Bom tấn Godzilla vs. Kong khiến khán giả phải thán phục với kỹ xảo về trận đối đầu căng thẳng giữa 2 quái thú Titan huyền thoại của lịch sử điện ảnh thế giới. Dù hình ảnh, quy mô rất hoành tráng nhưng khán giả lại không được thỏa mãn về mặt nội dung.
Bom tấn tiếp theo của "vũ trụ quái vật" ra mắt vào năm 2021 chính là Godzilla Đại Chiến Kong. Được đầu tư ở mức 200 triệu đô, bộ phim sở hữu điểm mạnh là những phân cảnh hành động máu lửa, đẹp mắt và đầy sức choáng ngợp giữa các loài quái thú Titan.
Tuy nhiên, yếu tố con người trong phim vẫn khá nhạt nhòa - nếu không muốn nói là thừa thãi, kém logic. Dẫu vậy, có lẽ không ai chọn xem Godzilla vs. Kong vì... con người cả.
Bộ phim giữ đúng lời hứa với khán giả - là một tác phẩm mạnh về phần nhìn và âm thanh, mang đến các phân đoạn chiến đấu tanh bành. Những yếu tố còn lại, phim chưa từng hứa hẹn và khán giả có lẽ cũng chưa từng kỳ vọng gì nhiều.
Nếu như ở những phần phim trước như Kong: Đảo Đầu Lâu hay Chúa Tể Godzilla: Đế Vương Bất Tử, yếu tố hoang đường duy nhất chỉ là sự tồn tại của các quái vật Titan thì đến phim này, khán giả sẽ có cảm giác như đang được thưởng thức một bom tấn của Marvel hay DC.
Những phát minh, tàu chiến, vũ khí công nghệ mới vượt xa trình độ của loài người hiện tại mang đến một cảm giác rất "tương lai", rất khoa học viễn tưởng cho bộ phim lần này.
Đổi lại, khi chấp nhận được một phần của sự hoang đường, khán giả có thể dễ dàng đắm mình trong bầu không khí sôi động của phim, cũng như thưởng thức phần hình ảnh được trau chuốt về những công nghệ, thế giới mới.
Cảm giác mà Godzilla vs. Kong mang lại khi giới thiệu những khái niệm mới, thậm chí có thể so sánh được với lúc Marvel hé lộ đất nước Wakanda hay DC cho khán giả chiêm ngưỡng thành phố Atlantis dưới đáy biển.
Đặc biệt, phân đoạn "hành trình vào lõi Trái Đất" của phim cũng gây bất ngờ vì sự chỉn chu, đầu tư trong kỹ xảo của phim. Godzilla vs. Kong sử dụng nhiều kỹ xảo đến mức đây xứng đáng là một bộ phim hoạt hình mang tính "siêu thực".
Phân đoạn các quái thú đánh nhau, phá hỏng các tòa nhà chọc trời cũng được lặp lại nhiều, khiến khán giả hào hứng không ngơi ở nửa sau của bộ phim.
Như khi phát triển phần phim này, chính biên kịch của Godzilla vs. Kong đang bị "cấp trên" đặt cho yêu cầu: Phải làm thế nào để 2 con quái vật này có lý do đánh nhau! Chính vì vậy, toàn bộ kịch bản của Godzilla vs. Kong vẽ ra nhiều yếu tố kì quái, hoang đường với mục tiêu cao cả nhất chính là để khiến vài thành phố bị san phẳng dưới nắm đấm của Kong và Godzilla.
Phim thiếu đi tính thuyết phục vì các giả thuyết, lời giải thích và động cơ vẫn có phần "đoán mò", "mờ ám", tuy nhiên vẫn phục vụ được mục đích chính: khiến 2 quái vật Titan có lý do để đánh nhau.
Đặc biệt, trong phần này khán giả sẽ được làm quen với cô bé Jia - người dân tộc cuối cùng ở Đảo Đầu Lâu còn sống sót, có khả năng giao tiếp được với Kong.
Trái ngược với kỳ vọng, Jia lại không đóng vai trò lớn trong cốt truyện, mà chỉ đơn giản là nhân tố để làm nổi bật lòng tốt, sự trắc ẩn của Kong. Các tuyến nhân vật bên lề như nữ tiến sĩ, anh chiến binh (mà không ai buồn nhớ tên) kề sát bên Kong thực chất không tác động nhiều đến cốt truyện.
Nhìn chung, yếu tố con người (và cả nội dung) trong Godzilla vs. Kong bị đẩy ra làm thứ yếu trong một bom tấn về quái vật đánh nhau - vốn là một điều không bất ngờ.
Các nhân vật trong phim không tạo ra được sự gắn kết đối với khán giả, cho dù là từ chính diện cho tới phản diện. Phim cũng có nhiều lỗi logic, ví dụ như sự chủ quan của các công ty để đứa học sinh đột nhập được, hay du hành vào lõi Trái Đất mà không cần quan tâm, đo đạc chỉ số sinh tồn...