BQL ký túc xá Trường ĐH Sư phạm Hà Nội bị "tố" “ăn chặn” hàng trăm triệu đồng của sinh viên

congly.com.vn| 13/04/2012 11:11
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Trường Đại học Sư phạm Hà Nội là một trong số ít trường đại học ở Thủ đô được đầu tư hệ thống ký túc xá khang trang, hiện đại, nằm ngay trong khuôn viên nhà trường với sức chứa gần 3.000 sinh viên. Tuy nhiên, theo đơn thư phản ánh của cán bộ, sinh viên nhà trường thì nhiều năm qua, đã tồn tại hiện tượng tiêu cực, ăn chặn tiền của sinh viên, học viên với số tiền lên tới h�

“Ngoại giao phong bì”?


Theo nội dung phản ánh, ông Trần Công Thanh, Trưởng ban quản lý Ký túc xá nhà trường đã làm trái các quy định, tự đặt ra nhiều “luật bất thành văn”. Rất nhiều sinh viên muốn vào ở trong ký túc xá đều phải “ngoại giao phong bì” với ông này với mức chi phí lên tới hàng triệu đồng. Đặc biệt, với số học viên cao học, cuối năm 2011 vừa qua, ông Thanh đã có nhiều chỉ đạo “lắt léo” để thu tiền bất minh của học viên. Số học viên cao học K19 sau khi nhập học dù đã nộp tiền lệ phí ở ký túc xá 10 tháng nhưng sau khi bảo vệ luận văn xong đã được ông Thanh yêu cầu ra trường sớm 2 tháng. Sau đó, với số học viên K21 nhập học, ông Thanh lại yêu cầu nộp dư 2 tháng tiền lệ phí ở ký túc xá nếu muốn vào ở.


Theo kết quả kiểm tra của Ban quản lý ký túc xá thực hiện ngày 5-12-2011 cho thấy: Riêng tại nhà A5, đã có tới 100 học viên bị thu tiền dư 2 tháng mà không nộp về quỹ đơn vị, không có biên lai thu tiền. Số tiền thu trái phép này qua kiểm tra sơ bộ đã lên tới gần 200 triệu đồng. Đó là chưa kể những khoản thu tiêu cực từ “ngoại giao phong bì” của sinh viên, học viên.

Mặc dù cho rằng vụ việc đã được Thanh tra nhân dân nhà trường làm rõ nhưng ông Trần Công Thanh khi làm việc với phóng viên vẫn không chịu cung cấp thông tin của bản kết luận thanh tra.


Trao đổi với chúng tôi, một nữ sinh viên cho biết: “Chúng em muốn được vào phải có chút “quà” từ 500.000, có bạn phải lên tới tiền triệu và phải cố tình “để quên” trong đơn khi nộp xin vào ở. Chúng em phải làm như vậy vì mọi người đã được vào ở trước truyền miệng cho, làm như thế sẽ có hy vọng được xét duyệt. Cũng có lúc cán bộ "gợi ý" cho sinh viên và học viên và do tâm lý lo sợ đơn không được duyệt nên vẫn "tự nguyện" nộp tiền để hy vọng được vào ở sớm”.


Một học viên cao học K19 cho biết: “Nhiều học viên cao học, học xong thì việc thanh toán tiền gặp nhiều khó khăn, hay nhận được những câu trả lời như: “Tôi đang bận”, “tìm không thấy đâu”, “quên không mang tiền”, “chiều lên nhé...”. Riêng tôi đã công tác 12 năm ở các tỉnh miền núi còn nhiều khó khăn, tôi thấy quá buồn trước hành vi “ăn tiền” của những người mang danh là “thầy” ở đây. Phòng tôi có 3 bạn đều phải mất hơn 2 triệu đồng để “chạy” chỗ ở, có bạn ở phòng khác phải chạy chọt 2, 3 nơi từ quản lý cao đến quản lí thấp mới được vào ở. Tôi đề nghị lãnh đạo nhà trường xử lý để “thông lệ” tiêu cực này không còn tồn tại trong môi trường sư phạm, một môi trường “trồng người” luôn đòi hỏi sự thanh cao, trong sạch.


Thu trái phép hơn 200 triệu đồng, chỉ... rút kinh nghiệm?


Sự việc xảy ra đã gây bất bình trong học viên và cán bộ. Từ cuối năm 2011, đã có một số đơn thư phản ánh gửi đến Đảng uỷ, Ban giám hiệu nhà trường. Tuy nhiên, lãnh đạo nhà trường chỉ chỉ đạo thành lập một đoàn kiểm tra của Thanh tra nhân dân làm việc theo hướng rút kinh nghiệm, xử lý nội bộ. Sau khi đoàn kiểm tra làm việc, ông Thanh đã “chữa cháy” vụ việc bằng cách hoàn trả lại số tiền thu dư 2 tháng cho số học viên K19. Song đến nay, đa số học viên K19 đã ra trường, về công tác ở địa phương nên vẫn còn nhiều người chưa lấy tiền vì xa xôi hoặc vì không muốn phiền hà.


Làm việc với phóng viên, ông Trần Công Thanh, Trưởng ban quản lý ký túc xá và ông Hiền, Thư ký Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội thừa nhận có xảy ra vụ việc thu tiền sai nguyên tắc. Tuy nhiên, ông Thanh cho biết vụ việc đã được Thanh tra nhân dân nhà trường làm rõ và có kết luận. Ông Thanh cũng đưa cho phóng viên xem Thông báo số 28/TB-ĐHSPHN ngày 19-1-2012 của Hiệu trưởng nhà trường về việc thông báo kết quả thanh tra với nội dung rất ngắn gọn, có đoạn: “Việc thu tiền của học viên cao học nhà A5 dư 2 tháng so với thực tế ở trường của học viên, số tiền trên không kịp thời nộp về quỹ là sai về nguyên tắc tài chính”. Tuy nhiên, thay vì xử lý kỷ luật, Hiệu trưởng nhà trường chỉ kết luận: “Lãnh đạo ký túc xá cần rút kinh nghiệm trong quản lý tài chính, không để tái diễn tình trạng trên”. Khi phóng viên đặt câu hỏi tại sao đơn thư có gửi cho cả Bí thư Đảng uỷ nhà trường nhưng chưa được hồi âm tới cán bộ, Đảng viên, ông Hiền cho biết ông không nắm được, việc đó phải hỏi Đảng uỷ nhà trường.


Một điều đáng chú ý là kết luận thanh tra và thông báo trên chỉ được gửi tới cho chính ông Thanh, không được công bố rộng rãi trong cán bộ, học viên, sinh viên nên tiếp tục gây bất bình trong dư luận, tiếp tục có đơn thư kéo dài. Ngoài ra, theo đơn thư phản ánh, ông Thanh còn có nhiều sai phạm khác trong quản lý, điều hành cũng như làm trái quy định trong công tác nhân sự song các nội dung này đến nay vẫn chưa được làm rõ, xử lý kịp thời. Chúng tôi sẽ tiếp tục phản ánh sự việc trong các số báo tới.

Công Thành

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
BQL ký túc xá Trường ĐH Sư phạm Hà Nội bị "tố" “ăn chặn” hàng trăm triệu đồng của sinh viên