ nhiệm ông Nguyễn Hưng làm Tổng Giám đốc. Theo đó, ông Nguyễn Hưng sẽ tiếp tục đảm đương vị trí quan trọng tại TPBank trong nhiệm kỳ thứ 3, từ năm 2022 đến 2027 sau khi đã có văn bản chấp thuận của NHNN.
Ngoài ra, tại ĐHĐCĐ vào tháng 4/2022, ông Đỗ Quang Hiển tiếp tục lựa chọn làm Chủ tịch HĐQT ngân hàng SHB thêm 5 năm. Đồng thời, một “nữ tướng” được bổ nhiệm giữ chức vụ Quyền Tổng Giám đốc SHB kể từ ngày 20/7/2022 là bà Ngô Thu Hà. Tương tự, HDBank cũng bổ nhiệm ông Byoung giữ chức Chủ tịch HĐQT từ ngày 29/4.
Trước đó, vào tháng 2/2022, Eximbank chính thức bầu bà Lương Thị Cẩm Tú - thành viên Hội đồng quản trị giữ chức vụ Chủ tịch HĐQT Eximbank nhiệm kỳ VII (2020-2025) thay cho ông Yasuhiro Saitoh. Đến tháng 9/2022, Eximbank tiếp tục bổ nhiệm lại ông Trần Tấn Lộc làm Tổng Giám đốc ngân hàng sau hơn 2 năm bỏ trống. Như vậy, chỉ trong vòng ba năm, vị trí Chủ tịch Eximbank nhiều lần đổi chủ. Từ 2019 đến nay, vị trí Chủ tịch Eximbank được chuyển qua lại, từ ông Lê Minh Quốc sang bà Lương Thị Cẩm Tú, ông Cao Xuân Ninh cho tới ông Yasuhiro Saitoh - đại diện của cổ đông SMBC.
Hay tại Ngân hàng Quốc Dân (NVB), tuy không thay “ghế nóng” chủ tịch nhưng từ đầu năm 2022 đến nay cũng liên tiếp biến động nhân sự cấp cao. Lần gần đây nhất là bổ nhiệm hai Phó Tổng Giám đốc mới đều là những nhân sự có kinh nghiệm lâu năm trong lĩnh vực tài chính ngân hàng, đồng thời miễn nhiệm chức Phó Tổng Giám đốc của bà Dương Thị Lệ Hà theo đề xuất cá nhân.
Có thể nói, ngành Ngân hàng năm 2022 là một bức tranh có nhiều gam màu nhất từ trước đến nay. Tại Hội tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ năm 2022, triển khai nhiệm vụ, giải pháp hoạt động ngân hàng năm 2023, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng nhấn mạnh: “Với sự quan tâm sâu sắc của các cấp lãnh đạo Đảng, Quốc hội, Chính phủ, đặc biệt là sự chỉ đạo sát sao của Thủ tướng Chính phủ; sự phối chặt chẽ của các bộ, ban, ngành, địa phương; sự đồng hành của doanh nghiệp và người dân; sự vào cuộc trách nhiệm của các đơn vị trong hệ thống NHNN cùng các tổ chức tín dụng, kết quả năm 2022 cho thấy sự ứng phó linh hoạt trên cơ sở bám sát diễn biến tình hình, cân nhắc thời điểm, liều lượng phù hợp của từng công cụ, giải pháp đã có thể hóa giải kịp thời các bài toán khó của ngành Ngân hàng”.